Hiệu trưởng ĐH Sư phạm muốn trị bệnh "nâng điểm, chạy trường"

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Mai ngày các em ra đời sẽ góp phần chữa cái căn bệnh trầm kha "học giả, bằng thật", "nâng điểm, chạy trường", không học mà muốn có tấm bằng khoe mẽ...".

Trên đây là chia sẻ của GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội chiều 11/10 nhân dịp khai giảng năm học mới.

Trong bài phát biểu nhân dịp khai giảng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội dành thời gian tri ân các thế hệ tiền bối.

Họ không để lại tiền bạc, của cải nhưng đã để lại cho thế hệ thầy trò phẩm giá người thầy, sự thanh cao và sang trọng; sự tự học, sự dấn thân, đức tính phụng sự, lòng tự trọng, sự nhân hậu và khát vọng chân chính của trí thức.

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm muốn trị bệnh nâng điểm, chạy trường - 1

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đánh trống khai giảng năm học mới (Ảnh: M. Hằng).

"Thầy muốn nhắn với các em, trước hết là yêu thương và mãi mãi là yêu thương. Cạn tiền, cạn thóc, người ta làm ra được, nhưng cạn tình, cạn nghĩa thì hoang vu vô tận kéo về. Khi con tim nguội lạnh trước con người, trước cuộc đời thì cuộc sống chẳng còn gì đáng nói.

Hãy trân quý những giá trị của gia đình, những tình cảm với người thân; vì từ đó mới nói đến tình yêu thương đồng loại, và cũng chính từ đó mới nói đến đức hi sinh. Người ta dám xả thân vì người ta có tình yêu thương, yêu thương càng sâu nặng thì hành động càng cao cả", GS Nguyễn Văn Minh nói.

Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, ông hy vọng sinh viên không phải là những người chỉ biết ngồi kêu ca, trách cứ hoàn cảnh và âu sầu vào lúc bình minh.

Nhưng các em hãy đắm mình vào cuộc sống thực tại này, dù còn nhiều sần sùi và thô ráp, nhưng dù sao nó cũng gắn với đời người, và dù sao thì cuộc sống vẫn đáng yêu, và khi yêu thương thì mỗi chúng ta sẽ mong muốn làm điều tốt đẹp; yêu thương thì sẽ hóa giải dần định kiến và cả những oán hờn.

"Quyền năng tối thượng của giáo dục là vì mục tiêu bình đẳng con người. Chính thế, thầy hi vọng ngay từ bây giờ, các em hãy nghĩ đến những đứa trẻ đầu trần chân đất, đến những bản làng cách trở, đến những lớp học phên nứa gió mùa đông…, sau rồi hẵng nghĩ đến những ngôi trường quyền uy của giàu có.

Bình đẳng không phải chỉ có công bằng trong cơm ăn, áo mặc; mà để mỗi người hiểu giá trị cuộc đời, biết họ được làm gì và họ phải làm gì, muốn thế thì họ cần được hiểu biết.

Đây là nghĩa vụ cao cả của giáo dục; chứ không phải chỉ dạy trẻ học thật giỏi một môn học và lạc loài với cuộc sống", thầy Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm muốn trị bệnh nâng điểm, chạy trường - 2

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nhắc sinh viên hãy nghĩ đến những đứa trẻ đầu trần chân đất, đến những bản làng cách trở, những lớp học phên nứa gió mùa đông (Ảnh: M. Hằng).

Trong lời nhắn gửi đến các sinh viên của nhà trường, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội mong rằng, các em sinh viên hãy làm chủ công nghệ, đừng là nô lệ của công nghệ.

Các em hãy là những người kết nối yêu thương và hãy dùng công nghệ để kết nối yêu thương, đừng để công nghệ đẩy xa hơn khoảng cách giữa những con người.

Thầy giáo này kỳ vọng một thế hệ sinh viên hiếu học và học thật. Học để phát triển bản thân và để phụng sự, chứ không học vì những tham vọng, vì những hào nhoáng bằng cấp.

Kết quả học tập, bằng cấp, bản thân nó xác định nỗ lực và đánh dấu một giai đoạn học tập. Nhưng nội hàm ta thu được là gì và để có thể làm gì cho cuộc sống.

"Đừng coi bằng cấp chỉ là nấc thang vì mục đích danh lợi. Khi xác định được như vậy, thì các em ý thức được việc học; mai ngày các em ra đời sẽ góp phần chữa cái căn bệnh trầm kha "học giả, bằng thật", "nâng điểm, chạy trường", không học mà muốn có tấm bằng khoe mẽ với bàn dân thiên hạ thì xấu hổ biết bao.

Để trở thành một con người chân chính, một nhà giáo chân chính là một quá trình khổ luyện. Có những lúc các bất cập gây nên những suy tư, trăn trở, và đâu đó mọi lỗi lầm đều chúng ta hứng chịu, nhưng hãy cố gắng bình tâm, coi đó là bổn phận của chúng ta.

Nghề này không giúp ai được tiền của cả, mà chỉ dẫn dắt thế hệ tương lai đến một tầng cao mới của trí tuệ và tâm hồn; từ đó, họ làm những điều ý nghĩa cho chính họ và cho đất nước; hãy nghĩ đến những người bạn muốn giúp đỡ để hành động, thay vì trách cứ, kêu ca", Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định.