Hot boy miền Tây bán bánh canh ở TPHCM hút khách nhờ công thức đặc biệt

Mộc Khải

(Dân trí) - Thay vì bán bánh canh cùng các món ăn kèm thông thường như huyết, thịt, gan heo, anh Cường sáng tạo thêm các món mới để thu hút thực khách.

Buổi sáng, ngoài đường xe cộ tấp nập thì trong tiệm bánh canh trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3, TPHCM), anh Huỳnh Thái Cường (SN 1988) cũng tất bật nấu nước dùng, cắt hành lá, ngò, chả... để nấu đồ ăn sáng, phục vụ thực khách.

Hot boy miền Tây bán bánh canh ở TPHCM hút khách nhờ công thức đặc biệt - 1

Anh Phạm Thái Cường chuẩn bị nước dùng để bán đồ ăn sáng (Ảnh: Mộc Khải).

Quán của anh Cường bán bánh canh và bún riêu, nên trở thành điểm ăn uống được nhiều người chọn để lấp đầy dạ dày trước khi đến nơi làm việc. Từ ngoài nhìn vào, quán ăn nhỏ nhắn, ngăn nắp, bàn ghế trong quán cũng được sắp xếp gọn gàng. Trước cửa tiệm đặt 2 nồi nước dùng nghi ngút khói.

Anh Cường cho biết ban đầu, 2 nồi nước dùng được nấu theo công thức giống nhau. Đến những công đoạn cuối, mỗi nồi mới được thêm các gia vị, nguyên liệu đặc trưng để cho ra đời một nồi nước dùng vị ngọt cho bánh canh và một nồi vị chua cho bún riêu.

Bánh canh và bún riêu tại quán của anh Cường có đủ các món phụ ăn kèm quen thuộc như thịt, chả, huyết... kết hợp cùng tiêu, hành thơm phức, kích thích vị giác. Đặc biệt, quán hút khách hơn khi có món gan bằm lạ miệng để ăn kèm với bánh canh, do chính anh Cường sáng tạo ra.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Cường cho biết có nhiều thực khách ăn bánh canh nhưng không thích ăn gan heo truyền thống, vì ngại mùi đặc trưng của gan và vì món này gây ngán. Vì thế, anh đã tìm tòi chế biến ra món gan heo bằm giúp thực khách ngon miệng hơn.

"Thay vì luộc rồi cắt gan heo thành từng lát như thông thường, tôi dành thời gian bằm nhuyễn gan, thịt, mỡ heo, trộn đều cùng các loại gia vị như hành, tiêu, tỏi... Sau khi các nguyên liệu thấm gia vị, tôi chia thành từng cục nhỏ rồi mang đi nấu cùng nước dùng. Nhờ đó nước dùng cũng ngọt hơn", anh Cường nói.

Hot boy miền Tây bán bánh canh ở TPHCM hút khách nhờ công thức đặc biệt - 2

Gan, thịt và mỡ heo được băm nhuyễn trộn cùng nhiều gia vị (Ảnh: Mộc Khải).

Anh Cường cho biết món gan bằm tự chế của anh được nhiều người yêu thích. Thậm chí, có nhiều người không thích ăn gan heo truyền thống, vẫn bị hấp dẫn bởi món này.

Anh thừa nhận, bán bánh canh cùng "gan kiểu mới" tốn nhiều công sức và nguyên liệu hơn, nhưng nhờ đó món ăn của anh hấp dẫn hơn, được nhiều người yêu thích hơn.

Ngoài ra, thay vì bán thịt cắt lát như thông thường, anh Cường cũng chuyển sang bán bánh canh, bún riêu kèm thịt xay nhuyễn vò viên. Anh nói tuy đây không phải điều mới lạ, nhưng dễ ăn, phù hợp với cả người lớn và trẻ em.

Hot boy miền Tây bán bánh canh ở TPHCM hút khách nhờ công thức đặc biệt - 3

Thay vì bán bánh canh với thịt cắt lát, anh Cường bán thịt viên cho thực khách đỡ ngán (Ảnh: Mộc Khải).

Hot boy miền Tây bán bánh canh ở TPHCM hút khách nhờ công thức đặc biệt - 4

Tô bánh canh với gan bằm, thịt viên, huyết, chả, có giá 35.000 đồng (Ảnh: Mộc Khải).

Tính đến nay, quán ăn của anh Cường mới mở cửa khoảng 2 tháng nhưng đã có được lượng khách quen nhất định. Quán bán từ sáng đến tối, chỉ nghỉ trưa từ 14h đến 16h.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Ngô Thị Kim Liên (58 tuổi, quận 3) cho biết sau khi ăn thử bánh canh và món gan bằm mới lạ tại quán, bà rất thích nên thường xuyên quay trở lại quán để ăn.

Bà Liên nói: "Tôi thấy hương vị bánh canh cũng vừa miệng, nước dùng không quá đặc biệt nhưng món gan bằm rất lạ. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn món này, thấy ngon, không ngán.

Ban đầu nhìn không gian quán tôi cứ tưởng quán của người Bắc, món ăn hương vị Bắc, ăn rồi mới biết món đậm đà hương vị miền Tây. Ngoài đồ ăn, tôi cũng rất thích Cường, vừa đẹp trai lại vừa giỏi giang. Nếu có con gái, chắc tôi sẽ gả cho Cường" (cười lớn).

Hot boy miền Tây bán bánh canh ở TPHCM hút khách nhờ công thức đặc biệt - 5

Thực khách nhận xét món gan bằm khiến tô bánh canh tại quán thêm hấp dẫn (Ảnh: Mộc Khải).

Gia đình anh Cường vốn ở Cần Thơ, lên TPHCM sinh sống nhiều năm. Anh cho biết vì muốn lan tỏa hương vị ẩm thực miền Tây nên anh chọn bán bánh canh, bún riêu.

"Tôi ăn và cảm nhận rồi cứ nấu theo hiểu biết của mình thôi, không có công thức gì đặc biệt. Có điều tôi luôn không ngừng sáng tạo thêm các món ăn kèm, để phần ăn mình bán thêm đặc biệt hơn", anh nói.

Anh tâm sự, bán đồ ăn luôn không phải chuyện nhẹ nhàng, nhưng anh cảm thấy rất vui khi làm việc bởi anh được gần gia đình, có nhiều thời gian bên cha mẹ.

Anh cho biết thêm, trước đây, gia đình anh Cường bán chè ở quận 10, mỗi tháng thu về hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, quán chè của gia đình anh phải đóng cửa, trả mặt bằng.

Sau dịch, anh Cường và gia đình chuyển sang quận 3 bán bánh canh, bún riêu. Tuy thu nhập không bằng thời điểm bán chè, nhưng gia đình anh lúc nào cũng hạnh phúc, vui vẻ.

"Nếu tôi chọn một công việc nào khác, tôi cũng có thể kiếm ra tiền, sống thoải mái. Nhưng tôi chọn buôn bán đồ ăn, để cùng cha mẹ sớm tối bên nhau. Mỗi ngày, cha mẹ vừa phụ tôi bán đồ ăn, vừa bán thêm nước uống ở bên cạnh để có thêm thu nhập. Cha mẹ tôi đã lớn tuổi, nên với tôi, có nhiều thời gian bên cha mẹ mới là điều quan trọng", anh Cường tâm sự.