Kỳ thi vào lớp 10 quá khốc liệt, giám đốc đưa đáp án bất ngờ

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước sự khốc liệt của kỳ thi vào lớp 10, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, TPHCM cho rằng để tránh khỏi áp lực của kỳ thi này, thí sinh hoàn toàn có thể lựa chọn "không thi".

Chỉ còn 4 ngày nữa, ngày 6/6 tới, hơn 96.000 học sinh lớp 9 tại TPHCM bước vào kỳ thi lớp 10. Trong số này sẽ chỉ hơn 77.000 học sinh có chỗ học lớp 10 tại các trường công lập. 

Kỳ thi vào lớp 10 quá khốc liệt, giám đốc đưa đáp án bất ngờ - 1

Ngày 6/6 tới, hơn 96.000 thí sinh tại TPHCM sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 (Ảnh: P.N).

Ở Hà Nội, kỳ thi này còn căng thẳng hơn với những con số gây "ngộp thở". Có khoảng 105.000 thí sinh dự thi, trong khi chỉ tiêu ở lớp 10 công lập chỉ khoảng 72.000 thí sinh, đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 33.000 thí sinh rớt khỏi kỳ thi này. 

Không cần phân tích thêm, học sinh và phụ huynh có con trong độ tuổi này sẽ cảm nhận rõ nhất về sự khốc liệt của kỳ thi vào lớp 10. Việc tìm một chỗ học ở trường THPT công lập khó khăn, áp lực gấp nhiều so với việc vào đại học. 

Làm sao để thoát khỏi sự căng thẳng của kỳ thi này là vấn đề được rất nhiều thí sinh, phụ huynh quan tâm. Đã từng có nhiều giải đáp "giải tỏa" phần nào áp lực của kỳ thi này về bí quyết ôn luyện, đặt nguyện vọng phù hợp, chuẩn bị cho các tình huống... 

Kỳ thi vào lớp 10 quá khốc liệt, giám đốc đưa đáp án bất ngờ - 2

Ông Đỗ Minh Hoàng cho hay học sinh có quyền lựa chọn nói "không" với kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng (Ảnh: L.L).

Trước câu hỏi làm sao thoát khỏi áp lực của kỳ thi này, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, TPHCM thẳng thắn: "Không thi thì sẽ không phải đối diện với áp lực này. Không thi thì sẽ không rớt". 

Ông Hoàng nêu quan điểm, học sinh có quyền nói "không" với kỳ thi này. Với những học sinh có năng lực phù hợp, có nguyện vọng và điều kiện kinh tế để vào học đại học ngay sau khi hoàn thành chương trình THPT thì có thể tham gia vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. 

Tuy nhiên, với học sinh có năng lực, điều kiện kinh tế chưa phù hợp nên xác định đi theo con đường học nghề, học song song văn hóa và học nghề. Đến năm 18 tuổi, các em có bằng trung cấp nghề, đồng thời có thể có thêm bằng THPT. 

Với bằng này, các em có thể liên thông học cao đẳng thêm 1,5 năm rồi đi làm hoặc có thể đi làm ngay, nếu có nguyện vọng có thể học đại học trực tuyến trong khi đi làm. 

Ông Đỗ Minh Hoàng nhấn mạnh lựa chọn này đầu tiên sẽ giúp bản thân học sinh và phụ huynh thoát khỏi áp lực của kỳ thi lớp 10. Khi chúng ta lựa chọn vừa sức, khả năng và điều kiện sẽ giúp bản thân mình hạnh phúc, gia đình tránh được gánh nặng học phí đại học.

"Học phí đại học, nhất là khối công lập giờ rất cao. Các em sớm đi làm có thu nhập, duy trì việc vừa làm vừa học, chất lượng cuộc sống gia đình sẽ tốt hơn", vị giám đốc bày tỏ. 

Trong lần trao đổi với PV Dân trí kỳ thì lớp 10, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada cũng đặt ra vấn đề tất cả học sinh không nhất thiết phải lao vào kỳ thi lớp 10. 

