"Bị bỏ rơi đôi khi không đáng sợ bằng việc cả đời mập mờ"

Mai Châm

(Dân trí) - "Hãy học cách yêu thương và trân trọng bản thân mình nhiều hơn, dần dần bạn sẽ nhận ra rằng mình xứng đáng có một mối quan hệ tốt hơn và tự thoát ra khỏi tình trạng mập mờ."

Situation ship là khái niệm được dùng để chỉ những mối quan hệ không tên, không có sự cam kết, không "gắn mác" tình yêu; hay còn được gọi nôm na là mối quan hệ "trên tình bạn, dưới tình yêu".

Bị bỏ rơi đôi khi không đáng sợ bằng việc cả đời mập mờ - 1
(Ảnh: South China Morning Post)

Hai người có thể cùng đi chơi, trao cho nhau những cử chỉ âu yếm nhưng mối quan hệ ấy chẳng được gọi tên, không xác định.

Mối quan hệ như vậy tồn tại nửa vời như trêu ngươi cảm xúc của con người, không phải người yêu, nhưng tuyệt đối không phải là bạn bè. Mối quan hệ ấy đôi khi khiến người ta thấy êm ái, nhưng cũng có khi còn khó chịu hơn cả việc thất tình.

Để tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân, cũng như những ảnh hưởng tâm lý của mối quan hệ mập mờ, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM).

Chọn sự mập mờ vì sợ bị ràng buộc?

Giải thích lý do khiến cho các bạn trẻ ngày nay ngại bước vào một mối quan hệ chính thức, chỉ muốn dừng lại ở mối quan hệ mập mờ, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho hay, cần làm rõ mối quan hệ mập mờ có thể được hiểu như một sự gắn kết tình cảm nhưng không đòi hỏi sự cam kết, quyết tâm và không cho nó một cái tên rõ ràng.

"Tuy vậy, nhiều người vẫn sử dụng cụm từ "không rõ ràng" này để diễn tả mối quan hệ friend with benefits (dựa trên nền tảng của bạn bè, nhưng có thể có thêm nhu cầu tình dục). Mặc dù không nói thẳng, nhưng có thể ngầm thừa nhận những mối quan hệ mập mờ có yêu cầu liên quan đến tình dục, khi cả hai không cần phải vun đắp, xây dựng một chuyện tình cảm chắc chắn vẫn có thể lên giường cùng nhau. Đối với một số bạn trẻ, mối quan hệ mập mờ có thể bao gồm sự quan tâm, chăm sóc, thậm chí ghen tuông như người yêu, nhưng không gọi nhau là người yêu…", anh Đào Lê Tâm An giải thích.

Lý do để một người chọn mối quan hệ mập mờ rất đa dạng nhưng tựu chung lại nó xuất phát từ ý nghĩa của chính mối quan hệ này: không có sự ràng buộc.

Người từng đổ vỡ trong chuyện tình cảm, người có câu chuyện trái ngang trong tình yêu, hoặc thậm chí là người tò mò cũng có thể lựa chọn mối quan hệ này. Bên cạnh đó, người có khó khăn về việc gắn bó xuất hiện trong gia đình từ thuở ấu thơ cũng có thể trở thành rào cản cho cá nhân khi họ tìm kiếm sự quyết tâm, gắn kết với những mối quan hệ sau này của mình.

"Trước khi bước vào bất kì một mối quan hệ nào, có hai điều cần tìm hiểu rõ: Về tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân và đối phương, và đặc trưng của mối quan hệ đó", anh Tâm An nhấn mạnh.

Không khó để nhận thấy rằng, các mối quan hệ mập mờ thường xuất phát từ việc trò chuyện qua các nền tảng hẹn hò trực tuyến. Vậy thì, liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến một mối quan hệ mập mờ hay không? Theo anh Đào Lê Tâm An, điều này khó có thể khẳng định được, tuy nhiên không thể phủ nhận chính sức lan tỏa của mạng xã hội đã làm nó tiếp cận đến nhiều người hơn.

"Thậm chí, chúng ta còn có những bài hát miêu tả về tình trạng mối quan hệ "trên tình bạn, dưới tình yêu". Thông thường, giai đoạn mập mờ vốn sẽ xảy ra khi một cặp chuyển tiếp từ tình bạn sang tình yêu. Có một giai đoạn mà không ai nói với nhau điều gì, "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Điều khác biệt là giai đoạn mập mờ này rồi sẽ trôi qua khi cả hai xác lập chính thức mối quan hệ. Còn với những người đã chọn định hướng giá trị của mình ngay từ đầu, hướng đến những mối quan hệ mập mờ, họ có tình kéo dài thời điểm đó ra, thậm chí nhập nhằng những hành động chỉ làm khi xác định tình yêu trong giai đoạn này", anh Đào Lê Tâm An lí giải.

Bị bỏ rơi đôi khi không đáng sợ bằng việc cả đời mập mờ - 2
Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An thường xuyên hỗ trợ các vấn đề tình cảm cho người trẻ. (Ảnh: NVCC)

Mọi mối quan hệ đều cần những khoảng đổi mới, kể cả mối quan hệ mập mờ

Một bạn trẻ Gen Z đã đưa ra quan điểm như sau: "Mình thích mập mờ hơn vì mập mờ sẽ vừa được quan tâm và yêu thương mà không cần ràng buộc nhau quá nhiều về chuyện tình cảm. Hơn nữa, khi mập mờ, mình cũng sẽ có nhiều lựa chọn, được tìm hiểu nhiều người để chọn ra người phù hợp nhất."

