PhotoStory

Người giữ "lửa" nghề thế hệ mới

Thực hiện: Thúy Hường

(Dân trí) - Dù vẫn còn những lo lắng khi ngày càng ít người trẻ quan tâm, gìn giữ nghệ thuật truyền thống, nhưng không thể phủ nhận rằng nhiều bạn trẻ đang nỗ lực "gìn chữ, giữ tiếng", dành trọn tình yêu cho nó.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 1

Hạ Nắng, tên thật là Nguyễn Hùng Dũng, 25 tuổi, đến từ TPHCM, là một minh chứng sống động cho niềm đam mê bất diệt với cải lương - loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Trong gia đình có hai chị em, chỉ mỗi Hạ Nắng theo nghiệp cải lương. Dù không ai trong gia đình theo nghiệp diễn, nhưng tất cả đều yêu thích cải lương và ủng hộ niềm đam mê của anh.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 2

Một trong những khó khăn lớn nhất mà những người trẻ yêu thích và theo đuổi nghệ thuật truyền thống như Hạ Nắng gặp phải là nguồn tài chính hạn chế. Tuy nhiên, anh luôn chủ động khắc phục. Đa phần các phụ kiện, đạo cụ, binh khí phục vụ biểu diễn đều do Nắng tự làm hoặc dành dụm tiền để mua.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 3

Trong khi nhiều người cho rằng cải lương, đờn ca tài tử hay các loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần lụi tàn, Hạ Nắng lại nhìn nhận vấn đề với một thái độ tích cực hơn. Anh cho rằng, mặc dù nghệ thuật truyền thống đang đối diện với thách thức lớn, nhưng vẫn có rất nhiều bạn trẻ đang tìm hiểu và đam mê. Chỉ cần có sự nỗ lực, cải lương, đờn ca tài tử vẫn sẽ có cơ hội phát triển và lan tỏa mạnh mẽ.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 4

Hạ Nắng hiểu rằng, dù cải lương có đang trong giai đoạn thoái trào, nhưng đó chỉ là một phần của quy luật tự nhiên.

"Trong cuộc sống, cái gì cũng sẽ thịnh và suy, đó là một vòng tuần hoàn. Nhưng nếu nói cải lương đã chết, thì sai. Nó vẫn còn sống trong trái tim của những người trẻ như chúng tôi và những nghệ sĩ trẻ đang dần tìm ra con đường riêng để đưa nghệ thuật này phát triển", anh nói.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 5

Ở một thời đại mà âm nhạc hiện đại và những xu hướng toàn cầu chiếm lĩnh thị trường, việc tìm ra cách để âm nhạc dân tộc tiếp tục sống mãi trong lòng công chúng trẻ tuổi là một thách thức lớn, đặc biệt là cải lương khi một số người luôn nghĩ cải lương là buồn, ướt át, sến súa.

Tuy nhiên, Hạ Nắng không chỉ giữ gìn mà còn tìm cách đưa cải lương đến gần hơn với giới trẻ. Ngoài biểu diễn, Hạ Nắng còn thường xuyên tổ chức, tham gia các buổi workshop, tọa đàm, giao lưu để chia sẻ về loại hình nghệ thuật này với cộng đồng. Anh tin rằng việc giúp người trẻ hiểu và yêu thích âm nhạc truyền thống không chỉ là việc bảo tồn mà còn là việc phát triển, làm phong phú thêm nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 6
Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 7

Để lấy ngắn nuôi dài, Hạ Nắng phải làm thêm một số việc như dạy hát, múa cho học sinh, diễn tại các tụ điểm cải lương. Đây cũng là một trong những cách để anh lan tỏa tình yêu cải lương đến thế hệ trẻ hiện nay.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 8

"Có những thời điểm không có công việc, tôi vẫn bình thường và dành thời gian bồi dưỡng thêm kiến thức chứ cũng không than thở. Tôi cảm thấy vui khi tự lập thân và không làm phiền đến gia đình", Nắng chia sẻ.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 9

Hiện nay, nhiều bạn trẻ cũng đã ứng dụng chất liệu nghệ thuật dân tộc vào sản phẩm âm nhạc hiện đại của mình.

"Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy thế hệ trẻ ngày nay không chỉ "nhìn về quá khứ" mà còn mang giá trị văn hóa truyền thống để tái hiện chúng dưới góc nhìn hiện đại và độc đáo, giúp những giá trị này lan tỏa rộng rãi. Tuy nhiên, làm như thế nào để khiến những dấu hiệu tích cực này không chỉ còn dừng lại ở câu chuyện phong trào hay tồn tại trong những cộng đồng nhỏ lẻ và biến nó trở thành nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ. Bởi văn hóa luôn có sự giao thoa, tạo nên sự phong phú cho nền văn hóa. Nhưng khi văn hóa truyền thống được đưa vào sáng tạo, ranh giới giữa giao thoa và xâm lấn ngày càng trở nên mỏng dần", Nắng chia sẻ.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 10

Chia sẻ thêm về việc đổi mới những giá trị đã "cũ", Hạ Nắng cho biết: "Cải lương nói riêng cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc nói chung có thể phát triển trong không gian hiện đại, miễn là chúng ta biết cách giữ lại cái hồn, cái tinh túy của nó. Chúng ta cần làm sao để giới trẻ cảm nhận được những giá trị sâu sắc mà cải lương mang lại mà không cảm thấy nó quá xa vời, quá cổ hủ. Ví dụ như về trang phục, lối diễn trẻ trung hơn để kéo giới trẻ gần hơn với thể loại này".

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 11

Có những thời điểm anh phải chạy liên tục đến các địa điểm khác nhau, không có thời gian ngơi nghỉ nhưng anh vô cùng hạnh phúc vì điều đó.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 12

Những bữa cơm vội vàng trước giờ diễn.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 13

"Nhờ có kỹ năng trang điểm mà tôi không gặp quá nhiều khó khăn trong việc hóa trang. Tuy nhiên, bản thân còn phải học hỏi và tập luyện nhiều trong lĩnh vực hóa trang này vì hiện vẫn mất khá nhiều thời gian", Nắng tâm sự.

Người giữ lửa nghề thế hệ mới - 14

Hạ Nắng chưa phải là cái tên quá nổi bật trong các sân khấu lớn, nhưng với những ai từng gặp anh, họ sẽ nhận ra ngay một niềm đam mê sâu sắc, chân thành mà anh dành cho cải lương.

Trái với lo ngại nhiều người trẻ ngày nay "quay lưng" với nghệ thuật truyền thống, Hạ Nắng là minh chứng cho việc cải lương, dù có những lúc tưởng chừng như bị quên lãng trong dòng chảy của thời gian, vẫn có thể sống mãi nếu có những người như anh: những người trẻ nhiệt huyết, đam mê và khát khao lan tỏa tình yêu ấy đến những người xung quanh. Với Hạ Nắng, cải lương không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà là một sợi dây kết nối, một nhịp cầu giúp thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận được những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc.