Hơn 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới
(Dân trí) - Sau một năm phải tổ chức khai giảng trực tuyến vì đại dịch Covid-19, hôm nay 5/9, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước háo hức dự khai giảng năm học mới.
Chủ tịch nước đánh trống khai trường tại trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên
Sáng nay 5/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai giảng năm học mới tại trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh, nhân viên phục vụ trong ngành giáo dục, các em học sinh trong cả nước nói chung và trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên nói riêng những tình cảm thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong năm học mới.
"Trong không khí cả nước phấn khởi với ngày khai trường, ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, tôi vui mừng đến thăm và dự lễ khai giảng năm học 2002-2023 của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - một ngôi trường giàu truyền thống, nơi phát hiện, bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh tài năng của đất nước nhiều năm qua" - Chủ tịch nước chia sẻ.
Cũng tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước đã đánh trống khai trường; tặng quà cho thầy và trò trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên; tặng phần thưởng cho 8 em học sinh của trường đã đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022.
Đặc biệt, Chủ tịch nước cũng tặng phần thưởng cho em Nguyễn Hữu Nam Hoàng, đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với tổ hợp 3 môn khối A1 là 28.95 điểm. Em Nguyễn Hữu Nam Hoàng là con của Liệt sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn đã hy sinh vào ngày 13/10/2020 trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế).
Cần Thơ: Báo Dân trí gửi tặng hơn 1000 thẻ Bảo hiểm y tế tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Tại lễ khai giảng năm học 2022-2023 của trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí, đã gửi lời chúc mừng tới 895 học sinh của trường.
Với sự hỗ trợ của độc giả, nhà hảo tâm trên cả nước, báo Dân trí đã gửi tặng hơn 1000 thẻ Bảo hiểm y tế cho các em học sinh nghèo, yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn tại TP Cần Thơ trong năm học này.
Thay mặt báo Dân trí, ông Phạm Tuấn Anh gửi lời chúc mừng tới tất cả thầy cô, các em học sinh trong ngày khai trường của năm học 2022-2023. Bên cạnh lĩnh vực thông tin truyền thông, những công tác xã hội, việc làm thiện nguyện, lan tỏa tình nhân văn, nhân ái là mục tiêu được báo Dân trí luôn xác định theo đuổi. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động của báo là hỗ trợ ngành giáo dục, tiếp sức cho thầy cô, các em học sinh.
Đón nhận những đóng góp của báo, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, bày tỏ, 1000 thẻ bảo hiểm cho học sinh hoàn cảnh khó khăn là sự động viên rất ý nghĩa. Với động lực này, các em học sinh sẽ thêm vững tin trên con đường tìm kiếm, đón nhận tri thức mới, góp phần trở thành những công dân có ích cho đất nước.
"Cần Thơ luôn trân trọng những sự giúp đỡ từ báo Dân trí suốt thời gian qua. Với các em học sinh, tôi mong muốn các em sẽ ra sức học tập, rèn luyện, đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa để xứng đáng với sự quan tâm của địa phương, các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình", lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ gửi gắm.
Những khoảnh khắc ấn tượng trong lễ khai giảng tại Cần Thơ
Hòa chung không khí cả nước hân hoan, đón chào năm học mới, sáng nay 5/9, hơn 250.000 học sinh các cấp của TP Cần Thơ dự Lễ khai giảng năm học 2022-2023.
Dù còn cách giờ khai giảng hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng không khí nô nức, rộn ràng đã tràn ngập trên mọi các con phố dẫn tới các trường. Các em học sinh không khỏi háo hức được tham gia lễ tựu trường, chờ đợi các tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Bên cạnh cảm xúc vui mừng khi gặp lại thầy cô, bạn bè không ít cô cậu học trò cảm thấy hoang mang, hụt hẫng vì sau buổi lễ khai giảng ngày hôm nay, kỳ nghỉ hè của các em đã chính thức kết thúc. Một năm học mới đang chờ đón phía trước.
Dưới đây là những khoảnh khắc thú vị của buổi Lễ khai giảng được PV Dân trí ghi nhận tại một số trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cần Thơ:
Hà Nội: Hơn 2,2 triệu học sinh của TP Hà Nội dự khai giảng năm học mới
Trong năm học này, Hà Nội sẽ tập trung vào Chương trình Giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Trong đó, một trong những điều kiện để chương trình hoàn thành tốt là giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 5/9, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học mới này, sau khi được bổ sung biên chế, toàn thành phố vẫn thiếu hơn 5.000 giáo viên, nhiều địa bàn còn "nóng" chuyện quá tải trường lớp vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh.
