Bỏ biên chế, viên chức ngành giáo dục: Làm sao để hiệu trưởng không lộng quyền?

(Dân trí) - Rất nhiều ý kiến các nhà giáo dục cho rằng, bỏ biên chế giáo viên là việc cần làm để thúc đẩy sự canh tranh nhân sự trong giáo dục vốn đang bị “ì ạch”. Nhưng cũng cần đi kèm với việc giảm biên chế là biện pháp quản lý lãnh đạo trong trường học để tránh lộng quyền của hiệu trưởng lên nhà giáo.

Trường học thiếu dân chủ, hiệu trưởng thêm quyền

Trước chủ trương sẽ thí điểm bỏ biên chế, viên chức trong giáo viên của Bộ GD-ĐT, không chỉ người yếu kém dựa vào "chiếc áo bình an" của hai chữ biên chế để giữ chỗ mà nhiều người có năng lực cũng lo ngại, băn khoăn.

Thiếu dân chủ trong trường học, quyền hành của hiệu trưởng trong trường phổ thông như hiện nay, nếu họ có thêm quyền "hợp đồng" trong tay, thì những người giỏi - có thể lại là đối tượng dễ bị loại đầu tiên. Có những nhà giáo có năng lực, dám phản biện... ở trường luôn bị cấp trên chèn ép, gây khó dễ. Nhưng họ chưa phải ra đi, còn có thể bám trụ với nghề âu cũng một phần nhờ cái... biên chế.


Nhiều giáo viên có tâm huyết nhưng không dám ý kiến với hiệu trưởng

Nhiều giáo viên có tâm huyết nhưng không "dám ý kiến" với hiệu trưởng

Một giáo viên ở TPHCM chia sẻ, bà từng biết nhiều giáo viên có năng lực, có tâm huyết nhưng... “dám ý kiến” khác với hiệu trưởng nên bị gây khó dễ trong công việc, bị cản trở đủ điều. Có người phải tự động động xin nghỉ vì bị chèn ép quá mức.

Rất nhiều người giỏi trong trường học vì dám lên tiếng, vì dám phản biện mà bị cô lập, làm việc vô cùng ngột ngạt. Và nếu hiệu trưởng nắm thêm quyền “hợp đồng” trong tay thì dễ lắm, người giỏi lại là người bị loại đầu tiên. Thực tế, trong môi trường hiện nay, không ít giáo viên giỏi cũng chỉ muốn được “an phận” mà dốc sức cho nghề, cho trò.

Là một giảng viên trẻ có biên chế đang làm việc trong cơ quan nhà nước, ThS Nguyễn Thị Thu Huyền, ĐH Sư phạm TPHCM bày tỏ, bà ủng hộ chính sách tuyển dụng theo chế độ hợp đồng công khai, công bằng, ký kết hợp đồng làm việc, đánh giá năng lực định kỳ để quyết định duy trì hợp đồng hay không. Tinh thần của chính sách này là tạo điều kiện cho những người trẻ, có năng lực có thể có việc làm mà không phải chờ bộ phận giáo viên đến tuổi về hưu. Ngược lại, những người làm việc thiếu trách nhiệm, kém năng lực có thể bị sa thải sớm.

Nhưng bà Huyền lại cho rằng đây là một “đoàn giáng chí mạng” cho giáo viên, họ đang rất lo sợ - không chỉ người yếu kém. Bản thân bà từng nghĩ: Người giỏi chuyên môn thì lo gì mất việc. Người không giỏi và làm không tử tế thì mất việc cũng đúng thôi.

“Tuy nhiên, nói chuyện với nhiều giáo viên thì tôi thấy thực tế phức tạp hơn nhiều. Hiệu trưởng ở nhiều nơi là 'ông trời con', tự tung tự tác. Để có vị trí hiệu trưởng thì họ đã được hậu thuẫn của bộ máy quản lý phòng, sở nên giáo viên có phản biện, đấu tranh cũng không dễ. Người càng giỏi, càng chính trực thì càng khổ”, bà Huyền nêu ý kiến và đặt ra vấn đề nếu thực thi chính sách này thì việc đánh giá năng lực giáo viên được giao cho ai, nếu là hiệu trưởng thì liệu hiệu trưởng có lạm quyền không?

Phải có cơ chế quản lý rõ ràng

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia TPHCM cũng bày tỏ, tuyển theo hợp đồng, giáo viên sẽ không chỉ dựa vào bằng cấp mà phải có nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy… để cạnh tranh. Trong quá trình giảng dạy, họ cũng phải luôn nỗ lực trong chuyên môn, ứng xử với học sinh thì mới có cơ hội giữ được vị trí việc làm.

Nhưng, bà Thúy cũng nhấn mạnh, nếu đưa về cho nhà trường tuyển dụng giáo viên theo hợp đồng thì phải có cơ chế quản lý rõ ràng, có trách nhiệm ràng buộc cụ thể để tránh việc tuyển dụng theo kiểu “nhất quan hệ”. Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân loại, xếp loại giáo viên đủ năng lực hay không cũng không thể chỉ dựa vào điểm số học sinh, các buổi tham gia tập huấn, trình độ của giáo viên mà phải có cơ chế đánh giá đi kèm phù hợp hơn.

Nhiều giáo viên - kể cả những giáo viên có năng lực lo lắng về khả năng cạnh tranh trong môi trường giáo dục như hiện nay (Ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên - kể cả những giáo viên có năng lực lo lắng về khả năng cạnh tranh trong môi trường giáo dục như hiện nay (Ảnh minh họa)

Một giáo viên khác nêu quan điểm, một khi toàn thể giáo viên là người lao động hợp đồng và hiệu trưởng là ông chủ thì rất nhiều tình huống có thể xảy ra với các thầy cô và không phải tình huống nào cũng tích cực. Lương không cố định, có thể tăng nếu ai có năng lực hay vừa lòng “ông chủ”; ai chống đối hoặc có ý kiến khác hiệu trưởng có thể bị sa thải hoặc giảm lương. Bên cạnh đó, có thể xảy ra việc con cháu trong trường sẽ đông đảo “át” giáo viên có năng lực...

Thầy giỏi cũng ngại tuyển dụng theo hợp đồng trong môi trường giáo dục còn thiếu dân chủ cũng là điều dễ hiểu. Rất nhiều ý kiến của các nhà giáo dục, những người quan tâm cho rằng, bỏ biên chế giáo viên là việc cần làm để thúc đẩy sự canh tranh nhân sự trong giáo dục vốn đang bị “ì ạch”. Nhưng cũng cần đi kèm với việc giảm biên chế của hệ thống quản lý, thực hiện luân chuyển đối với lãnh đạo quản lý trong trường học để tránh lộng quyền của hiệu trưởng lên nhà giáo, nhất là khi “quyền hành” đó có thể loại.. người tài.

Ủng hộ bỏ biên chế để tăng sự cạnh tranh, ThS Nguyễn Thi Thu Huyền đưa ra đề xuất chính bộ máy quản lý giáo dục và ban giám hiệu các trường cũng phải theo cơ chế này. Ngoài ra phải ban hành được quy trình tuyển dụng công khai, công bằng; cách đánh giá giáo khoa học, chặt chẽ, khách quan...thì mới nên thực hiện.

Hoài Nam