Người giữ nghề chế tác nhạc cụ truyền thống không bị mai một

(Dân trí) - Theo người dân trong làng, làng nghề Đào Xá được hình thành và phát triển cách đây hơn 200 năm, được truyền từ đời cụ Đỗ Xuân Lan.

Làng Đào Xá, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội được biết đến với nghề chế tác nhạc cụ truyền thống lâu đời với các dòng nhạc cụ như: Đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... Nhưng hiện nay, trước tác động của quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa và sự du nhập các loại nhạc cụ hiện đại, nghề chế tác nhạc cụ truyền thống đang dần bị mai một. Với sự gắn bó và tâm huyết, những nghệ nhân làng Đào Xá vẫn đang truyền lửa và giữ lửa cho làng nghề.

Người giữ lửa

Theo người dân trong làng, làng nghề Đào Xá được hình thành và phát triển cách đây hơn 200 năm, được truyền từ đời cụ Đỗ Xuân Lan. Ngay từ thời còn trẻ, cụ làm nghề thợ mộc, đi đóng đồ cho các gia đình người Pháp. Lúc bấy giờ với sự tò mò, ham học hỏi, cụ đã theo chân người Hoa học nghề làm đàn, ròng rã nhiều năm, cụ học được cách làm nhiều loại đàn khác nhau. Từ đó, cụ về quê truyền nghề cho con cháu trong nhà để phát triển.

Được biết đến là nghệ nhân cao tuổi nhất trong làng vẫn lưu giữ những nét tinh hoa của nghề chế tác nhạc cụ truyền thống. Ông Đào Văn Soạn, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cấp quốc gia trong lĩnh vực nghề truyền thống và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của TP. Hà Nội. Với gần 50 năm gắn bó, hơn ai khác, ông là người am hiểu rõ nhất các thăng trầm của làng nghề và các dòng nhạc cụ.

Người giữ nghề chế tác nhạc cụ truyền thống không bị mai một - 1

Nghệ nhân Đào Soạn với hơn 50 năm tâm huyết với nghề làm đàn.

Tới làng Đào Xá hỏi thăm đường về nhà nghệ nhân Đào Văn Soạn không ai là không biết ông. Ông đã gắn bó cả cuộc đời với nghề làm đàn từ khi còn trẻ, ông luôn tìm cách gìn giữ và phát huy nghề làm đàn cho thế hệ sau.

Ông Soạn chia sẻ, ông sinh ra trong gia đình có truyền thống làm đàn, thời con trẻ theo cha học việc, niềm đam mê, nhiệt huyết với cây đàn ngấm vào máu từ ngày đó cho tới bây giờ cũng được gần 50 năm. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đất nước gặp khó khăn, làng nghề trở nên sa sút, nhiều người trong làng đã bỏ nghề.

"Gia đình tôi lúc bấy giờ cũng khó khăn, từng tạm dừng nghề đàn chuyển sang nghề đóng giường tủ, nhưng sau một thời gian với niềm tin và lòng nhiệt huyết theo nghề cha để lại, tôi quyết tâm giữ và khôi phục lại nghề. Tới đầu những năm 90 sau khi đất nước dần ổn định, kinh tế phát triển, chính sách khôi phục nền văn hóa truyền thống được đẩy mạnh nên nghề làm đàn được phục hồi trở lại và phát triển", ông Soạn nói.

Người giữ nghề chế tác nhạc cụ truyền thống không bị mai một - 2

Nghề làm đàn Đào Xá đòi hỏi sự công phu và kỹ lưỡng trong từng chi tiết.

Ở tuổi xế chiều, đối với ông Soạn mong mỏi lớn nhất là truyền nghề lại cho các thế hệ trẻ để thay mình gìn giữ truyền thống cao đẹp này. Dành cả đời để gắn bó với những cây đàn cổ truyền của dân tộc, ông Soạn tâm sự: "Những cây đàn đối với tôi không phải là vật vô tri vô giác, tôi xem chúng như phần hồn của mình, vì vậy tôi dành mọi tâm huyết để chăm chút kỹ lưỡng những cây đàn như một người cha, khắt khe nghiêm khắc như một người thầy, đồng điệu sẻ chia như một tri kỷ". Chính vì sự tâm huyết với nghề mà đàn ông làm ra không chỉ bền đẹp mà còn chuẩn về âm thanh và thẫm mỹ.

Người giữ nghề chế tác nhạc cụ truyền thống không bị mai một - 3

Để duy trì nghề làm đàn, ông Soạn nhận dạy nghề miễn phí cho người muốn theo học.

Được biết, để duy trì làng nghề, ông Soạn còn nhận dạy nghề miễn phí cho những người muốn theo học. Nhưng hiện nay, làng nghề không còn được ưa chuộng với giới trẻ. Hầu hết thanh niên học xong đều theo làm tại các công ty và khu công nghiệp thay vì theo học nghề làm đàn truyền thống của làng.

Dù tuổi cao nhưng ông vẫn tiếp tục truyền lửa và gìn giữ nghề một cách trân quý, niềm vui như được nhân đôi khi người con trai và con rể của ông đang tiếp tục nối nghiệp làm đàn và phát triển chúng.

Những cây đàn của sự tâm huyết và kỳ công

Miệt mài bên những cây đàn, hiện nay trong nhà ông Soạn trưng bày hàng chục loại đàn khác nhau, có những cây đàn xưa giá lên tới hàng chục triệu đồng được ông bọc kỹ lưỡng và cho vào tủ kính cẩn thận. Bởi đối với ông, những cây đàn này được ông xem như báu vật cuộc đời, để sau này khi không còn được làm đàn thì đó là những kỷ vật để lại của ông Soạn.

Nói về cách làm đàn nghệ thuật, ông Đào Văn Tuấn - con trai ông Soạn - cho hay, nghề làm đàn Đào Xá đòi hỏi sự công phu và kỹ lưỡng, mỗi cây đàn làm ra người thợ phải căn đo từng chi tiết để cây đàn đạt chuẩn về mọi mặt.

"Người thợ không chỉ giỏi về nghề mộc, mà còn phải có bàn tay khéo léo và cặp mắt, đôi tai tinh tế. Đặc biệt nghề làm đàn cần sự kiên trì và tâm huyết, đầu tiên phải yêu thích thì mới theo được nghề. Thời gian đầu khi học nghề, người thợ phải bỏ ra 2-3 năm học, người nào nhanh cũng mất năm rưỡi mới có thể làm được tất cả các dòng nhạc cụ hiện có trong xưởng. Từng quá trình để cho ra một cây đàn hoàn chỉnh từ chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến chắp, ghép… và cuối cùng là hoàn thiện người thợ phải thật linh hoạt và tỉ mỉ", ông Tuấn thổ lộ.

Người giữ nghề chế tác nhạc cụ truyền thống không bị mai một - 4

Dù không dán thương hiệu nhưng đàn Đào Xá ra thị trường sẽ không bị nhầm lẫn với các loại đàn công nghiệp khác.

Ông Tuấn tự hào nói, những sản phẩm của làng Đào Xá khi đưa ra thị trường mặc dù không dán thương hiệu nhưng với đàn Đào Xá không thể lẫn với các loại đàn công nghiệp khác. Đàn Đào Xá được làm theo phương pháp thủ công và có đặc trưng riêng, khi nhìn, nghe và sờ vào đàn có thể nhận biết được. Âm thanh đàn Đào Xá cũng khác biệt, người miền Bắc thiên về chèo văn âm thanh sẽ trầm để phù hợp với giọng ca người Bắc, còn người miền Nam thiên về cải lương nên âm thanh của đàn thanh thoát, trong trẻo.

"Nghề làm đàn ở Đào Xá lý thuyết không thể dạy hết được mà phải "truyền khẩu, cầm tay chỉ việc", những kiến thức này không phải quan sát ngày một, ngày hai mà người thợ phải có sự yêu quý, kiên trì, rèn luyện trong quá trình dài mới làm được", ông Tuấn nói thêm.

Người giữ nghề chế tác nhạc cụ truyền thống không bị mai một - 5

Chính vì được làm theo phương pháp thủ công nên đàn Đào Xá luôn mang nét đặc trưng riêng.

Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, nghề làm đàn tưởng như mất đi nhưng vẫn giữ một vị trí quan trọng và chỗ đứng trong xã hội. Đối với những người trong làng, nghề làm đàn không chỉ là kế sinh nhai mà còn là một nét văn hóa đặc trưng nối tiếp truyền thống quý báu của cha ông để lại. Giữa những âm thanh ồn ào sôi động của xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, bằng sự đam mê và tâm huyết, những người nghệ nhân vẫn đang "giữ lửa", góp phần gìn giữ bảo tồn nét tinh hoa của nghề truyền thống dân tộc.