Quán cà phê vợt Đà Nẵng ngày bán 300 cốc, hút khách bởi chiêu pha chế "độc"
(Dân trí) - Cà phê vợt bà Liên là một trong những quán cà phê lâu đời nhất ở Đà Nẵng. Nét đặc trưng không chỉ nằm ở tuổi đời của quán mà còn thể hiện ở cách pha chế cà phê theo kiểu cũ, rất độc đáo.
Nép mình trong con hẻm nhỏ đầu đường Phạm Ngũ Lão (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cà phê vợt bà Liên hơn 4 thập kỷ nay vẫn tự tại giữa lòng phố xá nhộn nhịp, nơi lưu giữ hình ảnh và hương vị xưa giờ hiếm tìm lại được.
Bà Võ Thị Bích Liên (59 tuổi) cùng em trai mỗi ngày đều đặn thức dậy vào 3h30 sáng để chuẩn bị thức uống vừa quen mà lạ này.
Quen bởi đa phần mỗi người đều mở đầu buổi sáng bằng một tách cà phê, lạ bởi đã hiếm có quán cà phê nào sử dụng cách pha chế cũ này.
Gọi là cà phê vợt bởi cách pha chế loại cà phê này bằng một chiếc vợt bằng vải mịn, dài, dệt khít. Theo bà Liên chia sẻ, loại vợt này phải đặt từ TPHCM về bởi ở Đà Nẵng không có.
Hiện nay, có rất nhiều quán cà phê mới ra đời với nhiều phong cách lạ, thu hút giới trẻ nhưng quán cóc của bà Liên sau hơn 40 năm vẫn đượm hương cà phê ở một góc bếp cũ.
Hai chiếc bếp than hiu hiu lửa đều đặn mỗi ngày từ tờ mờ sáng đến chiều tối, mùi khói bếp thoang thoảng làm cho không gian quán trở nên gần gũi, ấm cúng một cách lạ kỳ, như đưa những vị khách hồi tưởng lại những thời đã xa.
Bà Liên tâm sự: "Quán cà phê này gắn bó từ thời bà ngoại cho tới bây giờ truyền lại cho bà. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến pha chế là bà ngoại của bà học được khi còn là phục vụ tại quán cà phê vợt ở Sài Gòn".
Hơn 40 năm qua, bất kể mưa nắng, lễ Tết, bà Liên vẫn gắn bó với nghề này, ngày ngày mang đến cho thực khách hương vị cà phê đậm đà, gần gũi.
Mỗi ly cà phê ở đây được quán bán với giá 10.000 đồng, vừa rẻ, vừa chuẩn vị.
"Mỗi ngày bán được 200 - 300 ly cà phê. Nhiều khi khách đông không kịp để bán bởi cách pha chế thủ công cùng với nhân lực chỉ có hai chị em. Tuy nhiên, khách hàng vẫn vui vẻ chờ đợi", bà Liên cho biết.
Bà Liên cởi mở chia sẻ về cách làm một ly cà phê vợt đậm vị. Đầu tiên, nấu nước sôi và chế vào bột cà phê đã được cho vào vợt, ủ một vài phút rồi đánh chín cà phê. Tiếp tục, sử dụng nước cà phê chiết xuất lần 1 rót lại vào vợt lần nữa, ủ 5-7 phút, sau đó chế vào ly cho khách. Vậy là đã có một ly cà phê đậm đà, đúng vị.
"Cách làm tưởng chừng dễ nhưng nhiều người tới học việc, thậm chí những người thân trong gia đình cũng không thể nào pha chế đúng và chuẩn về hương vị của nó", bà Liên cho hay.
Cũng như phong cách và hương vị cổ điển của loại cà phê này, khách đến quán đa phần là những vị trung niên và cao tuổi. Ngoài ra, sự dân dã và hương vị đậm đà của ly cà phê vợt cũng khiến giới trẻ theo đuổi nó.
Anh Nguyễn Quang Vũ (29 tuổi) sinh sống và làm việc ở Quảng Nam. Mỗi ngày, trước khi bắt đầu công việc anh sẽ thức dậy sớm để có mặt tại chỗ ngồi quen thuộc này, nhâm nhi ly cà phê vợt đậm đà hương vị.
Anh Vũ vui vẻ chia sẻ: "Tôi gắn bó với ly cà phê vợt này đã 3 tháng, từ khi biết đến quán cà phê này. Tôi cảm giác mình đã tìm lại được đúng hương vị cà phê truyền thống. Trước kia, tôi có thử những hàng quán khác nhưng vị nhạt, khó khăn lắm mới kiếm được quán cà phê vừa chuẩn vị vừa được hòa cùng không gian đường phố này. Công tôi đi từ Quảng Nam ra đây mỗi ngày cũng đáng."
Hơn 40 năm trôi qua, điều giữ chân khách ở quán cà phê vợt bà Liên không chỉ có ly cà phê vợt đậm đà hương vị. Đến đây người xa lạ cũng hóa thành thân, qua ly cà phê và kết giao, tâm tình chuyện vụn vặt khi sống ở Đà Nẵng. Khách thảnh thơi ngồi bên ly cà phê, ngắm nhìn nhịp sống phố phường.
Trần Ánh