Học sinh chia sẻ về cảm giác bị từ chối và cách vượt qua nỗi sợ hãi

Dương Huệ Anh

(Dân trí) - Học sinh trên khắp thế giới đã rất hào hứng phản hồi câu hỏi của tờ The New York Times về trải nghiệm bị từ chối và cách đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân.

Bạn đã bao giờ thấy việc bị từ chối cũng có ích? 

Học sinh chia sẻ về cảm giác bị từ chối và cách vượt qua nỗi sợ hãi - 1

Gần đây, diễn viên Axel Webber đã trở nên nổi tiếng trên Tik Tok khi chia sẻ trải nghiệm bị Trường Juilliard mơ ước từ chối. Câu chuyện nhận được rất nhiều lời động viên từ những người lạ và cả người nổi tiếng (Ảnh chụp màn hình). 

Câu chuyện của Webber khiến tờ The New York Times nảy ra ý tưởng hỏi các học sinh xem đã từng bị từ chối chưa và liệu hậu quả nó để lại có khác những gì họ dự đoán hay không. Tờ báo này đã nhận được hơn 200 phản hồi, chia sẻ rằng khoảng thời gian bị từ chối đã thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ hơn, suy nghĩ chín chắn, phát triển và tìm ra một con đường mới. Dưới đây là một số chia sẻ đáng chú ý.

Từ chối có thể thúc đẩy bạn theo hướng tích cực

Royal, New Mexico (Mỹ): Tôi tin việc bị từ chối là một cơ hội để phát triển. Bị từ chối sẽ buộc bạn phải tập trung vào những gì bạn cần cải thiện để trở nên tốt hơn và nhận được sự công nhận. Sự từ chối sẽ khuyến khích bạn tiếp tục cố gắng và hoàn thiện bản thân. Cá nhân tôi đã tham gia đội nhảy của trường được 3 năm, nhưng trước đó cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để cạnh tranh cho các cuộc thi lớn.

Hai năm đầu, tôi không được tham gia nhóm thi đấu. Sự từ chối đó đã thúc đẩy tôi rèn luyện bản thân và làm cho mình trở nên mạnh mẽ hơn để có thể sẵn sàng. Sau tất cả những nỗ lực của tôi, cuối cùng tôi cũng có thể thi đấu. Vì vậy, từ chối là một điều tốt. 

Emeka, Trường trung học Kenwood Academy (Mỹ): Từ chối có thể là nguyên liệu cho thành công. Tôi đã thất bại vô số lần trong đời, nhưng rồi cũng phải vực dậy để hoàn thành những gì cần phải làm. Ví dụ như một lần làm bài kiểm tra toán, điểm số của tôi không quá xuất sắc, và  tôi biết mình muốn có điểm tốt hơn thế. Vì vậy, tôi đã đăng ký thi lại, ôn tập và học tập chăm chỉ.

Trong lần thi lại đó, tôi đã nhận được điểm tối đa và nó đã nâng điểm trung bình của tôi lên cao hơn rất nhiều so với trước đây. Mọi người đều cần một chút thất bại để thành công vì nó có thể được sử dụng như nguyên liệu để tiến tới thành công. 

Bella, Tô Châu SIP (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc): Chúng ta đã quá quen thuộc với việc bị từ chối. Đó là điều "bắt buộc" trong cuộc sống. Nó là thứ ta gặp phải trong hành trình đi đến thành công. Tôi đã từng rơi trạng thái chán nản sau khi bị từ chối. Tôi đã biết thế nào là thất bại, nhưng đồng thời cũng được thúc đẩy để tiến xa hơn. Điều tôi cần làm chỉ là thử lại thêm lần nữa. Chúng ta nên thoải mái với những nỗi thất vọng hoặc khoảng thời gian không may mắn của mình.

Thay vì xấu hổ, trốn tránh, ta nên nắm bắt lấy nó. Một khi ta dùng sự lạc quan và quyết tâm cố gắng một lần nữa để đối mặt với sự từ chối, ta sẽ không còn gì để mất. Ta sẽ có được nhiệt huyết, ý chí bắt đầu sôi sục, và ta sẽ trở thành con người hoàn toàn mới. Hãy kiên cường hơn, siêng năng hơn, và biết gìn giữ nhiều hơn. 

