Hết thời "nói cũng ra tiền", HDV du lịch Việt... "treo giò" làm công nhân

Thảo Trinh

(Dân trí) - Từ một HDV du lịch kiếm vài chục triệu đồng/tháng, anh N. bỗng mất việc, phải xoay sở đủ nghề mưu sinh. Thử sức nhiều công việc, cuối cùng anh phải xin làm công nhân thời vụ, cầm cự qua ngày.

Theo nghề gần 8 năm bