Xác ướp cổ xưa nhất thế giới đang bị phân hủy
(Dân trí) - Một số xác ướp bị mốc, số khác khô mục hoặc bị côn trùng gặm nhấm. Đó là số phận của những xác ướp cổ xưa nhất thế giới đang bị phân hủy dần theo thời gian.
Người tiền sử Chinchorro sống rải rác trên các sa mạc ven biển thuộc Chile và Peru. Họ có tập quán ướp xác, thể hiện một phần tôn giáo của mình. Họ tin rằng, ướp xác là cách kết nối người sống và người chết.
Từ hàng nghìn năm trước Công nguyên, người Chinchorro cổ đại đã ướp xác người thân ở vùng sa mạc khô cằn Atacama thuộc Chile. Các nhà khảo cổ từng thu thập hàng trăm xác ướp từ những cồn cát khô trong sa mạc. Họ đánh giá đây là những xác ướp cổ nhất thế giới, thậm chí tồn tại từ rất lâu trước khi người Ai Cập cổ đại bắt đầu ướp xác.
Nhà khảo cổ học Jannina Campos đi bộ trên những sườn đồi phủ đầy cát tại Arica - thành phố cảng nằm ở rìa sa mạc Atacama - nơi khô nhất hành tinh. Trên sườn đồi có hàng chục cờ màu cam. Mỗi lá cờ đánh dấu từng bộ hài cốt phát lộ do gió mạnh và lượng mưa tăng lên.
"Mỗi khi một xác ướp lộ diện, chúng tôi sẽ đặt một lá cờ và chôn lại bộ hài cốt. Những xác ướp như vậy được bảo quản tại đây suốt 7.000 năm qua", nhà khảo cổ Campos cho biết.
So với người Ai Cập cổ đại, kỹ thuật ướp xác của người Chinchorro phức tạp hơn nhiều. Họ rất cẩn trọng khi ướp xác trẻ nhỏ. Sau khi tách da và cơ quan nội tạng khỏi thi thể, họ bọc bộ xương bằng lau sậy, da sư tử biển, đất sét, lông lạc đà và tóc người. Họ tin rằng, khí hậu khô nóng vùng sa mạc giúp bảo quản xác ướp vĩnh cửu.
Trong thời gian gần đây, các nhà khảo cổ học phát hiện thấy lớp da của một số xác ướp chuyển sang chất nhày màu đen. Giới chuyên gia nhận định, do độ ẩm ở sa mạc ngày càng tăng khiến vi khuẩn sống trong xác ướp phát triển mạnh. Sự hoạt động mạnh mẽ này có thể khiến xác ướp bị phân hủy hoàn toàn.
Bởi vậy, nhóm khảo cổ rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Họ phải tìm cách cứu mọi thứ hay chỉ chôn các bộ hài cốt rồi tập trung vào chuyện bảo tồn, nghiên cứu những xác ướp đã khai quật? Theo ông Bernardo Arriaza, chuyên gia hàng đầu về nền văn minh Chinchorro ở Đại học Tarapacá tại thành phố Arica, các bảo tàng đang bị quá tải.
Độ ẩm vùng sa mạc Atacama tăng khiến những xác ướp bị phá hủy. Một số bị mốc, số khác bị khô mục hoặc bị côn trùng gặm nhấm. "Không có phương pháp màu nhiệm nào. Xương cốt đang dần hóa thành cát bụi", nhà khảo cổ Campos nhận xét.
Sau 20 năm xin cấp giấy chứng nhận, vào tháng 7/2021, xác ướp Chinchorro được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thế giới. Dự án xây dựng một bảo tàng điều hòa không khí trị giá 19 triệu USD trong năm nay gần thành phố Arica có thể góp phần làm chặn lại việc biến mất của các xác ướp cổ xưa nhất.
Nhóm chuyên gia cũng hi vọng chính phủ Chile sẽ đưa ra nhiều biện pháp giúp bảo vệ các xác ướp tốt hơn. "Nếu chúng ta không chú tâm, xác ướp Chinchorro có thể sẽ biến mất vì biến đổi khí hậu", ông Cristian Zavala, thị trưởng thành phố Arica, nhận định.