Thầy giáo ở Bình Định phượt xe máy xuyên Việt đón sinh nhật tuổi 52
(Dân trí) - Mong muốn đón tuổi 52 theo cách ý nghĩa nhất, anh Tiến quyết định một mình thực hiện hành trình xuyên Việt gồm 4 chặng trong 42 ngày, khám phá 63 tỉnh thành và 4 điểm cực của đất nước.
Tỉnh giấc sau một ngày nghỉ ngơi lấy lại sức từ chuyến xuyên Việt kéo dài suốt 6 tuần, anh Trần Quốc Tiến (52 tuổi, sống ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) không khỏi bất ngờ khi nhận được "bão like" và bình luận trên facebook.
Trước đó, anh đã chia sẻ trên mạng xã hội bài viết kèm loạt hình ảnh về hành trình khám phá 63 tỉnh thành và 4 điểm cực đất nước hồi cuối tháng 6 vừa qua. Đây là chuyến đi đặc biệt với nhiều thứ lần đầu tiên anh thử sức và cũng là món quà chào đón sinh nhật tuổi 52.
Thầy giáo tiếng Anh phượt xe máy xuyên Việt chào đón tuổi 52
Anh Trần Quốc Tiến là giáo viên dạy môn tiếng Anh tại một trường Trung học cơ sở ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Cách đây nhiều năm, anh đã ấp ủ dự định đi du lịch, khám phá trọn vẹn 63 tỉnh thành để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mọi vùng miền đất nước.
"Trước đây, khi các con còn nhỏ, điều kiện cũng thiếu thốn nên tôi chỉ dám mơ ước chứ chưa thể thực hiện được dự định đi xuyên Việt của mình. Sau này, tôi có hai lần ngỏ ý với vợ về việc đưa con trai đi phượt xe máy nhưng không nhận được sự đồng ý.
Mãi đến bây giờ, chờ các con đều khôn lớn trưởng thành, kinh tế gia đình cũng ổn định nên tôi quyết tâm lên đường, tạo dấu mốc ý nghĩa chào đón sinh nhật tuổi 52. May mắn, vợ và các con đều vui vẻ ủng hộ, hỗ trợ tôi chuẩn bị hành trang cho chuyến đi dài ngày đặc biệt này", anh Tiến nhớ lại.
Lần đầu xa nhà thời gian dài, lại độc hành quãng đường hàng ngàn cây số, anh Tiến cẩn thận chuẩn bị đồ đạc, rèn sức khỏe trong một tháng trời.
Anh hình dung những tình huống giả định, cân nhắc nếu trong trường hợp đó thì cần thứ gì để chuẩn bị, ví dụ như mua vitamin C, canxi loại tan trong nước, bộ sơ cứu vết thương (bông, băng gạc, oxy già) dầu cao xoa bóp,...
Thầy giáo 52 tuổi cũng dành thời gian luyện tay lái ở cung đường thuộc khu vực cổng trời An Lão (Bình Định), nơi có địa hình đèo dốc cao trên 600m để làm quen và kiểm tra xem xe có đủ khả năng vượt đèo hay bị hư hỏng gì không.
Chiếc xe thân thuộc cũng được anh mang ra tiệm bảo dưỡng, nhờ thợ kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đèn, điện, phanh trước sau hay thay dầu nhớt lốp ruột,...
Trước chuyến đi khoảng 5 ngày, anh chạy xe kiểm tra lượt cuối, đảm bảo mọi thứ thật an toàn để yên tâm khởi hành.
Anh Tiến chưa từng đi du lịch xa, chỉ lái xe máy đưa vợ khám phá loanh quanh một vài điểm đến gần nơi sinh sống. Anh hi vọng, chuyến xuyên Việt "để đời" này sẽ mang lại nhiều điều thú vị, giúp bản thân hoàn thành ước mơ ấp ủ bao năm qua.
Đặc biệt, hành trình khám phá 63 tỉnh thành của anh Tiến lần này cũng nhằm hiện thực hóa ước mơ được đi hết Việt Nam mà bố anh từng ao ước từ ngày còn sống.
"Bố tôi là bộ đội tập kết, trở về quê sau giải phóng năm 1975. Ông luôn ao ước có cơ hội khám phá hết đất nước nhưng không thể thực hiện được. Bởi vậy, chuyến đi này, tôi thay ông làm điều đó. Tôi đã mang theo ảnh bố, mẹ và người chị mới mất của mình, cùng nhau chinh phục mọi miền Tổ quốc", anh bày tỏ.
6 tuần "dầm mưa dãi nắng" độc hành hàng nghìn cây số
Ngày 8/6, một ngày sau khi nhà trường tổng kết năm học, anh Tiến bắt đầu hành trình xuyên Việt với "bạn đồng hành" đặc biệt là chiếc xe máy cũ và một vali chất đầy đồ cá nhân.
Hành trình khám phá các vùng miền của thầy giáo tiếng Anh được chia thành 4 chặng. Chặng 1, anh xuất phát từ Bình Định, đi theo quốc lộ 1 tới Trà Cổ (Móng Cái), qua các tỉnh phía bắc rồi tiến về Hà Nội.
Chặng 2 kéo dài từ Hà Nội đến Thanh Hóa, theo đường mòn Hồ Chí Minh vào khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Chặng 3, anh dành thời gian ghé thăm các tỉnh miền Tây và cực Nam. Cuối cùng, chặng 4 là hành trình từ TPHCM trở về Bình Định.
Xuất phát từ Bình Định, anh Tiến đi theo quốc lộ 1 để chinh phục điểm cực Tây - A Pa Chải (Điện Biên) và điểm cực Bắc (Lũng Cú, Hà Giang). Những ngày đầu, thời tiết ổn định nên thầy giáo 52 tuổi không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển.
Tuy nhiên, khi tới Sa Pa (Lào Cai), sự thay đổi đột ngột của thời tiết khiến người đàn ông dạn dĩ sương gió như anh cũng không khỏi choáng váng. Đêm đó về tới khách sạn, anh Tiến bị sốc nhiệt nên sốt cao.
Anh phải áp dụng kinh nghiệm có được, tự ngâm nước nóng và xoa dầu khắp cơ thể rồi nghỉ ngơi sớm. May mắn, qua một đêm, cơ thể anh hồi phục, khỏe khoắn lại như chưa hề có gì xảy ra.
"Buổi sáng ngày đầu tiên tôi đến Sapa, thời tiết mát mẻ. Tới giữa đèo Ô Quy Hồ, trời chuyển nắng gắt nhưng đến đỉnh đèo thì gió giật mạnh, nhiệt độ hạ nhanh, sương mù phủ trắng khắp nơi.
Xuống dưới đèo về phía Sapa, quãng đường chừng hơn chục km nhưng trời lại bất ngờ đổ mưa, lạnh buốt. Thậm chí, tôi còn được trải nghiệm cảm giác đông cứng chân tay khi leo lên đỉnh Fansipan vào chiều cùng ngày", thầy giáo Tiến nhớ lại.
Ngày 17/6, anh di chuyển từ Lào Cai đến Hà Giang, đặt mục tiêu có mặt tại Lũng Cú để chào đón sinh nhật tuổi 52. Lần này, anh đi theo "đường tắt" mà một người bản địa tốt bụng đã chỉ dẫn. Tuy nhiên, con đường này càng đi càng gập ghềnh, toàn đá sỏi khiến anh mất phương hướng, đi lạc tận 12 tiếng đồng hồ.
"Hôm đó, tôi đi từ 6:30 sáng mà tối muộn mới tới Quản Bạ, chấp nhận đón sinh nhật muộn sau nửa ngày lạc đường. Thực tế, con đường đó vốn chỉ có người địa phương đi nên rất xấu và xóc. Chưa kể tôi cũng không hỏi đường được ai vì người già biết đường nhưng không giao tiếp được bằng tiếng Kinh. Các em bé biết tiếng Kinh thì lại không rõ đường mà chỉ.
Thậm chí, khi đi qua một phiên chợ, tôi mừng thầm vì nghĩ ở đây nhiều người đàn ông trung niên thế này sẽ hỏi được đường. Nhưng lúc đó hầu hết họ đã uống say, đi đứng còn nghiêng ngả, có người ngã nằm lăn cả ra đất. Tôi thấy vậy cũng e ngại nên tiếp tục lái xe đi", anh kể.
Đến Quản Bạ, anh Tiến nghỉ một đêm rồi sáng sớm di chuyển đến Lũng Cú. Anh có chút tiếc nuối khi không thể đặt chân tới cực Bắc vào đúng dịp sinh nhật mình. Bù lại, anh được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ vĩ nơi địa đầu Tổ quốc và gặp gỡ những người bạn nước ngoài yêu mến Việt Nam.
Suốt hành trình khám phá các tỉnh thành trên cả nước, anh Tiến thường chọn nghỉ chân tại các nhà nghỉ bình dân với mức giá khoảng 200.000 đồng/đêm.
Về ăn uống, anh cũng tranh thủ thưởng thức đặc sản của mỗi vùng miền. Thầy giáo U60 thích nhất hương vị món mì quảng tại xứ Quảng và bún bò Huế tại Huế.
Mê mẩn cảnh đẹp khắp cả nước
Khi đi qua mỗi tỉnh, thành phố, anh Tiến thường dừng chân tham quan, khám phá các điểm đến ấn tượng, nổi bật nhất nơi đó.
Anh cũng thấy tự hào khi có cơ hội đặt chân tới tất cả các danh lam thắng cảnh Việt Nam được UNESCO công nhận như Quần thể di tích cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích đền tháp Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình (Ninh Bình),...
Theo cảm nhận của thầy giáo 52 tuổi, đoạn quốc lộ 14 là cung đường đẹp nhất, không chỉ có vai trò tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau mà còn là con đường quốc lộ xuyên nhiều địa hình nhất Việt Nam.
Đoạn đường này rộng, đẹp, việc di chuyển rất thuận lợi nên du khách khi đi qua đây có thể kết hợp dừng chân nghỉ ngơi, khám phá một số khu vực như hồ, thác nước, vườn quốc gia.
Ngoài ra, trong chặng chinh phục miền Tây, anh còn ghé thăm các ngôi chùa và đi qua 8 cây cầu nổi tiếng là Cầu Vàm Cống - cầu Cao Lãnh - cầu Mỹ Thuận - cầu Năm Căn - cầu Cần Thơ - cầu Hàm Luông - cầu Cổ Chiên - cầu Rạch Miễu.
Anh Tiến kể, trước đây, mỗi lần giảng bài, anh thường lồng ghép những câu chuyện giới thiệu về loạt điểm đến nổi tiếng khắp cả nước để học trò ghi nhớ kiến thức về thiên nhiên, lịch sử và văn hóa các vùng miền. Tuy nhiên, anh thừa nhận, có những nơi bản thân chưa từng ghé qua.
Sau hành trình xuyên Việt đáng nhớ này, anh tin sẽ có nhiều câu chuyện hay và thú vị để kể cho học trò, chia sẻ với các em tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước.
Thầy giáo tuổi 52 cũng bày tỏ mong muốn, năm tới, nếu có đủ điều kiện sẽ thực hiện hành trình mới với nhiều thử thách mới. Anh hi vọng có cơ hội được đặt chân đến quần đảo Trường Sa.