Giáo viên bày chiêu dùng "vẻ đẹp bên ngoài" ghi điểm thi lớp 10

Hoài Nam

(Dân trí) - Những giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm chinh chiến với kỳ thi lớp 10 tại TPHCM lưu ý thí sinh đừng xem nhẹ yếu tố "vẻ đẹp bên ngoài" của bài thi lớp 10.

Ngày 5/6, hơn 96.000 học sinh tại TPHCM sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 để tìm một suất vào học tại trường THPT công lập. Học sinh sẽ làm bài 3 môn toán, văn, tiếng Anh và môn chuyên đối với thí sinh thi chuyên. 

Giáo viên bày chiêu dùng vẻ đẹp bên ngoài ghi điểm thi lớp 10 - 1

Kỳ thi lớp 10 là cuộc đua căng thẳng của học sinh tại TPHCM (Ảnh: H.N).

Theo chỉ tiêu của TPHCM, sẽ có hơn 77.000 thí sinh trúng tuyển tại kỳ thi năm nay. Với sự cạnh tranh phải nói là khốc liệt, việc nhặt từng con điểm trong kỳ thi này là việc cực kỳ quan trọng với mỗi thí sinh để tăng cơ hội trong việc tìm chỗ học tại trường THPT công lập

Môn văn tránh đoán đề, đoán bài 

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên văn, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TPHCM đưa ra 5 lưu ý đối với học sinh: 

- Sử dụng bảng kiểm (check list) để ôn tập vào những ngày cuối cùng. Đến hôm nay, hầu hết các em học sinh đã ôn tập gần như trọn vẹn các kiến thức để chuẩn bị cho kì thi. Tuy nhiên, chúng ta không thể tránh được thiếu sót một đơn vị kiến thức nào đó trong quá trình ôn tập. 

Để tránh thiếu sót không đáng có, học sinh cần liệt kê những đơn vị kiến thức cần học thành một danh sách. Trong lúc lập danh sách, học sinh sẽ phát hiện ra những nội dung nào mình đã ôn tập và những nội dung nào chưa ôn. 

Giáo viên bày chiêu dùng vẻ đẹp bên ngoài ghi điểm thi lớp 10 - 2

Thầy Võ Kim Bảo trong giờ dạy văn (Ảnh: FBNV).

- Chú trọng ôn tập kỹ năng làm bài. Tuyển sinh lớp 10 là một kỳ thi lớn nên lượng kiến thức cần học khá lớn, trong khi mỗi học sinh có một sức học khác nhau. Nhiều em do trước đó có thể do  chưa chăm chỉ, không có kế hoạch học tập hợp lý nên còn rất nhiều bài chưa ôn tập kịp trước khi thi. 

Nhưng cần nhớ là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM chú trọng kiểm tra kỹ năng, năng lực của người học. Nếu không thể ôn tập kịp về nội dung kiến thức thì học sinh cần lưu ý ưu tiên rèn luyện kỹ năng làm bài vì thang điểm cho kỹ năng cũng khá cao.

- Cẩn thận vấn đề ăn uống, các em cũng tránh ăn quá nhiều, quá no, đặc biệt là trước giờ thi. Bác sĩ thường khuyên chúng ta không nên ăn quá no vừa không tốt cho sức khỏe vừa ảnh hưởng đến quá trình tư duy. Vì vậy, trước giờ thi, các em học sinh nên ăn vừa đủ, không nhịn đói, không ăn quá ít hoặc quá no. 

- Đối với môn ngữ văn, học sinh nên tránh việc đoán đề, đoán bài. Đề thi môn ngữ văn không yêu cầu các kiến thức nâng cao, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản với kỹ năng làm bài chắc là có thể hoàn thành tốt bài thi.

Nhiều giáo viên thường "dọa" học sinh là đề có yêu cầu cao, đánh đố để các em cố gắng, chú ý hơn khi ôn tập. Tuy nhiên, cách "dọa" đó chưa hợp lý, làm nhiều em học sinh cố gắng giải các đề nâng cao, học các ý rất sâu, thậm chí học thuộc lòng rất nhiều câu thơ, câu văn hay, danh ngôn để trích dẫn vào bài. Những điều đó tốt nhưng quá sức với đa số học sinh.

Giáo viên bày chiêu dùng vẻ đẹp bên ngoài ghi điểm thi lớp 10 - 3

Học sinh cần tránh đoán đề, đoán bài trong kỳ thi lớp 10 (Ảnh: Hải Long).

- Thêm vào đó, đề thi môn ngữ văn sẽ ra theo chủ đề, học sinh hoàn toàn được lựa chọn tác phẩm văn học phù hợp với chủ đề để làm bài. Chính vì vậy, nếu học sinh bỏ qua các tác phẩm đã có trong đề thi những năm gần đây là điều sai lầm. Khi ôn bài, học sinh không nên học tủ các chủ đề cụ thể vì có vô số chủ đề có thể được ra thi. Mọi thứ chỉ cần nắm kiến thức cơ bản và kỹ năng tốt, đặc biệt là kỹ năng phân tích đề.