"Các nhà trường chủ động sắp xếp giờ dạy cho giáo viên sao cho phù hợp, không quá tải. Một số đơn vị đề xuất tuyển giáo viên hợp đồng, điều này cũng hợp lý trong bối cảnh nhiều nhà trường đang thiếu giáo viên nhưng tuyển bao nhiêu để phù hợp với kinh phí của từng cơ sở giáo dục", ông Cương nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, trong năm học mới này, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc kéo gần khoảng cách giáo dục giữa nội thành và ngoại thành.
Theo đó, Hà Nội sẽ cử một số giáo viên ở các trường tốt ở nội thành ra ngoại thành để giao lưu, học tập phương pháp giảng dạy.
Về việc quá tải trường lớp, Hà Nội sẽ rà soát lại việc xây dựng trường học tại một số khu đô thị, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết xây trường cùng với xây nhà.
Tại lễ khai giảng năm học mới, Hiệu trưởng trường THCS Láng Hạ (Hà Nội) Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: "Năm học 2021-2022 đã đi qua. Với chúng tôi đây là năm học của những cảm xúc không thể nào quên. Năm học chịu sự tác động rất lớn của dịch bệnh đến chất lượng giáo dục, đến sức khỏe của học sinh, giáo viên, nhân viên về cả thể chất lẫn tinh thần.
Năm học nhận được sự quan tâm, băn khoăn, lo lắng của phụ huynh học sinh về việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với lớp 6. Năm học với những giây phút vui mừng xúc động khi thầy trò được gặp nhau sau hai năm dài học trực tuyến".
Theo vị hiệu trưởng, năm học 2022-2023 mở ra với những thách thức lớn. Năm học, tiếp tục được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm vì xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đặc biệt đây là một đây là một năm học với bao thách thức vô cùng to lớn với các em học sinh. Khi các em vẫn đang hứng chịu nhiều hậu quả tác động từ dịch bệnh của dịch bệnh, nhiều thông tin chưa được chọn lọc đến từ mạng xã hội, biến đổi khí hậu bất thường, môi trường đang ô nhiễm và bị tàn phá ghê gớm,… Nhà trường và các thầy cô giáo phải cố gắng hơn, cần chủ động hơn, sáng tạo hơn, tạo ra nhiều giờ dạy học lý thú và thực tiễn hơn.
Hòa chung không khí khai giảng của cả nước, hệ thống trường mầm non song ngữ Hoa Trà My (Camellia School) nồng nhiệt chào đón các bé tới trường, bắt đầu một năm học mới.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết, gần 20 năm dìu dắt vun trồng những mầm non tương lai đất nước, nhà trường luôn đặt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ lên hàng đầu. Các bé theo học tại trường sẽ được chăm sóc tận tâm từ bàn tay đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm và yêu thương trẻ, các con được phát triển các kỹ năng, năng khiếu, ngoại ngữ, đầy đủ tố chất để hình thành nên thế hệ công dân trẻ hội nhập toàn cầu.
ĐBSCL: Hàng trăm ngàn học sinh phấn khởi đến trường khai giảng
Sáng nay 5/9, tất cả học sinh các cấp học ở khu vực ĐBSCL đã đến trường khai giảng năm học mới 2022-2023.
Ghi nhận của PV Dân trí tại Sóc Trăng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm học 2021-2022 không tổ chức khai giảng, năm học mới 2022-2023 này học sinh rất vui khi được dự lễ khai giảng trực tiếp.
Từ sáng sớm, các học sinh đã đến trường với những bộ đồng phục mới, nét mặt tươi vui, phấn khởi.
Đặc biệt, kỳ khai giảng năm nay được các trường tổ chức rất ấn tượng khi không có bóng bay, hoa như nhiều năm trước, thay vào đó là lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong gió nhẹ của buổi sáng mùa thu. Thời tiết ở Sóc Trăng sáng nay nắng đẹp, gió nhẹ, không mưa, rất thuận lợi cho ngày khai giảng năm học mới.
Ghi nhận của PV Dân trí tại tỉnh Bạc Liêu, hàng chục ngàn học sinh các cấp đã đến các điểm trường dự khai giảng trong không khí khá long trọng. Nhiều em học sinh cho biết, năm trước do dịch không có khai giảng nên hơi buồn. Năm nay các em được khai giảng trực tiếp nên ai nấy đều phấn khởi.
Được biết, năm học này Bạc Liêu có hơn 150.000 học sinh từ cấp Mầm non đến cấp THPT.
Năm học 2022-2023, tỉnh Cà Mau có 500 trường học, với hơn 217.000 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT. Sáng nay, các trường trên địa bàn đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới.
Ghi nhận của phóng viên tại một ngôi trường dành cho người dân tộc Khmer, công tác chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng tại Trường Phổ thông dân tộc Hữu Nhem được thầy và trò của nhà trường chuẩn bị rất chu đáo.
Cô Nguyễn Diễm Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2021-2022, trường đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, các hoạt động giáo dục trong nhà trường đều có sự chuyển biến tích cực và đạt những kết quả rất đáng tự hào so với những năm trước.
Năm học này, ngành giáo dục Cà Mau tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Ngoài các khối lớp 1, 2 và 6 đã được triển khai từ năm ngoái, năm học này có thêm các khối lớp 3, 7 và 10 áp dụng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kon Tum: Học sinh vùng cao đánh cồng chiêng, trồng cây xanh trong ngày tựu trường
Trong sáng ngày 5/9, hàng trăm em học sinh miền núi tại xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã nô nức đến trường khai giảng năm học mới 2022-2023.
Từ 5h sáng, các học sinh vùng núi ở bán trú ngay tại trường đã dậy sớm hơn để quét dọn sân trường và ăn sáng. Gần 7h, các em học sinh tập trung đầy đủ tại sân trường để chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng khai giảng.
Dọc lối vào cổng trường, các em học sinh đều trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào thiểu số và mang theo cồng chiêng để đánh trong buổi lễ.
Đặc biệt, huyện Kon Plông nhiều năm nay đều có chủ trương không tặng hoa trong ngày khai giảng. Thay vào đó, huyện sẽ xuất ngân sách để mua hàng chục cây xanh tặng cho mỗi trường trên địa bàn.
Hành động này nhằm giáo dục học sinh biết bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên và không hủy hoại rừng dưới mọi hình thức. Việc làm này đã góp phần nâng cao nhận thức cho các thế hệ học sinh và người dân trên địa bàn.
Năm học 2022-2023, tỉnh Kon Tum có tổng cộng 166.080 học sinh, trong đó có 96.006 em dân tộc thiểu số xếp thành 5.797 lớp.
Tỉnh Kon Tum hiện nay có khoảng 361 trường mầm non và phổ thông. Cụ thể có 134 trường mầm non (trong đó có 111 trường mầm non công lập và 23 trường mầm non ngoài công lập), 91 trường tiểu học. Bên cạnh đó, 56 trường tiểu học và trung học cơ sở, 54 trường trung học cơ sở và 26 trường THPT.
Trong năm học mới, ngành giáo dục tỉnh đã chủ động sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Xây dựng kế hoạch bổ sung, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tặng 3.000 bộ sách giáo khoa, 20.000 quyển vở cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 200 triệu đồng cho các trường trên địa bàn các xã Mường Hoong, Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei.
Thanh Hóa: Hơn 914.000 học sinh Thanh Hóa bước vào năm học mới
Cùng với hàng triệu học sinh cả nước đón chào ngày hội "Toàn dân đưa trẻ đến trường", sáng 5/9, hơn 914.000 học sinh các cấp học trong tỉnh Thanh Hóa bước vào ngày khai giảng năm học mới 2022 - 2023.
Theo ghi nhận tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa, từ sáng sớm, đông đảo các em học sinh được phụ huynh đưa đến trường trong niềm vui và háo hức chào đón một năm học mới.
Trước đó, để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã có hướng dẫn các nhà trường tổ chức lễ khai giảng theo hình thức tập trung tại sân trường và thực hiện các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Riêng đối với cấp học Mầm non, tổ chức khai giảng cho trẻ mẫu giáo tại sân trường, nhà trẻ tại các nhóm lớp; tổ chức các hoạt động vui chơi tạo không khí vui tươi đón trẻ đến trường.
Theo Sở GD&ĐT, buổi lễ khai giảng phải được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, tạo tâm lý phấn khởi, hào hứng cho học sinh trước năm học mới, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị trong tình hình dịch bệnh Covid -19.