Thật đáng sợ khi phải nghe từ "Không" 

Shealynn, Trường Trung học Hoggard (Mỹ): Tôi không thể nghĩ được việc bị từ chối mang lại ích lợi gì cho mình. Với tôi, bị từ chối là một điều thực sự đáng sợ. Tôi thường tránh thử nhiều việc trừ trường hợp tôi tự tin rằng mình thực sự có khả năng. Khi tôi thử điều cái gì đó và gặp khó khăn, tôi cảm thấy rất bẽ mặt.

Những khả năng bị từ chối đủ để khiến tôi không muốn thử bất cứ điều gì. Trong bài báo này, anh ấy đã công khai đối mặt với sự từ chối từ trường đại học mơ ước của mình. Sau đó, người hâm mộ của anh ấy đã gây rối trên trang Instagram của trường đại học đó. Tôi cảm thấy điều này còn tệ hơn so với việc bị từ chối thông thường. 

Đối diện với thất bại là một việc rất quan trọng 

Max, Trường trung học Hinsdale Central (Mỹ): Tôi nghĩ rằng nói về những thất bại là một việc cần thiết vì nó cũng không phải là tận thế. Tôi biết rất nhiều người đã lên kế hoạch cho cả cuộc đời và rất kiên định với con đường mà họ muốn đi, và tôi chỉ không kiềm được bản thân mà tự hỏi khi nào nó sẽ sụp đổ. Câu nói "mọi kế hoạch đều cần được thay đổi linh hoạt tùy theo từng tình huống" đúng trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống về sự thích nghi, chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Những người quá cứng nhắc với kế hoạch cuộc đời thường rất mong manh, vì một khi có sự cố không lường trước xảy ra, cả thế giới của họ sẽ sụp đổ. Đặt ra mục tiêu và phấn đấu vì nó hẳn là quan trọng, nhưng cuộc sống thì rất phức tạp và việc không sẵn sàng cho những ngã rẽ là tự sắp đặt việc thất bại cho mình. 

- Nina, Trường trung học Baker (Mỹ): Tôi nghĩ việc cởi mở nói về những thời điểm chúng ta không đạt được mục tiêu của mình là một điều hết sức quan trọng. Không ai là người hoàn hảo. Mọi người luôn mắc sai lầm. Ta thường có thể thực hiện được mục tiêu, nhưng kết quả thì không mấy khi thành công.

Tuy nhiên, mọi người chỉ nói về những thành tích mình đạt được để cảm thấy tốt hơn về bản thân. Nếu bạn chỉ được nghe về thành công của người khác, nó sẽ khiến bạn trở nên tự ti và áp lực khi thất bại trong việc theo đuổi mục tiêu của mình. Chia sẻ về trải nghiệm tồi tệ của mình như anh Webber đây đã bình thường hóa khái niệm đơn thuần nhất của thất bại.

Mọi người sẽ cảm thấy đồng cảm và thấy tốt hơn về bản thân. Thêm vào đó, mọi người sẽ thấy rằng bạn đã vực dậy sau vấp ngã. Nhiều người nghĩ một thất bại là kết thúc tất cả mọi thứ và không thèm nhìn về hướng tích cực và những điều tốt đẹp có thể đến sau đó. Chia sẻ của Webber đã chứng minh điều ngược lại. Thất bại và bị từ chối một lần không có nghĩa sau này cũng sẽ như vậy. 

Bạn vượt qua nỗi sợ hãi của mình như thế nào? 

Học sinh chia sẻ về cảm giác bị từ chối và cách vượt qua nỗi sợ hãi - 2

Nhà thơ Amanda Gorman từng chia sẻ rằng suýt chút nữa cô đã không lên đọc thơ "The Hill We Climb" giờ đây rất nổi tiếng của mình tại lễ nhậm chức của Tổng thống Biden vào ngày 20/1/2021. Lý do chính là sự sợ hãi, nhưng rồi cô đã vượt qua được (Ảnh: Patrick Semansky).

Yang, JR Masterman Philadelphia, PA (Mỹ): Bất cứ khi nào tôi bắt đầu tưởng tượng hay suy nghĩ quá xa, tôi đều lặp đi lặp lại rằng: "Đừng nói nữa. Mọi thứ sẽ ổn thôi". Nó rất hữu ích khi có thứ gì đó có thể khiến tôi phân tâm (như một đám đông), nhưng khi tôi chỉ có một mình, nó cũng không hiệu quả mấy. Tôi cố hết sức để suy nghĩ tích cực và nhìn vào những mặt tốt. "Bố mẹ sẽ tự hào về tôi. Tôi sẽ tự hào về bản thân mình. Điều này sẽ tốt cho tôi". 

