Show truyền hình thần tượng Trung Quốc lo lắng trước bão "thanh trừng"
(Dân trí) - Nhiều năm qua, show truyền hình thực tế trở thành món ăn tinh thần của nhiều người xem tại Trung Quốc. Đây cũng là "vựa thóc" béo bở để các nhà đài, nhà sản xuất "móc túi" người xem một cách dễ dàng.
Điểm mặt các show truyền hình thực tế nổi tiếng tại Trung Quốc
Những chương trình truyền hình thực tế được yêu thích tại Trung Quốc gồm Running Man Trung Quốc, Khoái Lạc Đại Bản Doanh - Happy Camp, Phi Thường Hoàn Mỹ - Perfect Dating, Vương Bài Đối Vương Bài - Trump Card, Thanh Xuân Có Bạn - Youth With You, Sáng Tạo Doanh - Chuang 2021, Bố Ơi, Mình Đi Đâu Thế? - Dad! Where Are We Going?, Thực Tập Sinh Thần Tượng - Idol Producer.
Trong đó, Running man là một chương trình thu hút lượng người xem không nhỏ. Đây là một chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của nhiều gương mặt diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng. Mỗi tập phát sóng sẽ có một chủ đề khác nhau và người chơi phải thực hiện các nhiệm vụ, thử thách mà chương trình đưa ra.
Happy Camp là một chương trình có từ lâu đời của truyền hình Trung Quốc khi ra mắt từ năm 1997. Chương trình tạp kỹ có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc đại lục có khách mời đều là các nghệ sĩ nổi tiếng.
Chương trình giải trí có sức ảnh hưởng và số lượng người xem luôn nằm trong top các show truyền hình của Trung Quốc. Mỗi tuần chương trình sẽ mời các khách mời nổi tiếng đến trò chuyện, giao lưu và chơi trò chơi, hay quảng cáo album, bộ phim truyền hình mới của chính họ...
Perfect Dating bắt đầu được thực hiện từ năm 2018 và là một chương trình hò hẹn ăn khách trên truyền hình Trung Quốc. Mỗi chương trình có 16 nhân vật nam chính và mỗi số phát sóng sẽ mời các khách mời nữ đến tham gia.
Sau màn trò chuyện, giới thiệu bản thân, các chàng trai sẽ cân nhắc lựa chọn cô gái phù hợp với mình. Perfect Dating được xem là sân khấu của những màn tỏ tình ngọt ngào, lãng mạn nhưng cũng lắm bất ngờ.
Vương Bài Đối Vương Bài - Trump Card xoay quanh một chủ đề, 2 đội gồm những ngôi sao đang được yêu thích sẽ tiến hành đối kháng dưới sự lãnh đạo của hai đội trưởng cố định. Thông qua những thử thách tài năng, trò chơi đối kháng để chọn ra người thắng cuộc. Chương trình lôi kéo người xem bằng sự góp mặt của những ngôi sao ăn khách.
Thanh Xuân Có Bạn - Youth With You là một chương trình tìm kiếm thần tượng đặc sắc và hấp dẫn của Trung Quốc. Chương trình ra mắt mùa đầu tiên vào năm 2018 và có tên là Idol Producer (Thực tập sinh thần tượng).
Chương trình quy tụ các thực tập sinh đến từ các công ty giải trí hoặc không ký hợp đồng với các công ty. 9 thực tập sinh sẽ được lựa chọn thông qua phiếu bầu của người xem để thành lập một nhóm nhạc nam hoặc nữ sau nhiều tuần biểu diễn.
Sáng Tạo Doanh - Chuang 2021 là một chương trình triệu tập các thí sinh, thông qua nhiệm vụ, huấn luyện, để người chơi trưởng thành dưới sự huấn luyện của các huấn luyện viên là minh tinh. Cuối cùng, 11 thí sinh xuất sắc nhất sẽ tạo thành một nhóm nhạc để chính thức đi vào hoạt động. Đây cũng là chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc vô cùng khắc nghiệt và gay cấn.
Thực Tập Sinh Thần Tượng - Idol Producer là một chương trình thực tế được phát sóng trên iQiyi. Đây là một chương trình mà khán giả sẽ lựa chọn ra 9 trong số 100 thực tập sinh đến từ các công ty giải trí khắp Trung Quốc, để tạo ra một nhóm nhạc thần tượng nam hoàn toàn mới. Ra mắt từ năm 2018, chương trình trở thành một cuộc đua hấp dẫn với người xem.
Theo truyền thông Trung Quốc, với sự phát triển của các show truyền hình tìm kiếm nghệ sĩ trẻ, thần tượng mới, nền kinh tế thần tượng của Trung Quốc có thể đạt được 21,59 tỷ USD vào năm 2022.
Hệ lụy từ những chương trình tìm kiếm thần tượng
Các chương trình tìm kiếm thần tượng bị chỉ trích tạo ảnh hưởng đối với trẻ vị thành niên, gây mất trật tự xã hội khi các fan club cạnh tranh để buôn bán hàng trực tuyến hoặc chi số tiền lớn vô lý để bình chọn cho các ngôi sao yêu thích của họ trong các chương trình game show về thần tượng.
Thanh xuân có bạn 3 quy tụ dàn sao nổi tiếng tại Trung Quốc như Lý Vũ Xuân, Lý Vinh Hạo, Lisa (BlackPink), Phan Vỹ Bá cùng dàn thí sinh tươi trẻ đầy tài năng. Nhà tài trợ chương trình Thanh xuân có bạn 3 đã nghĩ ra nhiều cách kiếm lời bằng cách hình thức như bình chọn qua tin nhắn, mua sữa quét mã QR bình chọn...
Tới tháng 5/2021, Thanh xuân có bạn 3 bị Cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) yêu cầu ngừng sản xuất. Theo đó, thí sinh Dư Cảnh Thiên của chương trình bị tố mang 2 quốc tịch Canada và Trung Quốc và bố mẹ anh này từng làm ăn phi pháp.
Người hâm mộ của Thanh xuân có bạn 3 còn bị phát hiện bỏ tiền ra mua lượng lớn sữa của nhà tài trợ, quét mã QR nhằm tăng điểm cho thí sinh mình yêu thích, rồi đổ sữa xuống cống. Hành động này bị đánh giá là lợi dụng niềm tin của người hâm mộ, gây lãng phí tài chính.
Các ngôi sao nổi tiếng từ các chương trình tìm kiếm thần tượng cũng gặp không ít scandal từ đời tư. Năm 2020, 7 thành viên của nhóm R1SE xuất phát từ chương trình Sáng tạo doanh bị phơi bày đời tư rắc rối.
Loạt thần tượng từ chương trình Thanh xuân có bạn như Khổng Tuyết Nhi, An Kỳ, Ngu Thư Hân bị vạch trần sống không lành mạnh, Lưu Vũ Hân bị tẩy chay với phát ngôn "cảm ơn dịch bệnh Covid-19"...
Năm 2018, 9 thí sinh chiến thắng cuối cùng của Idol Producer ra mắt trong nhóm nhạc NINE PERCENT và nhanh chóng trở thành ngôi sao thần tượng thế hệ mới. Tuy nhiên, các thần tượng bước ra từ cuộc thi cũng nhanh chóng vướng vào scandal đời tư.
Từ cuối tháng 8/2021, trang web chuyên phát chương trình truyền hình iQiyi tuyên bố hủy chiếu các chương trình tìm kiếm thần tượng trong tương lai.
Giới chức mạnh tay siết chặt hoạt động của các show truyền hình thần tượng
Trong văn bản ban hành ngày 2/9, Cục Quản lý phát thanh và truyền hình quốc gia Trung Quốc (Quảng Điện) đã viết rõ: "Các đơn vị phát thanh và truyền hình không được phát sóng các chương trình tìm kiếm tài năng, chương trình tạp kỹ và chương trình thực tế".
Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc kêu gọi người hâm mộ ủng hộ nghệ sĩ tỉnh táo và văn minh, chú ý đến chất lượng tác phẩm, hơn là chạy đua theo những số liệu ảo thông qua bình chọn. Cục quản lý cũng nghiêm cấm hành vi dụ dỗ fan quyên góp tiền của dưới mọi hình thức.
Cơ quan quản lý Trung Quốc còn yêu cầu các đài truyền hình không phát sóng hình ảnh những người có "thẩm mỹ bất thường", ví dụ như hình tượng đàn ông "ẻo lả", thô tục hay những ngôi sao được trả lương quá cao hoặc nghệ sĩ trình diễn có "đạo đức suy đồi".
Do tỉ lệ sinh tại Trung Quốc ngày càng giảm, các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng khơi dậy các giá trị nam tính truyền thống ở giới trẻ, bằng cách tăng cường các lớp thể dục và chỉ trích những nam nghệ sĩ có ngoại hình giống các thần tượng nhạc pop Hàn Quốc.
Văn bản của Quảng Điện là một trong những động thái quyết liệt của giới chức nhằm ngăn chặn sự biến tướng và ảnh hưởng xấu từ các chương trình thần tượng tràn lan trên truyền hình.
Thông báo này khiến một loạt chương trình tìm kiếm thần tượng ăn khách trên truyền hình của Trung Quốc rơi vào cảnh "sống dở chết dở" hoặc buộc phải chấn chỉnh để có thể tiếp tục hoạt động.