Kỳ thi vào lớp 10 quá khốc liệt, giám đốc đưa đáp án bất ngờ - 3

Ít cơ hội chủ động lựa chọn, hầu hết học sinh sau THCS lao vào kỳ thi lớp 10 căng thẳng (Ảnh: H.N).

Vị hiệu trưởng phân tích, nguồn gốc sâu xa của kỳ thi lớp 10 liên quan đến chủ trương phân luồng đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh sau THCS theo hướng học nghề. Vậy nên chỉ tiêu vào lớp 10 mỗi năm ở các địa phương sẽ giảm dần tạo nên cuộc đua vô cùng căng thẳng. 

Thi cử tưởng  là công bằng cho tất cả nhưng bà Huyền đưa ra góc nhìn đây là một kỳ thi không công bằng với trẻ. Điều không công bằng này xuất phát từ việc hướng nghiệp chưa đủ tốt, chúng ta chưa cho học sinh cơ hội hiểu biết đủ về điểm mạnh, điểm yếu, về cơ hội học tập... để trẻ có lựa chọn ở tâm thế chủ động. 

Nếu được hướng nghiệp tốt, nhiều học sinh học xong lớp 9 không nhất thiết phải thi lớp 10, phải cạnh tranh ở kỳ thi căng thẳng mà sẽ chủ động lựa chọn học nghề ngay. Nhưng việc hướng nghiệp chưa đủ nên sau THCS tất cả các em đều thi lớp 10 và cảm thấy như số phận của mình do một kỳ thi quyết định chứ không phải do bản thân. 

Nữ hiệu trưởng nhấn mạnh đến việc cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp để giải thích giải thích cho phụ huynh hiểu về giá trị của học nghề, hiểu rõ học nghề nhưng học sinh vẫn có thể có bằng phổ thông và tiếp tục học lên cao đẳng, đại học. Chỉ khi hiểu đủ và nhìn thấy con đường này có cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thu nhập, thành công rộng mở, phụ huynh và học sinh mới lựa chọn tự nguyện. 

Một giải pháp dài hạn cho vấn đề hướng nghiệp, theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền chính là chất lượng đào tạo ở trường nghề. Chất lượng bao gồm cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và cả chất lượng giáo viên, giảng viên. 

TS tâm lý Đào Lê Hòa An, giám đốc Trung tâm đào tạo, Phát triển nguồn nhân lực và Hướng nghiệp Jobway đánh giá, con số hàng năm khoảng 30.000 học sinh lớp 9 không thể vào lớp 10 công lập tại TPHCM gây căng thẳng, ám ảnh cho học sinh và cả phụ huynh. 

Ông An chỉ ra một thực trạng nhiều học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 chỉ biết học và học, tất cả chỉ được đánh giá qua điểm số. Các em thiếu các hoạt động, chương trình giáo dục khám phá năng lực, xu hướng của mình ngoài dựa vào điểm các môn văn hóa. Chính phụ huynh cũng không đủ hiểu về năng lực, thiên hướng của con để khuyến khích các em khám phá thế mạnh của bản thân. 

Kỳ thi vào lớp 10 quá khốc liệt, giám đốc đưa đáp án bất ngờ - 4

TS tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng phân luồng hướng nghiệp cần có nhiều hoạt động giúp học sinh hiểu về xu hướng, năng lực của bản thân từ sớm (Ảnh: P.N).

TS Đào Lê Hòa An bày tỏ, việc phân luồng cần phải lấp khoảng trống này bằng nhiều hoạt động, các chương trình giáo dục giúp học sinh hiểu mình, khai phá những xu hướng, khả năng của bản thân chứ không chỉ dựa trên điểm số. Khi đó, học sinh sẽ có tâm thế chủ động lựa chọn, không nhất thiết phải bước vào cuộc thi lớp 10 quá căng thẳng như hiện nay. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm