Học trực tuyến, điểm số và những nỗi sợ vô hình của giới trẻ
(Dân trí) - Việc học trực tuyến kéo dài khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi, tăng lo âu, giảm tương tác và bị cô lập xã hội. Thậm chí, có bạn trẻ cho rằng đây là những nỗi sợ vô hình.
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã khiến sinh viên phải trải qua một năm học trực tuyến dài nhất từ trước tới nay. Tính đến thời điểm hiện tại, sinh viên thuộc các trường ở Hà Nội đã không thể đến trường nửa năm.
Để đảm bảo an toàn và đặt sức khỏe ưu tiên hàng đầu, học trực tuyến là giải pháp tốt nhất trong thời gian này. Học trực tuyến đối với giáo dục tại Việt Nam không còn là giải pháp tình thế mà được đánh giá là một xu hướng tất yếu, lâu dài. Nhưng việc học trực tuyến trong suốt thời gian dài đã trở thành một nỗi sợ vô hình của giới trẻ.
Từ áp lực điểm số đến... mất phương hướng học tập
Bước sang năm thứ 3, Hoàng Nam đang cảm thấy bị áp lực về điểm số và thành tích, Nam suy nghĩ đến việc sẽ bảo lưu kết quả học tập một thời gian để chữa lành vết thương tâm lý này.
Nam chia sẻ: "Dù mình đã cố gắng nghe giảng rất tập trung và ghi chép đầy đủ nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy việc học trực tuyến là hứng thú. Mình không đánh giá về phương pháp giảng dạy của thầy cô hay kiến thức của môn học. Có lẽ, chính bản thân mình đã tự tạo ra một áp lực khiến cảm xúc bị chai sạn với việc "học trực tuyến"".
"Khi cả lớp 57 người thì 56 người đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi thì chỉ duy nhất mình là sinh viên xếp loại trung bình. Với kết quả học tập như vậy lại càng khiến mình bị rơi vào trạng thái sợ học, áp lực mỗi khi bước vào giờ học", Nam bày tỏ.
Huệ Chi, tân sinh viên của một trường kinh tế cũng đang cảm thấy bị áp lực về điểm số, áp lực về kiến thức thay đổi từ THPT sang đại học, chưa kể phải tiếp thu theo hình thức trực tuyến.
"Bố mẹ mình đều là giáo viên, nên điểm số cực kỳ quan trọng đối với họ. Việc tiếp xúc với kiến thức đại học đã khiến mình bị choáng ngợp, cộng thêm việc phải tiếp thu những môn khô khan qua hình thức trực tuyến.
Kiến thức đã khó, học trực tuyến như trở thành một "cực hình" đối với mình vào mỗi buổi sáng. Khi hầu hết các bạn trong lớp đều đạt 9 - 10 điểm ở môn Triết học thì duy nhất chỉ có mình được 6,4".
Huệ Chi cho biết thêm: "Mình chưa dám nói điểm thi với bố mẹ, trong học kỳ này mình vẫn còn đến 4 môn để thi. Với nỗi sợ học trực tuyến như vậy thì chắc chắn điểm thi cũng sẽ thấp. Mình chưa biết phải làm cách nào để có thể vượt qua được nỗi sợ đó cả".
Không bị áp lực về điểm số, Lâm Nguyễn lại áp lực vì dù học đến năm cuối chuyên ngành nhưng suốt năm 3 và năm 4 đều phải học trực tuyến. Việc học trực tuyến ở hai năm chuyên ngành đã khiến Lâm không còn yêu thích ngành học nữa và sợ học trực tuyến.
Lâm chia sẻ: "Mình học chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, nhưng suốt 2 năm nay đều phải học trực tuyến và không được thực tế. Tất cả kiến thức mình học được chỉ là lý thuyết.
Chính vì vậy, mình không còn mong muốn sẽ theo ngành đang học. Ngoài ra, mình rất sợ mỗi khi đến giờ học trực tuyến. Mong muốn lớn nhất chính là được quay trở lại trường học trực tiếp và tìm lại được định hướng, đam mê của ngành học".
Cần làm gì để thoát khỏi nỗi sợ vô hình?
Thầy Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến những nỗi sợ vô hình này ở thế hệ trẻ đến từ rất nhiều khía cạnh, một trong số đó chính là từ phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng như ý thức tiếp nhận của người học.
Vì dịch bệnh nên nhiều nhà trường còn bị động với chương trình, nhiều giáo viên chưa có kỹ năng giảng dạy, cũng như sinh viên chưa có kỹ năng học tập dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả".
"Người học trong giờ học không chỉ tiếp nhận thông tin từ thầy cô mà giảng viên cần hướng dẫn để người học tiếp cận được nhiều nguồn thông tin khác nhau.
Chính các giảng viên cũng nên thay đổi cách thức giảng dạy để cho người học có những phương pháp học trực tuyến hiệu quả", thầy Sơn nói.
Thầy Sơn cũng chia sẻ rằng: "Việc học trực tuyến đòi hỏi người học phải có sự chủ động; nếu không, sẽ thành học đối phó. Học sinh phải tìm cho mình những cảm hứng học tập ở chủ đề mà bản thân yêu thích.
Trong tình hình dịch bệnh, chúng ta tập trung vào làm việc cá nhân và tập trung vào bản thân nhiều nên ta phải tìm ra những giá trị thật để học, tránh tình trạng phụ thuộc vào những chương trình học mà bản thân không thích" thầy chia sẻ thêm.
Chuyên gia tâm lý Steven Nguyễn nhận định: "Những triệu chứng tâm lý rối loạn, trầm cảm ở học sinh không tự nhiên mất đi và chúng có thể tồi tệ hơn nếu không được chữa trị.
Do vậy, các bậc cha mẹ, thầy cô khi thấy con có sự khác thường học sinh thì không nên giận dữ, quát mắng. Hãy lắng nghe vấn đề con đang gặp phải để chia sẻ, động viên …".
"Giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách và tiếp thu kiến thức của sinh viên. Do đó, nếu tạo lập được mối quan hệ tốt giữa thầy và trò thì có tác động rất tích cực. Giáo viên cần ứng xử đúng mực, tôn trọng học sinh, tạo môi trường vui vẻ, thoải mái, đánh giá các em một cách công bằng", chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.