Kỳ lạ xác ướp công chúa sau gần 4.000 năm vẫn đẹp quyến rũ

Hồng Anh

(Dân trí) - Khi khai quật mộ "công chúa Tiểu Hà", tất cả các nhà khảo cổ học đều sửng sốt vì xác ướp được bảo quản quá tốt. Khuôn mặt xác ướp không hề bị tổn hại, hốc mắt sâu, lông mi dài và rậm, sống mũi cao.

Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc là một phần của Con đường tơ lụa, nơi giao thoa của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Từ xa xưa, nơi đây đã là cầu nối giữa con người và văn hóa Á - Âu.

Tại khu vực này, nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hàng trăm xác ướp được bảo quản một cách tự nhiên bởi không khí khô của sa mạc. Những gì còn lưu giữ lại sau hàng nghìn năm đều khiến giới khảo cổ sửng sốt.

Một trong những di chỉ được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu đó là di chỉ Nghĩa trang Tiểu Hà.

Kỳ lạ xác ướp công chúa sau gần 4.000 năm vẫn đẹp quyến rũ - 1
Tổng quan khu di chỉ Nghĩa trang Tiểu Hà (Ảnh: QQ)

Khu vực này được thế giới biết đến lần đầu tiên vào năm 1934. Vào thời điểm đó, nhà khảo cổ học Thụy Điển Bergman đã đến tận Lop Nur, Khu tự trị Tân Cương để khảo sát. Sau nhiều ngày tìm kiếm, Bergman đã thực sự tìm ra nghĩa trang bí ẩn với rất nhiều quan tài.

Tuy nhiên, sau đó, không có hoạt động khai quật thiết thực nào được mở ra. Di chỉ Nghĩa trang Tiểu Hà sau đó chìm vào trong biển cát sa mạc.

Mãi đến năm 2000, các nhà khảo cổ từ Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Tân Cương đã triển khai cuộc tìm kiếm ở sa mạc Lo Nur. Với sự trợ giúp của hệ thống định vị vệ tinh, họ tìm lại được nghĩa trang bị chôn vùi này. Năm 2003, các nhà khảo cổ học chính thức mở cuộc khai quật toàn diện tại Nghĩa trang Tiểu Hà. Những bí mật chôn giấu suốt 4.000 năm dần cũng lộ diện.

Kỳ lạ xác ướp công chúa sau gần 4.000 năm vẫn đẹp quyến rũ - 2
Xác ướp "công chúa Tiểu Hà" (Ảnh: QQ)

Theo QQ, Nghĩa trang Tiểu Hà rất lớn và các nhà khoa học nhận định, nó xuất hiện từ khoảng 3.500-4.000 năm trước, tương đương với thời kỳ nhà Hạ và nhà Thương. 

Tại đây, các nhà khảo cổ đã khai quật được tổng cộng 167 ngôi mộ, trong đó nổi tiếng nhất mộ của là "công chúa Tân Cương" hay còn được gọi là "công chúa Tiểu Hà".

Theo giáo sư khảo cổ học của Đại học Cát Lâm, khi khai quật mộ "công chúa Tiểu Hà", tất cả các nhà khảo cổ học đều sửng sốt vì xác ướp được bảo quản quá tốt. Cô đội mũ màu trắng trên đầu, mái tóc được giữ gìn cẩn thận. Khuôn mặt xác ướp không hề bị tổn hại, hốc mắt sâu, lông mi dài và rậm, sống mũi cao. Vẻ đẹp của "công chúa" này dường như vẫn nguyên vẹn, ngay cả đường viền vẽ trên môi cũng hiện rõ, khóe miệng còn như đang nở nụ cười.

Trên cổ "công chúa" đeo một chiếc vòng cổ bằng dây màu đỏ có đính cườm, tay đeo chiếc vòng hạt ngọc hình ống. Cơ thể được quấn một chiếc áo choàng len lớn màu trắng. Chiếc áo choàng được phủ từ phải sang trái, trên ngực cắm hai chiếc đinh ghim bằng gỗ chạm khắc và hai thanh cây liễu ngắn màu đỏ ở mép bên phải của chiếc áo choàng. Đặc biệt, chân của "công chúa" này còn có một đôi ủng da.

Sau khi các nhà khảo cổ mở tấm áo choàng ra, họ phát hiện cơ thể "công chúa Tiểu Hà" được bao phủ bởi một lớp chất màu trắng. Họ nhận định đây là hợp chất làm từ các sản phẩm từ sữa, có tác dụng bảo vệ cơ thể. Xác ướp được bảo quản gần như hoàn hảo trong hợp chất này.

Kỳ lạ xác ướp công chúa sau gần 4.000 năm vẫn đẹp quyến rũ - 3
Cận cảnh gương mặt xác ướp cách đây khoảng 4.000 năm (Ảnh: The Paper)

Quan tài chứa xác ướp này có hình thuyền, được quấn chặt bằng da bò và chôn sâu dưới lớp cát bên dưới. Trong quan tài của "công chúa" này còn có một ít pho-mát. Dường như khí hậu khô và nóng ở sa mạc đã giúp bảo quản số pho-mát này. Các chuyên gia suy đoán rằng đó có thể là thức ăn được chôn theo người chết, ở thời điểm đó, có vẻ như con người đã có niềm tin vào sự đầu thai.

Căn cứ vào những gì thu thập được từ ngôi mộ, các nhà khoa học cho rằng, chủ nhân xác ướp là người xinh đẹp, có địa vị cao trong xã hội. Đó cũng là lý do họ đặt tên cho xác ướp này là "công chúa Tiểu Hà" để gắn liền với di chỉ Tiểu Hà.

Sau khi thực hiện giám định ADN, nhiều người đã vô cùng sửng sốt khi biết rằng nàng công chúa này là một bông hồng lai giữa hai chủng tộc Á và Âu.

Kỳ lạ xác ướp công chúa sau gần 4.000 năm vẫn đẹp quyến rũ - 4
Nhà khoa học phát hiện "công chúa Tiểu Hà" có hai dòng máu Á-Âu (Ảnh: Sohu)

Sau này, "công chúa Tiểu Hà" được đem đến trưng bày ở nhiều triển lãm, bảo tàng. Nhiều du khách nhận thấy "công chúa Tiểu Hà" dường như đang nở nụ cười trên môi.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng, nụ cười này đến như thế nào và tại sao cô ấy lại có nụ cười ấy thì họ không có cách nào để xác minh từ một quan điểm khoa học. Có lẽ, hậu thế chỉ cần hiểu đó là một điều tốt đẹp mà "công chúa Tiểu Hà" đã để lại cho tất cả mọi người.

Kỳ lạ xác ướp công chúa sau gần 4.000 năm vẫn đẹp quyến rũ - 5

Nhiều du khách nhận thấy "công chúa Tiểu Hà" dường như đang nở nụ cười trên môi (Ảnh: The Paper)

Các nhà khảo cổ sau đó đã tiến hành phục hồi diện mạo của công chúa này bằng phần mềm đồ họa.

Kỳ lạ xác ướp công chúa sau gần 4.000 năm vẫn đẹp quyến rũ - 6

Bản đồ họa phục hồi chân dung "công chúa Tiểu Hà" (Ảnh: QQ)

Bức chân dung khiến người xem trầm trồ bởi một vẻ đẹp hiện đại. Tuy nhiên nhiều người cho rằng khi còn sống, công chúa này có thể đẹp hơn thế rất nhiều lần.

Theo QQ, The Paper