Môn toán cũng cần phải "đẹp"

Thầy Đặng Hoàng Dư, giáo viên toán tại TPHCM cho hay việc cần nhất với học sinh lúc này là... đi ngủ sớm, không ôn bài quá 22h. Đặc biệt, trước ngày thi, thí  sinh không thức khuya để tránh hôm sau trễ giờ và hơn hết điều này còn giúp tâm lý các em vững vàng - yếu tố quan trọng quyết định kết quả kỳ thi. 

Giáo viên bày chiêu dùng vẻ đẹp bên ngoài ghi điểm thi lớp 10 - 4

Thầy Đặng Hoàng Dư lưu ý thí sinh môn toán cũng cần phải trình bày bắt mắt (Ảnh: L.L).

Nếu học sinh vẫn chưa thể rời sách vở, với môn toán, theo thầy Dư các em có thể hệ thống lại những bài tập trọng tâm và những kiến thức đã học và ôn tập gần đây nhất. Đặc biệt, học sinh cần chú ý những dạng toán mà mình yếu hoặc hay sai sót để rút kinh nghiệm.

Với môn toán, học sinh thường xem nhẹ cách trình bày, thể hiện nhưng thầy Đặng Hoàng Dư nhấn mạnh ngoài nội dung, "vẻ đẹp bên ngoài" của bài thi luôn là yếu tố quan trọng giúp thí sinh không những tránh mất điểm mà còn có thể ghi điểm tốt hơn. Trong khi việc trau chuốt vẻ ngoài cho bài thi khá đơn giản, không mất công sức, thời gian. 

Thầy giáo này tiết lộ một số chiêu giúp bài thi bắt mắt như mỗi câu làm xong, thí sinh hãy để cách 2 - 3 dòng rồi hãy làm câu tiếp theo. Bài thi trình bày có độ thoáng luôn dễ lấy cảm tình của người chấm. 

Với cách trình bày này, giám khảo sẽ dễ phân biệt, không bị rối mắt giúp hạn chế trường hợp chấm sót điểm hay nếu được cộng cũng không bị sót điểm của học sinh. 

Trong bài thi nếu sai sót, thầy Dư lưu ý học sinh cần hạn chế bôi xóa quá nhiều dẫn đến nhem nhuốc làm mất cảm tình, gây khó chịu. Chưa kể, nhiều trường hợp bôi xóa có thể bị nghi đánh dấu bài thi phải chấm riêng cũng thiệt thòi cho thí sinh. 

Khi sai sót nhiều, thí sinh nên dùng thước gạch xuyên một đường từ phải qua trái, giám khảo sẽ biết đó là phần đó học sinh bỏ.  

Ngoài ra, thầy Đặng Hoàng Dư chia sẻ thêm một số lưu ý cho thí sinh khi làm bài thi toán: 

- Khi làm bài toán thực tế phải đọc thật kĩ đề, gạch dưới những yêu cầu mà đề bài cho để tìm được ý chính. Toán thực tế cần trả lời đúng trọng tâm câu hỏi mà đề đặt ra. Khi ra kết quả cần chú ý điều kiện đề bài và nhớ nhận loại nếu có đặt điều kiện ở lời giải. 

Chú ý ra kết quả xong phải đọc lại một lần nữa đề coi xem còn thiếu sót không để chỉnh sửa ngay.

- Phần đổi đơn vị và làm tròn số là những phần học sinh hay sai sót nhất nên thí sinh cần phải thật sự thận trọng khi đổi đơn vị và làm tròn kết quả.

- Khi làm bài, gặp câu khó mà thí sinh chưa suy nghĩ ra cách làm hay không giải được thì phải chuyển sang câu khác ngay tránh tình trạng xoay xoay với một câu rồi dẫn đến không kịp làm những câu tiếp theo. 

- Tránh áp lực tâm lý giám khảo, phòng thi. Hãy xem các giám khảo như thầy cô đang hỗ trợ mình để tâm lý vững vàng nhất thì học sinh mới đủ bình tĩnh để làm bài. 

Giáo viên bày chiêu dùng vẻ đẹp bên ngoài ghi điểm thi lớp 10 - 5

Thí sinh cần phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài (Ảnh: Hải Long).

- Phân bổ thời gian hợp lý tranh thủ thời gian làm phần số mới kịp thời gian làm phần hình. Thời gian và phân bổ làm bài hợp lý cơ bản như sau:

Câu 1. Vẽ đồ thị hàm số và tìm tọa độ giao điểm khoảng 10 phút 

Câu 2. Phương trình bậc 2, các em dành khoảng  8 phút để giải phần bài này

Câu 3 đến câu 7 dành từ 42 phút đến 52 phút.

Câu 8 hình học dành 40 phút đến 50 phút để giải.