Khách Tây chi tiền lên Sapa học cấy lúa, lội ruộng và cưỡi trâu

Huy Hoàng

(Dân trí) - Đoạn video ghi cảnh nhóm du khách nước ngoài lội ruộng cấy lúa ở Sapa thu hút gần 3 triệu lượt xem. Nhiều người còn nói vui rằng đây là "du lịch chữa lành" kiểu mới.

Trong những năm gần đây, Sapa (Lào Cai) hay Hà Giang đang trở thành điểm đến được nhiều khách nước ngoài tới trải nghiệm nhờ cảnh quan hấp dẫn và văn hóa địa phương độc đáo.

Mới đây, đoạn video ghi cảnh nhóm du khách ngoại quốc vui vẻ lội ruộng, học cách cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang thu hút gần 3 triệu lượt xem với hàng nghìn bình luận.

Khách Tây chi tiền lên Sapa học cấy lúa, lội ruộng và cưỡi trâu - 1
Khách Tây hào hứng lội ruộng tập cấy lúa (Ảnh cắt từ clip).

Nhìn hình ảnh trong video có thể thấy nhóm du khách trẻ tỏ ra khá hào hứng với trải nghiệm này. Họ không ngại xắn cao quần, cúi lưng để cấy dặm mạ. Nhiều người trong số đó đã ướt đẫm lưng nhưng cả nhóm vẫn vui vẻ cười đùa với nhau vì lần đầu được học cách làm nông dân.

Theo tìm hiểu, đoạn video được quay ở một thửa ruộng ở Sapa. Video cũng nhận về nhiều bình luận, trong đó đa phần ý kiến cho rằng đây là dịp để khách nước ngoài tìm hiểu về đời sống văn hóa của người dân địa phương.

"Đi du lịch mà lạ lắm. Hóa ra đây là kiểu du lịch chữa lành kiểu mới chăng", một tài khoản có tên Bình Minh nói vui.

Khách Tây chi tiền lên Sapa học cấy lúa, lội ruộng và cưỡi trâu (Nguồn video: HDV Hmong Sapa).

"Có lẽ nhiều điểm đến ở Việt Nam nên tận dụng mô hình du lịch kiểu này để du khách hiểu thêm về cuộc sống, tạo ra kỷ niệm ấn tượng thay vì chỉ tới chụp ảnh ngắm nghía rồi về", tài khoản Minh Loan đưa ra ý kiến.

Được biết, người trực tiếp quay video là anh Vàng A Sấu, 26 tuổi, là hướng dẫn viên người Mông bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp ở Sapa.

Anh Sấu cho biết, đoàn khách xuất hiện trong video là những sinh viên người Pháp đang theo học ở Hà Nội, tới Sapa du lịch. Video được anh quay vào ngày 17/5 nhân dịp đưa nhóm khách đi trải nghiệm học cách cấy lúa như đồng bào người Mông.

Tới Sapa dịp này, đoàn khách người Pháp ở lại luôn homestay do gia đình anh Sấu quản lý. Sau một ngày thử làm người nông dân, cuối buổi cả đoàn lại quây quần bên nhau quanh mâm cơm thân mật, thưởng thức các món ăn địa phương.

Cũng trong chuyến đi này, anh Sấu còn đưa khách đi tắm suối, tập cưỡi trâu, đập lúa và xem người dân làm một số món ăn quen thuộc như gói nem, giã bánh dày.

Được biết, những hoạt động đưa khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống lao động của người dân hiện được nhiều hướng dẫn viên du lịch hướng tới.

Khách Tây chi tiền lên Sapa học cấy lúa, lội ruộng và cưỡi trâu - 2
Khách nước ngoài thích thú lần đầu sờ thử con trâu ngoài đời thực (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh Đỗ Ngọc Phúc, một hướng dẫn viên du lịch chuyên nhận khách thị trường Tây Ban Nha và tiếng Anh, cho biết, sau một thời gian dẫn đoàn, anh nhận thấy nếu chỉ truyền đạt cho khách nghe hiểu về kiến thức lịch sử, văn hóa, đưa tới nơi có cảnh đẹp không còn mới mẻ.

Thay vào đó, anh Phúc học hỏi thêm kinh nghiệm của đàn anh đi trước và thấy rằng trải nghiệm mới là thứ đọng lại trong lòng du khách sau mỗi chuyến đi. Chính vì thế, ở mỗi tour, anh lại cố tìm một hoạt động ngẫu nhiên nào đó để khách trải nghiệm.

"Nhiều khách nước ngoài rất thích trải nghiệm về cuộc sống đời thường của người Việt như làm ruộng, gặt lúa, hái rau. Có người chỉ sống ở thành phố, cả đời chưa từng nhìn thấy con trâu, cây chuối ngoài đời thực, nên khi được tôi chia sẻ những điều thiết thực này, họ thích thú lắm.

Khách còn muốn tận tay sờ xem da trâu dày mỏng ra sao, lội ruộng là thế nào. Ban đầu, mọi người đa phần còn hơi rụt rè, nhưng được hướng dẫn viên và người địa phương khuyến khích, họ thích lắm", Phúc kể lại.

Khách Tây trải nghiệm tuốt lúa nếp ở Sapa (Nguồn video: Đỗ Ngọc Phúc).

Những lần đưa đoàn tới Lao Chải, Tả Van (Sapa) nơi phần lớn người dân tộc thiểu số đều làm ruộng, vị hướng dẫn viên du lịch này thường cài thêm một số hoạt động ngẫu hứng để khách tham gia. 

Đơn cử như có lần khách dừng chân ở khu vực có người dân đang cắt cỏ đập lúa tại Sapa, anh xuống nói chuyện trước với người dân, ngỏ ý muốn cho đoàn khách thử trải nghiệm. Người dân đều thân thiện và nhiệt tình hướng dẫn khách nước ngoài cách làm.

"Lúc này, hướng dẫn viên du lịch chỉ đóng vai trò truyền tải ngôn ngữ để kết nối. Trong khi đó thông qua những trải nghiệm, du khách phần nào hiểu thêm về cuộc sống người Việt Nam, biết trân trọng sức lao động khi làm ra từng hạt gạo và có kỷ niệm đẹp khi về nước", Phúc chia sẻ.