Trước ý kiến của bạn trẻ đó, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An đưa ra cái nhìn đa chiều và sâu sắc: "Giai đoạn chinh phục là khoảng thời gian mà cả hai dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất để tạo ra những ấn tượng, cảm xúc dương tính. Sau khi đã thuộc về nhau, với quy luật thích ứng của cảm giác, người ta bắt đầu không còn cảm thấy thú vị nhiều như trước, và giai đoạn này cũng bắt đầu phát hiện ra những điểm trừ nên dần có cái nhìn toàn diện hơn về đối phương."

"Việc không cam kết, không đặt ra mục tiêu cá nhân và cặp đôi vốn không khiến mối quan hệ chỉ mãi ở giai đoạn chinh phục, vì sau một khoảng thời gian, họ vẫn bắt đầu "cũ" so với bạn. Thông qua thời gian, cả hai bắt đầu tìm hiểu hơn về nhau, cũng sẽ phát hiện ra những điểm không hoàn hảo. Và khi không có sự cam kết, hai người dễ dàng vứt bỏ mối quan hệ đó để tìm kiếm sự thú vị ở nơi khác."

Để chứng minh quan điểm của mình, anh Đào Lê Tâm An đã đưa ra ví dụ về học thuyết "Tam giác tình yêu" của nhà tâm lý học người Mỹ - Robert Sternberg. Cụ thể, học thuyết này gồm ba đỉnh: Sự thân mật (cảm giác gần gũi, gắn kết), sự đam mê (cảm giác hấp dẫn, thu hút, tình dục), và sự cam kết (phấn đấu, mục tiêu chung). Có thể xem đây là thể "kiềng ba chân" để đảm bảo cho một mối quan hệ tình cảm bền vững, nếu thiếu đi bất cứ một đỉnh nào cũng có thể gây mất cân bằng, tạo ra những "cơn sóng ngầm" âm ỉ, gây tổn hại đến mối quan hệ.

Ảnh hưởng tâm lý tiêu cực vì mối quan hệ mập mờ
"Trên tình bạn, dưới tình yêu" là thứ tình cảm vừa ngọt ngào, vừa tàn nhẫn, mang lại nhiều nỗi đau. Khi bước vào mối quan hệ không tên này, ban đầu người ta có thể thấy nó vô cùng lãng mạn. Bởi nó cho người ta cảm giác hạnh phúc, thoải mái và vui vẻ. Chẳng sợ cãi cọ, chia tay hay là yêu lâu rồi chán. Chẳng sợ phô ra những khuyết điểm của nhau. Chẳng sợ việc phải chịu trách nhiệm, phải đặt ra mục tiêu hay một cái gì đó khiến người ta thấy mệt mỏi.

Thế nhưng, ta cũng phải chấp nhận việc không danh, không phận, muốn ghen cũng chẳng được, muốn quan tâm nhiều hơn cũng không thể. Nhìn người ấy dành sự quan tâm cho người khác, chỉ biết "lùi bước về sau để nhìn họ rõ hơn", cảm giác ấy đau đớn đến nghẹn lòng.

Lâu dần, mối quan hệ mập mờ sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho tâm lý. Bởi không ai có thể xác định rõ "cái đích" của mối quan hệ mập mờ nếu như một trong hai người không ai ngỏ lời yêu.

Anh Đào Lê Tâm An thẳng thắn chia sẻ quan điểm: "Việc lựa chọn một mối quan hệ mập mờ không phải là cách khôn ngoan nếu một người muốn bắt đầu một mối quan hệ mới chỉ để chữa lành những vết thương cũ, hoặc muốn "trả thù đời" vì những gì mà bản thân đã phải chịu đựng. Nếu bạn đang phải chứng kiến hoặc trải nghiệm nhiều điều tiêu cực liên quan đến tình cảm, việc cần làm là đối diện với bản thân hoặc gặp các nhà tâm lý để gỡ bỏ những khúc mắc, thay vì cố gắng tìm kiếm một mối quan hệ không tên."

"Có một số người, dù vô tình hay hữu ý, không hiểu rõ về mối quan hệ mập mờ. Họ vẫn nuôi hi vọng rằng người kia sẽ đảm bảo sự an toàn, tương lai cho bản thân để rồi khi họ vô tình quay lưng thì vết thương lòng lại trở nên nặng nề. Do đó, phải biết rõ tính chất của mối quan hệ, phải biết mình chuẩn bị dấn thân vào điều gì để có sự chuẩn bị phù hợp."

Tuy nhiên, không thể ngay lập tức đưa ra kết luận mối quan hệ mập mờ tốt hay xấu, vì những người đang thiết lập nó đã là những công dân với đầy đủ nhận thức. Chính họ mới là những "chuyên gia" trong câu chuyện của chính mình.

"Những người tìm kiếm mối quan hệ mập mờ không có gì đáng trách nếu họ hiểu rõ những gì họ đang làm, những gì họ chuẩn bị đối mặt trong mối quan hệ và sẵn sàng cho những tình huống. Tuy nhiên, cũng giống như mọi mối quan hệ đều dựa trên nền tảng cơ bản là sự trao đổi về mặt nhu cầu. Khi bạn không còn cảm thấy những nhu cầu của mình được đáp ứng, hoặc bản thân không thể tiếp tục với những nhu cầu của đối phương, việc xem xét và đánh giá nghiêm túc về khả năng kết thúc nó là điều rất đáng suy ngẫm", anh Đào Lê Tâm An nhấn mạnh.

"Việc bị bỏ rơi đôi khi không đáng sợ bằng việc cả đời bị ràng buộc với một người không thực sự dành cho mình. Do đó, nếu bạn cảm thấy không còn an toàn trong mối quan hệ, hãy trò chuyện thẳng thắn để đưa ra những phương án xử lý phù hợp cho cả hai", anh Tâm An nhắn nhủ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm