Hội An thông tin về nghi vấn mất cắp đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu

Công Bính

(Dân trí) - Liên quan đến nghi vấn nhiều đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu "biến mất" sau khi trùng tu, đại diện Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho hay, thông tin này là không đúng sự thật.

Một tài khoản trên mạng còn đặt nghi vấn "mất cắp khi bảo tồn" đối với các đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu, kèm theo đó là hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu để so sánh.

Một số người khác cũng đăng lên mạng xã hội 2 hình ảnh về Chùa Cầu trước và sau trùng tu, cho rằng các đĩa cổ trên mái Chùa Cầu đã không còn, thay vào đó là đĩa mới.

Hội An thông tin về nghi vấn mất cắp đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu - 1

Người dùng mạng xã hội đăng tải thông tin không chính xác về các đĩa trên mái Chùa Cầu (Ảnh mạng xã hội).

Chiều 1/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho hay, nội dung mất đĩa cổ trên mái Chùa Cầu sau khi trùng tu được đăng tải trên mạng xã hội là xuyên tạc, vu khống.

Ông Ngọc khẳng định, toàn bộ đĩa mặt tiền diềm mái phần cầu được đánh số và tận dụng trở lại vị trí cũ đến 80%. Hai đầu cầu chỉ thay một số vị trí đĩa đã mất hoàn toàn. Bờ nóc, bờ chảy các đĩa gốc bị nứt nhẹ, xử lý và trả lại.

Ngoài ra, một số đĩa mặt tiền bờ nóc có làm mới tại các vị trí đã mất hoàn toàn. Chi tiết cụ thể có hình ảnh hiện trạng đã chụp, ghi chép và hoàn thành thực tế.

Ông Phạm Phú Ngọc thông tin thêm, bản thân hệ mái đã tu bổ năm 1986 và 1996. Sau khi khánh thành sẽ có chuyên đề lớn hơn mang tầm quốc gia về trùng tu di tích qua vụ Chùa Cầu.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An - cũng cho biết, hình ảnh và thông tin trên mạng có ác ý, không chính xác. Đĩa lắp trên Chùa Cầu sau khi trùng tu hầu hết sử dụng lại đĩa cũ. Ngoài ra, đây cũng không phải đĩa cổ mà có từ đợt trùng tu năm 1986.

Hội An thông tin về nghi vấn mất cắp đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu - 2

Chùa Cầu khi chưa trùng tu (Ảnh: Công Bính).

Hội An thông tin về nghi vấn mất cắp đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu - 3

Chùa Cầu sau khi trùng tu, các đĩa trên mái Chùa Cầu được tận dụng lại, nhiều cái bị mất và được thay thế đĩa mới (Ảnh: Trần Ánh).

Những ngày qua, sau khi tháo dỡ nhà bảo vệ trong quá trình trùng tu, Chùa Cầu lộ diện và nhận nhiều ý kiến trái chiều về hình ảnh mới sau trùng tu. Nhiều ý kiến cho rằng, việc trùng tu Chùa Cầu đã biến di tích 400 tuổi thành "di tích 1 tuổi", "làm mới di tích"…

Tuy nhiên, đa số nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành ủng hộ hình ảnh Chùa Cầu sau trùng tu.

Một vấn đề khác cũng làm dân mạng xã hội bình luận sôi nổi, đó là sự bất nhất giữa lãnh đạo thành phố Hội An và Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khi trao đổi với báo chí về màu sơn của Chùa Cầu.

Lãnh đạo thành phố Hội An cho hay sẽ điều chỉnh màu sơn Chùa Cầu, còn lãnh đạo Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khẳng định sẽ giữ nguyên màu sơn.

Chiều 30/7, thợ quét vôi đã quét thêm lớp vôi có màu sậm hơn đè lên lớp vôi màu trắng đã quét trước đó. Điều này khiến dư luận một lần nữa bàn tán xôn xao.

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - khẳng định, màu trắng dưới lan can phía bờ sông là màu vôi truyền thống từ xưa nhưng xung quanh làm chưa đồng bộ nên màu trắng nổi lên, cần xử lý cho màu trắng không nổi quá.

Về màu sơn mặt dưới lan can Chùa Cầu phía sông Hoài đã "sậm" hơn, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An - cho biết, chiều 30/7 đã cho thợ quét vôi lại mảng tường dưới lan can phía sông Hoài.

"Cái này là do quét vôi theo quy trình có nhiều nước, quét lại nước thứ 2 thôi, màu sắc không thay đổi. Quét vôi luôn có nước lót màu trắng và 2 nước màu. Phần công trình chính màu đã hoàn thiện sẽ không quét thêm", ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm