Phụ huynh lo lắng con bị phản ứng phụ ra sao khi tiêm vaccine phòng Covid?
(Dân trí) - Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ là vấn đề đang được nhiều học sinh và phụ huynh mong chờ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng liệu con bị phản ứng phụ ra sao sau khi tiêm.
Một số tỉnh, thành trên cả nước đã lên kế hoạch hoặc đang trong quá trình triển khai tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Song, bên cạnh đó, vẫn còn không ít cha mẹ bày tỏ sự băn khoăn.
Lo lắng trẻ rối loạn gen hậu tiêm phòng Covid -19
Trước thông tin này, phụ huynh Đoàn Thị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui bởi với chị, kế hoạch tiêm chủng cho học sinh được triển khai đồng nghĩa với việc ngày trở lại trường của con gái chị đang đến rất gần. Tuy nhiên, phụ huynh này vẫn còn trăn trở.
"Theo tôi được biết, vaccine sử dụng cho trẻ là vaccine theo công nghệ mRNA hoàn toàn mới, được phê duyệt khẩn cấp và chúng ta chưa có thời gian để theo dõi hệ quả lâu dài.
Tôi sợ rằng có khi phải đến nhiều năm sau khi tiêm vaccine thì các tác dụng phụ mới xuất hiện, gây ra rối loạn biến đổi gen, thậm chí còn ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của trẻ sau này. Nhà chỉ có một cô con gái, nên điều này khiến tôi vô cùng lo lắng, phân vân".
Giống với chị Nga, phụ huynh Trần Văn Vinh (Thường Tín, Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn về phản ứng phụ lâu dài khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ. Tuy nhiên, ông bố này còn một nỗi lo lớn hơn, đó chính là cậu con trai của anh có dấu hiệu của bệnh hẹp phế quản, liên tục gây khó thở và ho.
Chưa dừng lại ở đó, mặc dù đang học lớp 9 nhưng con của anh Vinh khá gầy. Thậm chí, nếu so sánh, cân nặng của em chỉ bằng trẻ lớp 6, lớp 7. "Tôi muốn tiêm vaccine Covid-19 cho con, để con được thoải mái vui chơi và đến trường. Tuy nhiên, sức khỏe và cơ thể của con khiến tôi lo lắng việc tiêm có thực sự an toàn hay không?" - phụ huynh này chia sẻ.
Anh Vinh hy vọng anh cũng như nhiều bậc phụ huynh khác sẽ sớm nhận được hướng dẫn cũng như các khuyến cáo trong việc tiêm chủng cho trẻ mọi người có thể đưa ra quyết định và giải tỏa nỗi lo đã trăn trở bấy lâu nay.
"Tôi cũng mong, trước khi triển khai tiêm cho trẻ, các con sẽ được khám lâm sàng một cách cẩn thận, chu đáo. Tất nhiên, phụ huynh như tôi cũng sẽ thành thật trong việc khai báo bệnh nền của con trẻ để việc tiêm vaccine được diễn ra thuận lợi hơn".
Trăn trở con vừa tiêm vaccine Covid, vừa tiêm chủng định kỳ
Có con gái năm nay tròn 17 tuổi, chị Lê Minh Hòa (Hải Phòng) trăn trở, nếu thành phố triển khai tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi vào tháng 11 tới, chị có nên đăng ký cho con tiêm ngay từ đợt đầu hay không.
"Tôi phân vân vậy bởi cách đây mấy ngày, con gái tôi vừa tiêm vaccine phòng chống ung thư cổ tử cung HPV. Không biết nếu tiêm vaccine Covid-19 ngay đợt này, cơ thể "nạp" liên tục 2 loại vaccine, sức khỏe của con có bị ảnh hưởng không nữa".
Đây không phải nỗi lo của riêng chị Hòa. Phụ huynh Đoàn Nhâm cho biết, con trai anh hiện đang học lớp 6. Ở độ tuổi này, bên cạnh tiêm vaccine phòng Covid-19, trẻ cần phải thực hiện tiêm chủng nhiều loại vaccine định kỳ như vaccine viêm não Nhật Bản, hay vaccine Sởi - Quai bị - Rubella...
"Nếu trẻ đến lịch tiêm chủng định kỳ, mà lại trùng vào đợt tiêm vaccine Covid-19, tôi không biết sẽ cho con tiêm vaccine nào trước, và tiêm 2 loại vaccine phòng 2 bệnh khác nhau vào cơ thể trẻ thì vaccine có phát huy được hết tác dụng hay không?".
Đứng trước vấn đề này, anh Nhâm mong muốn, trước khi quá trình tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ được triển khai, ban lãnh đạo, người đứng đầu tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế sẽ có buổi giao lưu, trả lời các câu hỏi của phụ huynh về những khúc mắc hay băn khoăn liên quan tới vấn đề tiêm phòng cho học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17 để người dân nói chung và phụ huynh nói riêng nắm rõ các nội dung cần thiết, từ đó sẽ có nhận thức đúng đắn về tiêm chủng cho trẻ.
Nhiều địa phương lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ
Tại TP.HCM, bắt đầu từ sáng 27/10, TP. HCM triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh ở quận 1 và huyện Củ Chi. Ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16 - 17 tuổi, sau đó hạ dần độ tuổi. Tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống Covid-19.
Tại Hà Nội, ngành y tế đã lên danh sách khoảng 680.000-840.000 trẻ thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện cần thiết tại các cơ sở tiêm chủng cho trẻ. Thành phố sẽ tiến hành tiêm cho trẻ ngay sau khi được phân bổ lượng vaccine cần thiết.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay, việc phụ huynh lo lắng cho trẻ khi tiêm cho con em mình là điều dễ hiểu. Do đó gia đình cần quan tâm nhiều hơn phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu, trong đó đặc biệt là 30 phút sau khi tiêm cần được cán bộ y tế theo dõi sát sao. Phụ huynh cần động viên, trấn an các cháu để tránh tâm lý lo sợ, tương tự như khi tiêm các loại vaccine khác.
Tại Nghệ An, ngày 29/10, Sở GD-ĐT Nghệ An có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An đề nghị phối hợp tham mưu tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh trong độ tuổi trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc tiêm vaccine cho hơn 300.000 học sinh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi sẽ là bước quan trọng để tổ chức học trực tiếp trên phạm vi toàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh. Theo đó, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành rà soát số học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17 nhằm phối hợp Sở Y tế triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 100 nghìn học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi.
Liên quan đến chiến lược tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, vào 14h ngày 1/11, báo Dân trí sẽ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến: "Tiêm vaccine phòng Covid-19 và các điều kiện để trẻ đến trường".
Cuộc giao lưu có sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực tiêm chủng (Bộ Y tế), chuyên gia về nhi khoa, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Ngay từ bây giờ, các bạn quan tâm có thể tham gia đặt câu hỏi TẠI ĐÂY