Nữ sinh con nhà giàu, học giỏi chọn... "rớt" lớp 10
(Dân trí) - Trong khi bạn bè đang tất tả cho kỳ thi lớp 10, Ngọc ở trong phòng mình với cọ, phấn và say sưa đọc các tài liệu tiếng Anh về trang điểm.
Bố giám đốc, mẹ trưởng phòng, con học trang điểm
Học giỏi, con nhà giàu, Bích Ngọc, học sinh lớp 9 ở TPHCM gây ngỡ ngàng khi chọn... "rớt" khỏi kỳ thi vào lớp 10.
Sớm nhận ra mình có đam mê đặc biệt với trang điểm, từ năm lớp 8, Ngọc xác định sẽ theo đuổi lĩnh vực này sau khi tốt nghiệp THCS. Những năm qua, cô nữ sinh không ngừng mày mò, tìm hiểu hướng học nghề trang điểm.
Suốt 9 năm liền đều là học sinh giỏi, luôn trong top nhất nhì lớp, con đường học hành của Ngọc có thể nói là chạy băng băng. Còn nữa, gia đình Ngọc có điều kiện khi bố là giám đốc công ty về phân phối ô tô, mẹ là trưởng phòng tại một ngân hàng ở quận 3.
Đối với kỳ thi lớp 10 căng thẳng, với sức học của Ngọc không khó để vào một trường công lập vừa sức. Nếu có rớt, việc Ngọc theo học ở trường dân lập hay quốc tế không phải là vấn đề với gia đình.
Cuối năm lớp 8, Ngọc tuyên bố "Con sẽ không học lớp 10" làm... bố mẹ té ngửa. Ý định rẽ ngang của Ngọc bị người thân và cả giáo viên phản đối kịch liệt. Tất cả đều mặc định Ngọc phải đi theo con đường học tập thông thường từ cấp 2 vào cấp 3 rồi lên đại học như phần lớn mọi người vẫn đang chật vật đi theo.
Ngọc kể, cả năm trời em kiên trì trao đổi, thuyết phục bố mẹ. Em cho bố mẹ thấy mình chỉ thích lĩnh vực trang điểm, có thể ngồi với phấn với cọ hàng giờ đồng hồ, đọc hết các tài liệu về lĩnh vực này, kể cả các tài liệu tiếng Anh. Chỉ những lúc đó Ngọc mới thật sự say sưa, bay bổng và hạnh phúc.
Ngọc cũng thừa nhận, bản thân không mấy thích thú với việc học văn hóa trên lớp. Cô vẫn có thể học, vẫn tiếp thu tốt trong tâm lý khá miễn cưỡng.
Ngọc phân tích cho ba mẹ, nếu học hết THPT thì em sẽ mất thêm 3 năm nữa rồi mới bắt đầu học nghề trang điểm. Học như vậy tâm trạng Ngọc cũng không yên, không thể tập trung nhất là khi cô thừa nhận, mình mấy thích thú với việc học văn hóa trên lớp.
Trong khi, chọn học nghề từ bây giờ thì 3 năm nữa Ngọc vừa học xong nghề vừa có thể tốt nghiệp THPT. Sau đó, Ngọc sẽ tiếp tục học nâng cao nghề nghiệp của mình, rồi có thể ra nước ngoài du học về lĩnh vực trang điểm.
Thấy quyết tâm đó của Ngọc, cuối cùng bố mẹ gật đầu với lựa chọn "rớt" lớp 10 của cô gái vừa bước qua tuổi 16.
Cũng có người nói Ngọc bồng bột nhưng cô không tranh cãi. Với Ngọc, lựa chọn nào cũng sẽ được cái này mất cái kia, miễn sao bản thân thấy phù hợp và chịu trách nhiệm với lựa chọn đó.
Ngọc là một trong số khoảng 17.500 học sinh tốt nghiệp THCS tại TPHCM năm nay lựa chọn không tham gia kỳ thi lớp 10.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM những năm gần đây có số lượng lớn học sinh sau lớp 9 không tham gia kỳ thi lớp 10. Các em đã chủ động có những lựa chọn khác phù hợp hơn với bản thân và điều kiện gia đình như học nghề, học giáo dục thường xuyên, học trường tư thục hoặc đi du học.
Cách đây 2 năm, thay vì theo học lớp 10, chàng trai Trương Quốc Bảo quyết định rẽ ngang đi học nghề trang điểm tại trường trung cấp Bách Nghệ.
Trong thời gian học nghề, Bảo đã gắn bó với công việc trang điểm cho các nghệ sĩ tại trường quay với mức lương tầm 8 triệu đồng, chưa kể còn có thu nhập từ các show phát sinh. Vừa học nghề, vừa làm việc, nhân viên trang điểm này cũng tập trung cho mục tiêu tốt nghiệp THPT.
Theo Bảo khi đã xác định được đam mê, sở trường của mình thì con đường đi phía trước sẽ rõ ràng hơn. Trường hợp của Bảo, cậu nhận ra mình đam mê cái đẹp, thích lĩnh vực làm đẹp từ bé. Đến khi học THCS, cậu đã nhìn vào tiềm năng và cơ hội của công việc này trong tương lai nên xác định hướng đi của mình.
Cần có định hướng rõ ràng
Con đường học nghề trước đây thường bị "dán nhãn" dành cho học sinh không đủ năng lực đỗ lớp 10 hay theo học THPT. Nhưng thực tế hiện nay, không ít học sinh có học lực giỏi đã chủ động "rớt" lớp 10 để theo học nghề.
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT TPHCM, học nghề là một con đường mở cho học sinh. Học nghề không phải là do không đủ năng lực vào THPT mà đây là việc học sinh có thêm nhiều lựa chọn, nhiều con đường cho mình...
Với rất nhiều trường hợp, theo ông Tân, học nghề sau THCS là lựa chọn tốt nhất vì đó là cơ hội để các em thể hiện bản thân, thử thách ở môi trường mình chủ động lựa chọn với lộ trình phù hợp với năng lực, đam mê và cả xu hướng xã hội.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1, TPHCM chia sẻ, nhiều năm gần đây bà đã gặp những trường hợp học sinh học lực giỏi nhưng các em chọn không thi lớp 10 mà chọn đi học nghề. Có em học trang điểm, có em học nấu ăn..., có những em theo học nghề sau lớp 9 rất thành công, sự nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, theo nữ hiệu trưởng, để lựa chọn học nghề sau THCS các em cần xác định rõ được đam mê, năng lực bản thân từ sớm cùng những kế hoạch cụ thể cho hành trình mình đi. Tránh việc đam mê nhất thời có thể dẫn đến việc lựa chọn dang dở...
Nhiều năm làm công tác quản lý trong các trường nghề, ThS Lê Hồng Việt, Trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và liên kết đào tạo Trường Trung cấp Bến Thành chia sẻ không ít học sinh học nghề sau lớp 9 thành công trong công việc, sớm đi làm có thu nhập, có lộ trình phát triển nghề nghiệp rất tốt.
Tuy nhiên, điều này chỉ đến với những trường hợp xác định đúng đam mê, định hướng của mình cùng quyết tâm lớn. Còn thực tế, theo ông Việt, học sinh sau THCS học nghề thường dễ "rơi rụng", ít bền vững hơn so với học sinh sau tốt nghiệp THPT theo học nghề do các em chưa xác định được sở trường, đam mê của mình.
Ông Việt nhấn mạnh, việc phân luồng sau THCS rất cần giúp học sinh hiểu rõ về bản thân, có định hướng cùng lộ trình rõ ràng để các em chủ động và tự nguyện lựa chọn. Chứ không đơn thuần là tập trung vào việc "loại" các em ra khỏi con đường học THPT bằng những kỳ thi khốc liệt.