Javier, Trường trung học Maury, Norfolk (Mỹ): Thuyết trình trước lớp hay chuẩn bị cho một bài thuyết trình khiến tôi rất lo lắng. Vì thế, tôi sử dụng khá nhiều mẹo giúp tôi giữ tinh thần thoải mái để những cảm giác lo lắng này không cản trở bài thuyết trình của tôi. Giống như Gorman, tôi nói đi nói lại những lời tự tin và động viên. Đây là một cách hiệu quả vì nó cho phép tôi nhận ra rằng tôi đã chuẩn bị cho những gì ở phía trước.

Ngoài ra, tôi tự nhắc mình rằng bài thuyết trình sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn; sau khi kết thúc, áp lực sẽ không còn là gánh nặng. Một công cụ hữu hiệu khác mà tôi sử dụng khi thuyết trình cho nhiều nhóm lớn đông người là tập trung vào một chỗ trong đám đông.

Điều này sẽ ngăn tôi nhìn giấy đọc, và buộc tôi phải đối mặt với khán giả mà tôi đang thuyết trình. Những cách tiếp cận này đã giúp tôi giảm bớt lo lắng và cho phép tôi trình bày thoải mái hơn trước lớp. 

Học cách đối diện với nỗi sợ hãi hay lo lắng 

Belle, Trường trung học Heritage Atrisco (Mỹ): Tôi nhớ lần đầu tiên đến công viên Disney và nhìn thấy tàu lượn siêu tốc lớn nhất trong đời vào năm 12 tuổi, tôi đã nói sẽ không bao giờ đi trên đó. Có điều, mẹ tôi lại không nghĩ vậy. Khi chúng tôi đến gần tàu lượn, tôi vẫn bình thường khi đợi gia đình làm việc của họ, tôi thậm chí còn đi xa đến mức chờ đợi ở quầy bánh churro khi họ đang xếp hàng.

Tuy nhiên, sau đó mẹ tôi đã gọi tôi và nói ít nhất hãy đợi trong hàng với họ, tiếp tục yêu cầu tôi ít nhất phải đi ra đầu hàng và phải đợi ở đó khi họ lên chơi. Cuối cùng, bằng một sự thuyết phục kỳ diệu nào đó, tôi đã ngồi vào chiếc tàu lượn siêu tốc đầu tiên của đời mình.

Tôi phải thừa nhận rằng nó khá vui và tôi chưa bao giờ cứng đờ người như vậy, nhưng thật tuyệt khi có thể  tách bản thân ra khỏi nỗi sợ hãi và trải nghiệm điều gì đó mà mình chưa bao giờ đoán trước được sẽ xảy ra. 

Evan, Trường trung học Farmington (Mỹ): Tôi có nỗi sợ thường trực rằng có thứ gì đó ẩn nấp trong bóng tối hơn là sợ chính bóng tối. Để vượt qua nỗi sợ hãi này, tôi phải buộc mình tiếp cận nó hợp lý và coi nó thật bình thường.

Ví dụ, nếu tôi liều mình đi vào tầng hầm của nhà mình, tôi sẽ tự nhủ rằng không có gì ẩn nấp trong bóng tối cả và không cần thiết phải nghĩ theo hướng đó. Một ví dụ khác là nỗi sợ thất bại của tôi, điều mà tôi vẫn chưa hoàn toàn bỏ được. Tôi đã lên lịch thi SAT, nhưng rồi lại hủy một ngày trước khi thi. Quyết định đó đã khiến tôi mất đi cơ hội lớn.

Tôi không hối hận, nhưng vẫn rất buồn khi thấy tôi đã bị sự căng thẳng ngăn cản. Trong tương lai, tôi dự định sẽ tập trung nỗ lực vào việc giảm căng thẳng bằng cách đối diện với những nỗi sợ hãi về tâm lý này. 

MiKayla, Colorado (Mỹ): Để vượt qua cảm giác sợ hãi, tôi chỉ cần bật bản nhạc yêu thích của mình từ những thập niên 60-80. Cách này thường rất hiệu quả. Tôi có thể quên đi mọi nỗi sợ hãi nào bằng cách nghe những bài hát này. Mặc dù tôi không nói nỗi sợ hãi của mình ra bên ngoài hay đọc những câu thần chú như Gorman, tôi vẫn có thể vượt qua chúng nhờ niềm vui và âm nhạc. Cách này rất có tác dụng với tôi và còn giúp tôi làm người khác vui vẻ hơn nữa. 

Theo www.nytimes.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm