Bánh ú tro - hương vị Tết Đoan Ngọ phố Hội

Đà nẵng

(Dân trí) - Khắp các nơi ở Quảng Nam, rồi ra đến Đà Nẵng, cứ tới ngày Tết Đoan Ngọ, lại nghe hàng rong lanh lảnh rao mời: “Bánh ú tro đây! Bánh ú tro Hội An đây!...”. Món bánh ngày Tết diệt sâu bọ mang “thương hiệu” phố Hội bao giờ cũng hấp dẫn người mua.

Bánh ú tro - hương vị Tết Đoan Ngọ phố Hội
Bánh ú tro Hội An được rao bán khắp nơi ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong ngày Tết Đoan Ngọ như một lời mời đảm bảo bánh ngon

Ở Hội An, có nhiều nhà nghề làm bánh ú tro truyền từ đời này sang đời khác. Cái nghề chỉ kiếm ăn được dăm ba ngày trước sau Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), nhưng trăm năm không “lụt” nghề (mất nghề).

Để làm bánh ú tro phải chuẩn bị các nguyên liệu, “đúng điệu” phải là lá đót mua lại của những người chuyên đi hái lá rừng ở vùng đèo Hải Vân (đèo nối liền giữa hai tỉnh, thành Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng), lạt buộc, nếp mới tháng ba của vụ xuân, tro vôi để lọc nước ngâm nếp gói bánh thường là tro đốt thân cây mè.

Lá gói bánh thường là lá đót hái ở vùng đèo núi Hải Vân
Lá gói bánh thường là lá đót hái ở vùng đèo núi Hải Vân

Cứ 3 tro một vôi bỏ vào trong nước. Nước tro vôi ở Hội An, nghe nói nhiều nhà nghề phải lấy cho được nước giếng Bá Lễ ở ngay trong phố cổ, đem về lọc nước tro vôi mới cho chiếc bánh có vị thanh ngọt lạ lùng. Nước tro vôi để cho lắng cặn, chừng nào lớp nước ở trên trong veo thì mới chắt ra để ngâm nếp. Công đoạn ngâm nếp, hay còn gọi là cho “nếp ăn” thường mất hơn nữa ngày rồi mới bắt đầu gói bánh.

Bánh có khối hình tam giác. Cho nếp vào lá đốt, rồi gấp mép lá tạo khối hình tam giác sao cho thật khéo, không chặt quá, cũng không lỏng quá. Nếu gói bánh chặt thì bánh nấu ra sẽ bị chai, gỏi bánh quá lỏng, bánh lại bị nhão vì ngấm nước nấu bánh. Bánh gói xong đem cho vào nồi náo, canh lửa to, chừng khoảng 5 - 6 giờ đồng hồ thì bánh chín.

Ở nhiều nơi, trong ngày Tết Đoan ngọ cũng làm bánh ú tro, nhưng thường làm nhân đậu xanh, ở miền Nam lại có nhân sầu riêng, nhưng bánh ú tro Hội An thì không có nhân, chỉ thuần là bánh nếp ăn tro vôi. Bánh không có nhân mà lạ lùng lại có vị ngọt thanh, ăn vào vừa mềm lại vừa dòn dai. 

Bánh không có nhân nhưng lại có vị ngọt thanh của nếp ăn tro vôi
Bánh không có nhân nhưng lại có vị ngọt thanh của nếp ăn tro vôi

Chiếc bánh nhỏ xíu, bóc lá lấy bánh ra xong lại chấm thêm ít đường cát, cũng có nơi chấm bánh với mật mía. Món ngon thanh đạm vậy thôi mà câu chuyện gia đình quanh mâm cơm ngày Tết mùng năm xôm tụ hắn lên. Mùng 5 mà không có bánh ú tro thì không phải lài mùng năm.

Người biết bài quê ở Hội An. Ngày còn đi học xa nhà, ngày mùng 5 cả hội đồng hương quây quần bên nhau, tự nhiên lại có người bạn ở quê mang vào cho mấy xâu bánh ú tro. Chia nhau mỗi người 1 - 2 chiếc chứ không được ăn bánh thỏa thuê như khi ở quê nhà, cầm bánh trên tay mà ai ai cũng nhớ nhà trong hương vị Tết Đoan Ngọ của phố Hội.

 

Khánh Hiền