Xóa bỏ biên chế giáo viên: Phải làm tới cùng nếu không sẽ gây ra sự hỗn loạn

(Dân trí) - "Cá nhân tôi cho rằng, về mặt ý tưởng bỏ biên chế giáo dục là hướng đi tích cực, có điều, đã làm thì phải làm tới cùng, làm đồng bộ, quyết liệt và toàn diện. Nếu làm "nửa vời", “nửa nạc, nửa mỡ" thì sẽ là thảm họa cho nền giáo dục".

Đó là ý kiến của giảng viên Đoàn Quang Huy (Trường ĐH Kinh tế & QTKD Thái Nguyên), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Tổng hợp Friedrich-Schiller-Jena, CHLB Đức nói về vấn đề nếu bỏ biên chế giáo dục.

Kích thích được sự phát triển không ngừng của các thầy cô

Biên chế giáo dục, hiện nay trên thế giới có 02 xu hướng.

Xu hướng thứ nhất là xu hướng của Mỹ, xây dựng nền giáo dục dựa vào đầu tư tư nhân, nguồn thu đến từ học phí và các khoản tài trợ khác. Theo đó, giáo viên không nằm trong biên chế của Chính phủ mà là diện ký hợp đồng với các trường, được các trường chi trả lương (từ nguồn học phí và tài chính khác của nhà trường), chương trình học là do các trường tự thiết kế...


Ở Mỹ, giáo viên không nằm trong biên chế của Chính phủ.

Ở Mỹ, giáo viên không nằm trong biên chế của Chính phủ.

Hình thức này có ưu điểm là sẽ kích thích được sự phát triển không ngừng của các thầy cô, giống như một cuộc đua mà người chiến thắng là người tốt nhất. Mặc khác, quyền tự chủ trong việc lựa chọn nội dung giảng dạy sẽ giúp nhà trường xây dựng được những chương trình đào tạo phù hợp và thiết thực đối với học sinh. Cơ chế lương thưởng cũng sẽ tốt hơn, linh hoạt hơn, tạo động lực cho các thầy cô cống hiến.

Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là chất lượng đào tạo giữa các trường sẽ không đồng đều. Những trường có nguồn tài chính khủng sẽ dễ dàng có được hợp đồng với các giáo viên nổi tiếng, cơ sở vật chất hiện đại, môi trường giáo dục ưu việt. Ngược lại, những trường "nghèo" thì chất lượng đào tạo sẽ kém hơn hẳn và thậm chí, hình thức này sẽ là cơ hội cho rất nhiều trường đại học “ma” được thành lập.

Ở Mỹ hiện cũng có rất nhiều trường đại học “ma” và các trường chất lượng rất kém, bên cạnh những trường đại học hàng đầu thế giới. Chính điều này dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về giáo dục và lâu dài sẽ dẫn đến bất bình đẳng về xã hội và về thu nhập; mà hậu quả là một xã hội "5% dân số chiếm 95% tài sản". Mặt khác, tuy chế độ cho giáo viên sẽ tốt hơn, nhưng giáo viên sẽ đối mặt áp lực phải giảng dạy và làm việc với công suất lớn vì lo ngại bị đào thải.

Xu hướng thứ hai là hầu hết phần còn lại của thế giới (Đức, Úc, Bắc Âu, Hàn, Nhật…). Tại các trường này thì giáo viên phần lớn là công chức (với số lượng, chỉ tiêu cụ thể) và hợp đồng. Việt Nam chúng ta hiện đang nằm trong số này.


Hình thức biên chế nhược điểm ở chỗ “thiếu áp lực, động lực” cho giáo viên.

Hình thức biên chế nhược điểm ở chỗ “thiếu áp lực, động lực” cho giáo viên.

Ưu điểm của hình thức này là cơ bản đảm bảo công bằng về giáo dục, cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo giữa các trường (vẫn có sự chênh lệch nhất định, nhưng trong giới hạn). Đảm bảm được thực hiện các mục tiêu giáo dục (do chương trình học được nhà nước thiết kế).