TPHCM: 1,7 triệu học sinh bước vào năm học mới
Sau một năm không tổ chức lễ khai giảng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sáng nay khoảng 1,7 triệu học sinh ở các bậc học tại TPHCM bước vào lễ khai giảng năm học mới.
Khi tiếng trống trường vang lên, nhiều học trò dâng trào cảm xúc vì phải trải qua năm Covid-19, giờ đây các em mới được tham dự lễ khai giảng năm học mới rất đặc biệt. Năm học của sự hồi sinh sau nhiều mất mát, đau thương. Có học trò đã ra không còn đến trường, còn những bạn trở thành trẻ mồ côi vì Covid-19... Như lời chia sẻ của Linh, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn: "Chúng em phải học, phải sống cho phần cả những người không may mắn đã ra đi".
Số học sinh tăng nhiều ở cấp THCS và THPT, tập trung tại TP Thủ Đức và quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh. Riêng khối tiểu học giảm hơn 11.000 học sinh.
Năm học này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục TPHCM là đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý và đổi mới phương pháp dạy và học.
Mục tiêu năm học 2022-2023, 35% thời lượng dạy học sẽ được TPHCM thực hiện trên internet. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, không phải các trường cắt 35% số tiết của các môn học để dạy online mà là 35% bài giảng sử dụng các giải pháp của hệ thống dạy học LMS. Giáo viên vẫn lên lớp giảng dạy bình thường nhưng dành ít nhất 35% khối lượng bài giảng giao qua LMS để học sinh tự học.
Hà Tĩnh: "Lễ khai giảng có ý nghĩa lớn trong cuộc đời cháu"
Sáng nay (5/9), hơn 350 ngàn giáo viên, học sinh ở 668 trường học trên địa bàn Hà Tĩnh náo nức khai trường.
Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 được tổ chức trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát đã mang đến những cảm xúc đặc biệt, làm rộn lên bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Năm nay thời tiết tại Hà Tĩnh khá mát mẻ. Có mặt từ rất sớm trước lễ khai giảng, nhiều cha mẹ học sinh trường Mầm non Bình Hà (thành phố Hà Tĩnh) đã đưa con đến trường để xếp hàng, chỉnh đốn trang phục. Một số em vẫn chưa khỏi bỡ ngỡ, đôi mắt tròn xoe thơ ngây vì lần đầu tiên bước vào môi trường học tập.
Anh Nguyễn Huy Nhật (phụ huynh của em Mai Sương) học sinh lớp 3 tuổi, trường Mầm non Bình Hà chia sẻ: "Đây là buổi khai giảng có ý nghĩa lớn trong cuộc đời cháu, là dấu mốc quan trọng đánh dấu ngày đầu tiên cháu bước vào trường mầm non, cấp học đầu tiên của mỗi người. Vợ chồng tôi đã dậy từ rất sớm để chuẩn bị các vật dụng cần thiết, đưa cháu đến trường tham gia lễ khai giảng năm học mới".
Đắk Lắk: Học sinh hào hứng chào đón năm học mới
Sáng 5/9, hòa chung niềm vui tựu trường trên cả nước trên 470.000 học sinh các cấp tỉnh Đắk Lắk bước vào lễ khai giảng năm học mới.
Với sự chuẩn bị chu đáo của các trường, sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục Đắk Lắk sẵn sàng hướng tới một năm học mới.
Ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học.
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo hoạt động giáo dục, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà các cấp học phổ thông, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp; duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Bình Định: Tập trung nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non
Sáng 5/9, cùng với cả nước, hơn 332 nghìn học sinh tỉnh Bình Định, nô nức bước vào năm học mới 2022 - 2023. Ðây là năm học có nhiều thách thức sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay sách giáo khoa ở cả 3 bậc học tiểu học, THCS, THPT.
Theo ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đặc biệt, tập trung 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non, tiếp tục thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025"; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi; quan tâm hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp.
Nghệ An: Hơn 800.000 học sinh Nghệ An hân hoan khai giảng năm học mới
Hòa chung không khí đón chào năm học mới 2022 - 2023 của cả nước, sáng nay (5/9), hơn 800.000 học sinh Nghệ An của cả 4 cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, hân hoan khai giảng năm học mới sau hai năm ngành giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Năm học 2022 - 2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 và là năm học đầu tiên triển khai với bậc THPT.
Trước nhiều nhiệm vụ quan trọng của năm học mới, ngành Giáo dục Nghệ An cũng đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch khoa học, cụ thể để sát với chương trình và triển khai linh hoạt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh việc thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra ở nhiều bậc học.
