1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Quán bánh canh hàng "độc" ngày bán 800 tô, từ lúc giá chỉ 2.000 đồng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Gần 11 năm qua, quán bánh canh cua của bà Trần Thị Thạnh ở TPHCM khiến nhiều thực khách mê mẩn bởi hương vị lạ. Quán bánh canh tiêu thụ 800 tô/ngày, từ lúc chỉ 2.000 đồng, nay đã 35.000 đồng.

Hương vị nhà làm

Quán bánh canh hàng độc ngày bán 800 tô, từ lúc giá chỉ 2.000 đồng - 1

Tô bánh canh cua xứ Huế độc nhất ở TPHCM. Sợi bánh to, dày, nước dùng đặc sệt là thứ níu chân khách hàng nhiều năm qua (Ảnh: Nguyễn Vy).

Vừa mở cửa chỉ mới vài phút, quán bánh canh cua "Mạ tôi" (nằm trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã tấp nập thực khách chờ đến lượt. Không ít khách hàng trung thành đã ăn ở đây từ khi tô bánh canh có giá 2.000 đồng. 

Theo chị Lê Thị Hà Phương (26 tuổi, chủ quán), trước đây phải hơn 15h mới mở hàng nhưng giờ phải đẩy lên, từ 14h30 do nhiều khách đến sớm, ngỏ ý "thèm" quá, thúc quán dọn ra sớm hơn. 

Mỗi ngày, cả nhà chị Phương dậy từ 7h để tự tay chế biến sợi bánh canh, chả lụa và một số nguyên liệu khác. Bà chủ phải chuẩn bị hơn 6 nồi nước dùng, 20kg cua bể, 25kg chả, 100kg bột làm bánh để đủ bán hơn 800 tô bánh canh. Riêng ngày cuối tuần, ngày lễ, quán bánh canh cua có thể bán gần 900 tô.

Thực khách tấp nập, liên tục gọi món. Chị Phương không ngừng tay múc bánh, từ khi mở cửa cho đến 22h mới nghỉ. Tại đây, bánh canh dao động từ 35.000 - 55.000 đồng/tô, rẻ nhất sẽ có cua, bánh còn cao nhất sẽ có đầy đủ "topping" ăn kèm như huyết, chả lụa, giò,…

Không giống những quán khác, bánh canh cua "Mạ Tôi" có sợi bánh được làm từ bột gạo và bột năng, sợi bánh to, dày hơn hẳn. Khi ăn, sợi bánh có phần dẻo mà lại nhanh chóng tan ngay trong miệng. 

Chị Hà Phương cho hay, nhiều người thường biết đến Huế với món bún bò, nhưng thật ra còn nhiều món ăn ngon khác. Vì vậy, gia đình chị chọn bánh canh cua để lan tỏa thêm đặc sản xứ Huế đến xứ Nam Bộ. Món ăn này có nguồn gốc từ bánh canh Nam Phổ hay, còn gọi là bánh canh cua cá lóc.

Quán bánh canh hàng độc ngày bán 800 tô, từ lúc giá chỉ 2.000 đồng - 2

Chị Phương thoăn thoắt, luôn tay đảo đều để sợi bánh không bị dính ở đáy nồi (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thứ níu chân thực khách suốt hàng chục năm qua, chính là hương vị vừa mặn, chua, ngọt trong nước dùng. Hương vị này được nấu bằng công thức gia truyền, được chị Phương bật mí là nấu bằng cái "tâm".

Quán bánh canh cua xứ Huế "độc nhất" ở TPHCM, ngày bán 800 tô (Video: Ngà Trịnh).

"Mẹ thường dặn chúng tôi bán theo kiểu phân biệt "tầng lớp". Nói vui là vậy, vì đối với những người lao động tay chân, không có nhiều tiền, mẹ dặn chúng tôi múc nhiều một chút để họ có sức đi làm tiếp. Ngoài ra, mẹ cũng hầm xương lâu hơn để nước dùng được ngọt, phù hợp với khẩu vị của người miền Nam", chị Phương kể.

Quán bánh canh hàng độc ngày bán 800 tô, từ lúc giá chỉ 2.000 đồng - 3

Mọi nguyên liệu được gia đình tự tay làm, đảm bảo nguồn gốc thực phẩm (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tám cô con gái và cái tên "Mạ tôi"

Ban đầu gia đình định đặt tên quán là "Mạ tui" cho giống giọng điệu ở Huế, nhưng lại đổi sang "Mạ tôi" để phù hợp với cách dùng từ đại chúng. Nhắc đến cái tên này, chị Hà Phương giải thích, đó là cách mà 8 chị em trong nhà muốn tưởng nhớ về những tần tảo, hi sinh của mẹ.

Hà Phương kể, mẹ chị là bà Trần Thị Thạnh (65 tuổi), một tay nuôi 8 con, từ khi cảnh nhà vô cùng nghèo khó. Bà đã quyết tâm rời Huế, để 8 đứa con gái ở nhà nhờ người quen trông giúp, rồi một mình vào TPHCM lập nghiệp. Mong thoát cảnh nghèo, bà Hạnh bất chấp vất vả, lăn lộn làm ăn trong chuyến đi xa quê lần đầu tiên trong đời. 

"Mẹ chọn TPHCM vì tin rằng người miền Nam sống phóng khoáng, cởi mở, thoải mái làm ăn. Tại mảnh đất này, dù có làm nghề gì đi nữa, miễn là chân chính, thì đều được tôn trọng. Mẹ cũng nghe nhiều người nói khẩu vị của người Nam rất đa dạng nên thị trường ở đây khá tiềm năng", Hà Phương kể.

Quán bánh canh hàng độc ngày bán 800 tô, từ lúc giá chỉ 2.000 đồng - 4

Nhiều người đến đây ăn vì tò mò món bánh canh xứ Huế. Không ít người là khách quen đã ăn hàng chục năm, bởi mê cái vị nước lèo mẹ nấu (Ảnh: Nguyễn Vy).

Năm 2012, bà Thạnh đặt chân đến thành phố hoa lệ với hai bàn tay trắng. Thời gian đầu, do không biết chữ, bà gặp khó khăn trong việc tìm đường. Vốn là người gốc Huế, bà cũng gặp bất đồng ngôn ngữ, văn hóa vùng miền không ít lần. Nhưng sau đó, với bản tính hiền lành, chân thật, bà nhận được nhiều quý mến, giúp đỡ từ những người miền Nam nên những trắc trở ban đầu cũng chóng qua. 

Ngày bà Thạnh bày gánh bánh canh ra bán, người dân địa phương lấy làm lạ nhưng cũng hào hứng ghé ăn ủng hộ. Thoạt đầu, bà Thạnh bán một tô với giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng, rất hợp túi tiền nên người lao động, sinh viên, học sinh đến ăn không đếm xuể.

Thấy công việc làm ăn khấm khá, bà lần lượt đón 8 cô con gái vào, vừa cho đi học vừa phụ mẹ bán hàng. Năm 2014, bà Thạnh mở thêm chi nhánh thứ hai. Đến năm 2022, bánh canh "Mạ tôi" đã có đến năm chi nhánh.

Quán bánh canh hàng độc ngày bán 800 tô, từ lúc giá chỉ 2.000 đồng - 5

Đối với những người lao động chân tay, bà Thạnh ưu tiên múc lượng nhiều hơn để có sức làm việc (Ảnh: Nguyễn Vy).

Gần 11 năm làm ăn xa xứ, chị Hà Phương chia sẻ có rất nhiều kỷ niệm buồn, vui với mẹ. Nhớ nhất là hôm trời mưa to, nồi bánh canh của những người con bị nước tràn vào, bếp than thì không thể nhóm được. 

Lúc đó, bà Thạnh đang bán ở chi nhánh khác, liền lật đật chạy xuống. Trên tay bà Hạnh là đống than còn đỏ lửa, đựng trong gáo dừa để tiếp tế cho con.

"Mẹ tôi giúp đỡ, hỗ trợ các con theo cách rất đặc biệt. Quán nào dựng lên, qua thời gian đầu khó khăn, khi đã đắt khách, bà lại nhường cho các con bán rồi lại đi tìm, mở chi nhánh khác. Tên quán "Mạ tôi" chúng tôi thống nhất cùng sử dụng là để sau này mẹ có ra đi, chúng tôi vẫn không thể quên được những gì mẹ đã làm cho con cái", chị Hà Phương tâm sự.