Tại CHLB Đức, giáo dục là hoàn toàn miễn phí, từ mầm non đến sau đại học vì Chính phủ Đức cho rằng mọi người đều cần được tạo cơ hội như nhau để phát triển. Hệ thống trường các cấp của Đức 95% là trường công và chất lượng đào tạo đều cao và khá đồng đều.

Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là "thiếu áp lực" lên các giáo viên, dẫn đến khó tối đa hóa chất lượng đào tạo. Mặt khác, do bị giới hạn bởi quy định về lương thưởng theo luật công chức nên thu nhập của các giáo viên cũng sẽ không cao như hình thức đầu tiên. Điều này cũng làm suy giảm động lực nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Như vậy, có thể thấy rằng không có hình thức nào là tối ưu hoàn toàn cả. Mỗi chính sách đều có mặt được và mặt mất. Việc lựa chọn chính sách nào cần phải căn cứ vào thực tế và quan điểm, đường hướng phát triển của từng quốc gia.

Cần có chuẩn đánh giá giáo viên

Quan ngại thứ nhất là cơ chế này nếu thực hiện "nửa nạc, nửa mỡ" sẽ tạo ra một mớ hỗn độn, hỗn loạn và tiêu cực. Vì như Mỹ, nguồn hoạt động tài chính của các trường là do tự túc và tài trợ, nhà trường vận hành như một công ty giáo dục, có hẳn một Hội đồng quản trị để điều hành và Ban Giám hiệu cũng chỉ là những người làm thuê giống như CEO của các tập đoàn.

Do vậy, bất kể ai việc thiếu hiệu quả hay vi phạm quy định là bị xử lý ngay. Nhưng hệ thống của Việt Nam vẫn nhiều trường thuộc diện công lập, Nhà nước chi trả phần lớn chi phí hoạt động. Câu chuyện về quản lý, nhân sự và tiêu cực vốn đã nóng, sẽ lại càng nóng hơn nữa.

Quan ngại thứ hai là mục tiêu của Việt Nam từ trước đến nay luôn nhấn mạnh vào hai chữ "phát triển", cụ thể là vừa phải đảm bảo được tăng trưởng, nhưng vừa đảm bảo được bình đẳng. Liệu phát triển giáo dục theo hướng mô hình kinh doanh thì có phù hợp với đường hướng phát triển của đất nước không?

Cá nhân tôi cho rằng, về mặt ý tưởng bỏ biên chế giáo dục là hướng đi tích cực, có điều, đã làm thì phải làm tới cùng, làm đồng bộ, quyết liệt và toàn diện. Nếu làm "nửa vời", “nửa nạc, nửa mỡ" thì sẽ là thảm họa cho nền giáo dục.

Thay đổi phải thực hiện đồng bộ với cơ chế dân chủ, minh bạch và quan trọng là chế độ thu nhập cho giáo viên phải thay đổi thỏa đáng. Thêm nữa, cũng cần có chuẩn để đánh giá giáo viên, bằng thước đo tin cậy, ít cảm tính và công bằng.

Điều quan trọng hơn cả là cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát lẫn nhau để không bộ phận nào quyền lực quá lớn hoặc thiếu kiểm soát sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, thiếu minh bạch và dân chủ. Còn nếu chúng ta bỏ biên chế giáo dục, nhưng hệ thống giáo dục vẫn như cũ, vận hành như các quy định hiện tại thì chẳng khác gì "bình mới, rượu cũ" cả.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước nay chúng ta có nhiều đường hướng, chính sách rất tốt nhưng thực hiện thì thiếu nghiêm túc, nửa vời, không hiệu quả. Dẫn đến sau cuối mọi thứ ngổn ngang, hỗn độn và chồng chéo. Nhiều bài học nhãn tiền trong cải cách ở mọi lĩnh vực vẫn còn đó. "Biên chế" hay "không biên chế" bản thân nó không quan trọng, mà cách ta vận hành hệ thống giáo dục mới chính là vấn đề.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đoàn Quang Huy

(Nghiên cứu sinh tiến sĩ - ĐH Tổng hợp Friedrich-Schiller-Jena, CHLB Đức)

Mọi ý kiến góp ý về Chủ trương sẽ xóa bỏ biên chế trong giáo dục xin gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!