“Toát mồ hôi” vì trẻ không biết chữ trước lớp 1: Giáo viên thời nay ngại khó?
(Dân trí) - “Mình thuộc thế hệ 8X, nhớ lúc vào lớp 1 cả lớp cũng không bạn nào biết chữ trước, cô giáo dạy… gạch hàng rào rồi mới bắt đầu làm quen mặt chữ, sĩ số lớp tầm 35-40 học sinh mà sao cô vẫn dạy được cho tất cả các bạn biết viết, biết đọc?”…
Đọc những tâm sự thực tế từ các thầy cô giáo trong bài viết “Giáo viên “toát mồ hôi” vì trẻ không biết chữ trước khi vào lớp 1” trên Dân trí, đông đảo độc giả bày tỏ sự đồng cảm với nỗi vất vả của thầy cô khi dạy trẻ uốn nắn từng nét chữ đầu đời trong điều kiện lớp học đông (có lớp lên tới 40-60 em).
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít độc giả cùng chung băn khoăn, thắc mắc: Tại sao trước đây, trẻ con hoàn toàn “mù chữ” trước 6 tuổi và sĩ số lớp đông nhưng các thầy cô vẫn dạy trẻ tốt? Bao nhiêu thế hệ trước các thầy cô không “kêu ca phàn nàn” và câu chuyện nên - không nên cho trẻ học trước cũng chẳng ai phải bàn tới, thế mà ai cũng trưởng thành, nhiều người thành tài? Phải chăng giáo viên thời hiện đại ngại khó, ngại khổ?
Độc giả M. Thương thắc mắc: “Tại sao trước đây chương trình lớp 1 không cần học trước mà vẫn đảm bảo được việc trẻ con làm quen với chữ và chữ viết? Nay gọi là giảm tải chương trình nhưng trẻ con phải đi học trước mới theo được? Tại sao thầy cô trước đây cũng dạy lớp 30-40 cháu, thì không ai kêu chương trình quá sức, mà nay thầy cô lại… toát mồ hôi!”…
Độc giả Lê Thị Mận viết: “Trước đây, đời bố mẹ mình các cô giáo phải khi vào lớp một mới biết chữ O chữ A là gì! Có sao đâu, giờ các cô ngại khó ngại khổ, ngại uốn nắn đấy thôi”.
Độc giả Ng. Hùng bình luận: “Các thầy cô cũng muốn nhàn. Tôi xin hỏi các thầy cô - bao nhiêu thế hệ trước đây có học chữ trước khi vào lớp 1 không?”…
Áp lực “ba bề, bốn bên”
Câu chuyện “Có nên cho trẻ học trước khi vào lớp 1?” không phải đến nay mới được đem ra bàn luận nhưng đây là lần đầu tiên, những chia sẻ về nỗi vất vả của các thầy cô giáo khi trẻ không biết chữ trước khi vào lớp 1 được báo Dân trí phản ánh.
Trước những luồng dư luận trái chiều, nhiều cô giáo cho biết, họ thực sự buồn trước những ý kiến cho rằng giáo viên thời nay ngại khó, ngại khổ…
Là người trong cuộc, cô giáo P. Hoa tâm sự, việc so sánh thời xưa và thời nay điểm khác nhau lớn nhất chính là bối cảnh. Một tiết học 35 phút trong khi có rất nhiều nội dung giáo viên cần truyền tải, bị áp lực về thời gian, sợ “cháy giáo án” trong khi sĩ số lớp học đông, trẻ lớp 1 không phải dạy là hiểu ngay… Sự trông mong từ phụ huynh, chỉ tiêu từ phía nhà trường, nhiều giáo viên chỉ biết kêu trời mà dạy kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì không đành lòng. Nhiều khi, thầy cô tranh thủ cả giờ ra chơi giảng cho con em.
Cô giáo Ng.Hoài bày tỏ: “Bạn hãy tìm hiểu xem một tiết học hiện hành của học sinh lớp 1 trong vòng 35 phút các em học những kiến thức gì đã nhé”.
So sánh một tiết học trong chương trình SGK Tiếng Việt lớp 1 và SGK Tiếng Việt của chương trình công nghệ giáo dục. Nhiều giáo viên phản ánh, trường áp dụng dạy theo sách công nghệ giáo dục khiến chương trình nặng hơn, giáo viên - học sinh vất vả, phụ huynh muốn dạy con cũng "bó tay" vì rối.
Cô giáo Q. Trang đặt giả thiết: “Để biết thời nay các thầy cô có chịu được cực khổ được hay không, thì các bạn dạy chừng 30 học sinh đúng độ tuổi vào lớp 1 mà chưa biết chữ gì theo đúng chương trình hiện hành xem thế nào”.
“Chương trình ngày xưa khác. Học không được ở lại. Có em 3 năm lớp 1 là chuyện bình thường. Giờ muốn ở lại cũng không được”, bạn Tr. Nhung nói.
Đồng tình quan điểm, cô giáo H.Mai chia sẻ: “Học kém mà vẫn cứ lên lớp. Mình đang dạy 1 bé lên lớp 4 mà chữ còn đọc không xong”.
Độc giả Lê Hưng cho rằng: “Không nên đổ lỗi cho các thầy cô, thầy cô là những người chịu áp lực ba bề bốn bên. Thêm nữa, phụ huynh thấy con mình không bằng con người thì đứng ngồi không yên. Học sinh trở thành bao tải nhét những gì người lớn mong ước”.
Bố mẹ cũng không biết dạy con thế nào!
Trong cuộc tranh luận này, không ít độc giả cho biết, thời xưa con trẻ ngoài thầy cô còn có bố mẹ dạy nhưng hiện nay, với chương trình mới, bố mẹ muốn giảm bớt gánh nặng dạy trò cho thầy cô nhiều khi cũng đành… bó tay.
Độc giả nickname Mẹ thương con trăn trở: “Ai đã sáng tạo ra việc "giảm tải" chương trình học mà giảm xong thì bố mẹ cũng chẳng hướng dẫn được con học nữa luôn và các cô thì dạy không kịp, các con thì học không kịp như vậy ? Khổ các con hết sức!”.
Phụ huynh Đặng Công cho biết, gia đình anh muốn dạy cháu nhưng chương trình công nghệ giáo dục của lớp 1 khá phức tạp làm không chỉ anh mà nhiều phụ huynh khác cũng rối, không biết dạy con thế nào mới chuẩn.
Chị Ng. Mai Hiền cũng cho rằng: “Nếu quay lại dạy chương trình cũ thì phụ huynh cũng hỗ trợ cô phần nào. Nhưng chương trình công nghệ thì phụ huynh bó tay luôn. Vậy thì luyện viết trước cho các em để thời gian còn lại các em tiếp cận chương trình mới”.
Độc giả T.L.Đăng chia sẻ: “Tôi nhớ cách đây mấy chục năm hồi đó học lớp 1. Trong cặp chỉ có 1 quyển học vần mà tôi xách còn rớt lên rớt xuống. Bây giờ các cháu học lớp 1 mà gùi 1 cặp sách nặng trĩu. Thật tội!”.
“Chương trình học của lớp 1 rất nặng dẫn đến cô, trò, cha, mẹ đều khổ. Gỡ bài toán chương trình học thì cả xã hội… nhẹ người”, một độc giả Dân trí đóng góp ý kiến.
Đừng đánh đồng giữa học trước và làm quen việc học…
Phụ huynh Nguyễn Hà cho rằng, cuộc tranh luận này năm nào cũng gay gắt vì chúng ta đang đánh đồng khái niệm học trước và làm quen việc học.
“Ngày xưa nhiều người học hết lớp 2 thậm chí hết cấp 1 mới đọc thông viết thạo cũng không sao. Bây giờ nếu không làm quen trước sẽ rất vất vả cho các bé. Mình thấy mọi người đamg hiểu lầm và đánh đồng giữa việc cho bé học trước và làm quen với việc học là 1.
Học trước là cho bé học sớm trước khi vào lớp 1 cả năm hoặc hơn. Làm quen là trước khi bé vào học khoảng 3 tháng phụ huynh cho các bé nhận biết mặt chữ cái, cách cầm bút, viết các nét cơ bản, quen với sách vở. Mỗi ngày bé chỉ cần 30 phút. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến thời gian vui chơi hay tư duy sáng tạo của trẻ mà còn giúp trẻ khỏi bỡ ngỡ và tự ti khi tiếp xúc với việc học”, chị Hà quan điểm.
“Cứ xem SGK lớp 1 là biết không có bài nào để dạy chữ cái cả. Bài đầu tiên là ghép chữ rồi. Vậy những bé không biết chữ cái sẽ gặp khó khăn. Những bé nhanh và thông minh hoặc những gia đình có thời gian kèm cặp bé sẽ không sao chứ những bé chậm chạp và cha mẹ ít có thời gian kèm thì bé sẽ càng vất vả”, phụ huynh này phân tích.
Anh Trần Xuân Long cũng cho rằng, để tìm câu giải đáp cho vấn đề này thì nên trả lời được câu hỏi trọng tâm từ đó tìm phương pháp tháo gỡ: “Tôi thắc mắc một câu hỏi mà tôi nghĩ nếu trả lời đúng vấn đề đang tranh cãi sẽ rất rõ ràng. Tại sao trẻ 6 tuổi bắt đầu học lớp 1? Nếu thực tế (các điều kiện khác chi phối) khiến cần thiết phải đi học trước thì Bộ Giáo dục nên cho thêm một lớp 5 tuổi rưỡi nữa trước khi đi học lớp 1 gọi là lớp dự bị lớp 1 hoặc thay đổi chương trình 12 lớp thành 13 lớp cũng không có gì khó khăn cả vì chỉ thay đổi tên gọi chứ không thay đổi gì”.
Lệ Thu (ghi)