Hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm

(Dân trí) - Tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học, mức hỗ trợ 3,36 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thông tin trên được Bộ GD&ĐT đưa ra tại Hội nghị triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương vừa qua. 

Theo đó, tại điều 4 của Nghị định 116 quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.

Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học, mức hỗ trợ 3,36 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).

Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục, các em cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ do cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả (không thuộc ngân sách nhà nước cấp).

Hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm - 1

Các cơ sở đào tạo giáo viên nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên trên cơ sở được giao nhiệm vụ, hoặc được đặt hàng (đấu thầu), theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ GDĐT thông báo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Nghị định 116/2020/NĐ-CP ra đời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên theo học ngành Sư phạm nhưng nâng tầm lên một bước.

Mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng trong công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo viên, đáp ứng yêu cầu về chất và lượng giáo viên tại các địa phương; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Theo dự thảo hướng dẫn Nghị định 116 của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh/thành là cơ quan có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc (nếu có), đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương. Địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng và sử dụng giáo viên.

Các bộ/ngành có cơ sở đào tạo giáo viên chủ trì và phối hợp với Bộ GDĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo trực thuộc lập dự toán và bố trí kinh phí cho việc đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo trực thuộc và thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Nghị định số 116.

Các cơ sở đào tạo giáo viên nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên trên cơ sở được giao nhiệm vụ, hoặc được đặt hàng (có thể thông qua hình thức đấu thầu), theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ GDĐT thông báo.

Từ hướng dẫn, thông báo của cơ sở đào tạo giáo viên, sinh viên trúng tuyển sẽ nộp đơn đề nghị hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến cơ sở đào tạo giáo viên; đề nghị được hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt theo thứ tự nguyện vọng (ghi rõ thứ tự nguyện vọng) đối với các địa phương có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại địa phương.

UBND cấp tỉnh xét chọn, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo cho sinh viên kết quả xét chọn của UBND cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc nhận đơn đăng ký của sinh viên.

Nhật Hồng

* Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!