Hà Nội: Trường học cho cha mẹ ngồi khai giảng cùng học sinh lớp 1
Lần đầu tiên, Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho phụ huynh dắt tay và cùng ngồi khai giảng với học sinh lớp 1.
Ngày 5/9, thầy cô và trò trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tưng bừng dự lễ khai giảng chào đón năm học mới 2022 - 2023.
Điểm khác biệt năm nay, chương trình khai giảng được tổ chức tại hai điểm cầu: Điểm cầu Tháp Bút tại Hội trường tầng 5 nhà H dành cho học sinh Tiểu học (khối 2, 3, 4); điểm cầu Phương Đình tại sân trường chính dành cho học sinh khối 1, khối 5 và học sinh THCS, THPT.
Đặc biệt, điểm nhấn độc đáo trong Lễ Khai giảng 2022 - 2023 là lần đầu tiên trong lịch sử nhà trường tổ chức màn chào đón học sinh lớp 1 sáng tạo và giàu ý nghĩa mang tên: Con đường hoa học thuật, tượng trưng cho hành trình học tập, rèn luyện của các con học sinh.
Theo đó, nhà trường kết một đường hoa cùng một số mô hình học tập của học sinh.
Bắt đầu lễ khai giảng, cha mẹ sẽ cầm tay học sinh lớp 1, theo đường hoa tiến về sân khấu.
Nơi đó, thầy cô giáo đón tay con, hướng theo 8 lá cờ dẫn lối, đưa các con lên sân khấu lớn đón chào năm học mới - như hành trình tận tâm nâng bước các con học sinh trên con đường học thuật, vượt qua mọi thử thách để trưởng thành.
Theo BGH nhà trường, lần đầu tiên trong lịch sử nhà trường triển khai ý tưởng này nhằm gửi gắm thông điệp: Đồng hành với các con trên con đường học tập đó là cha mẹ ở nhà và thầy cô ở trường.
Tại Lễ khai giảng, nhà trường cũng vinh danh học sinh giỏi xuất sắc, gương mẫu toàn diện đạt Học bổng của nhà trường, đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT Quốc gia, đạt 100% điểm A/A* trong các kì thi Cambridge quốc tế năm 2022.
***
Năm học mới, chặng đường mới
Trong thư gửi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, cùng các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ:
"Hôm nay, ngày 5/9/2022, chúng ta lại cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt sau một khoảng thời gian bất thường, việc học tập bị gián đoạn thường xuyên bởi đại dịch Covid-19, thầy và trò lại được cùng nhau dự lễ khai giảng trực tiếp tại ngôi trường thân yêu, cùng nhau chia sẻ quyết tâm, niềm tin và hy vọng về một chặng đường mới trong học tập".
Chủ tịch nước đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề mà ngành Giáo dục lựa chọn năm nay, đó là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Chủ tịch nước đề nghị toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục hãy nỗ lực tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người vĩ đại.
Trước ngày khai giảng, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học phải đóng cửa ở phần lớn các tỉnh thành. Một thời gian rất dài các em phải học trực tuyến, qua truyền hình và các hình thức khác. Sau đó, ngành giáo dục cố gắng mở lại trường học, đưa các em quay trở lại học bình thường.
Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức. Phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan.
Quá nhiều thách thức
Nhân dịp năm học mới 2022-2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi thông điệp tới toàn ngành.
Theo Bộ trưởng, một năm học mới đã bắt đầu trong tình hình mới, dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những việc ngành Giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức. Thách thức của việc khắc phục hậu quả rất nặng nề của dịch bệnh để lại.
Thách thức của việc đổi mới giáo dục phổ thông. Thách thức của việc nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Thách thức của việc phổ cập. Thách thức của việc đưa trẻ đến trường trên phạm vi cả nước.
Thách thức của sự vượt lên chính mình để khẳng định chất lượng giáo dục và đào tạo và tăng cường, tạo dựng thêm niềm tin về phía xã hội vẫn luôn là thách thức rất lớn đối với toàn ngành.
Rất là mong toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới. Cũng mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Và rất mong các quý vị phụ huynh hết sức chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục để có sự đồng hành, hỗ trợ đối với ngành mang đến kết quả giáo dục tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong tương lai.
Lập phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.
Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, đặc biệt là phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước, tăng cường giáo dục sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh.
Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng các cơ sở giáo dục tự chủ và tự chủ một phần nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tại những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi.