Tấm bia đá 31.000 tấn của Hoàng đế Trung Quốc to tới mức không thể di dời

Huy Hoàng

(Dân trí) - Tấm bia đá với trọng lượng lên tới 31.000 tấn được đúc từ núi đá của Hoàng đế Vĩnh Lạc hiện vẫn nằm ở mỏ đá Dương Sơn, Trung Quốc.

Trên những ngọn đồi bên ngoài cố đô Nam Kinh ở phía đông nam Trung Quốc là mỏ đá Dương Sơn. Đây là mỏ đá cổ được khai thác từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên đến cuối thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Đá vôi ở đây được sử dụng để xây dựng tường thành, công trình xung quanh Nam Kinh.

Đặc biệt sau khi Chu Nguyên Chương thành lập triều đại nhà Minh vào năm 1368, mỏ đá Dương Sơn trở thành nguồn cung cấp đá chính cho tất cả các công trình lớn làm thay đổi bộ mặt Nam Kinh thời bấy giờ.

Ngày nay, mỏ đá hầu như không được biết tới ngay cả với người địa phương tại Nam Kinh. Nhưng với du khách đam mê lịch sử Trung Hoa thường xuyên ghé thăm địa điểm này sẽ choáng ngợp với kích thước một tấm bia mộ khổng lồ chưa hoàn thiện, bị bỏ hoang tại đây.

Tấm bia đá 31.000 tấn của Hoàng đế Trung Quốc to tới mức không thể di dời - 1
Chân dung mô phỏng Hoàng đế Vĩnh Lạc (Ảnh: Wiki).

Tấm bia nói trên được Hoàng đế Vĩnh Lạc (tên thật là Chu Đệ) đặt làm vào đầu thế kỷ 15 với ý định xây dựng khối đá nguyên khối đặt lên lăng mộ cha ông là Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra triều đại nhà Minh, nhưng bất thành.

Theo đánh giá của các chuyên gia lịch sử, Vĩnh Lạc là một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Hoa, nhưng tài liệu cổ ghi chép cho thấy ông cũng rất tàn nhẫn, sẵn lòng lấy mạng bất cứ ai có ý định nổi dậy chống lại vương triều của mình.

Không chỉ trừng trị kẻ phản bội, Vĩnh Lạc còn yêu cầu đoạt mạng của cửu tộc và tất cả những người sống chung trong gia đình.

Năm 1405, Hoàng đế Vĩnh Lạc ra lệnh cắt một tấm bia mộ khổng lồ ở mỏ đá Dương Sơn. Tấm bia phải được cắt thành 3 mảnh riêng biệt với phần đế hình chữ nhật, phần thân cao và phẳng còn phần đầu có hình vương miện. Mục đích của ông muốn tạo thành đài tưởng niệm dành cho cha mình phải lớn nhất Trung Quốc thời bấy giờ.

Khi đó, Hoàng đế yêu cầu những người thợ cổ đại phải xử lý "bài toán khó". Đó là tạo ra tấm bia mộ có phần đế dài 30m, phần thân cao 50m và phần đỉnh cao 10m. Nếu được lắp ráp hoàn thiện, tấm bia mộ sẽ có kích thước khổng lồ cao hơn 70m.

Suốt nhiều năm ròng rã, hàng nghìn người dân phải dọn sạch sườn đồi, chạm khắc đá từ trên núi. Theo tương truyền, nếu ai đó không tạo ra đủ lượng đá theo định mức hàng ngày sẽ bị xử tử tại chỗ. Để tưởng nhớ những người dân vô tội bỏ mạng tại công trường hay người chết vì làm việc quá sức, ngôi làng gần đó được đặt tên là Fentou (tạm dịch: Gò mộ).

Công trình cũng tiêu tốn khoản chi phí khổng lồ và sức người không thể tưởng tượng nổi. Nhờ đó, 3 phần của tấm bia mộ được đục đẽo gần như tách hoàn toàn khỏi núi.

Tuy nhiên lúc này, những người thợ nhận ra sự "điên rồ" của Hoàng đế. Họ không thể nào di chuyển tấm bia mộ nặng khoảng 31.000 tấn từ mỏ đá tới khu mộ của Chu Nguyên Chương.

Tấm bia đá 31.000 tấn của Hoàng đế Trung Quốc to tới mức không thể di dời - 2
Tấm bia nặng khoảng 31.000 tấn bị bỏ hoang tại mỏ đá (Ảnh: News).

Kết quả là công trình bị hủy bỏ và Vĩnh Lạc phải làm một tấm bia mộ nhỏ hơn nhiều để thay thế. Nó được lắp đặt vào năm 1413. Một con rùa đá được chạm khắc để đỡ tấm bia, còn trên đỉnh là những con rồng đan xen. Tấm bia cao khoảng 9m, được nhận định là một đài tưởng niệm ấn tượng.

Từ đó tới nay, tấm bia đá vẫn bị bỏ hoang tại mỏ đá, bị coi là một sự phí phạm khổng lồ cả tiền của và sức người. Tuy nhiên, Hoàng đế Vĩnh Lạc vẫn được cho là người có công làm nên những kỳ tích cho Trung Quốc cổ đại.

Tấm bia đá 31.000 tấn của Hoàng đế Trung Quốc to tới mức không thể di dời - 3
Tấm bia mộ mới cao hơn 9m được thay thế (Ảnh: News).

Ông là người ra lệnh sửa kênh nước Đại Vận Hà kết nối miền bắc và miền nam nước này. Tiếp đó, ông cũng rời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh, xây dựng Tử Cấm Thành, công trình kiến trúc đồ sộ là nơi ở của các vị vua Trung Quốc triều đại nhà Minh, Thanh suốt nhiều thế kỷ.  

Ông cũng là người xây dựng tháp sứ Nam Kinh, một trong những kỳ quan thế giới trước khi bị phá hủy trong cuộc nổi dậy vào năm 1856. Ngoài ra, ông còn thúc đẩy hoạt động thám hiểm biển để mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tới Trung Đông, châu Phi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm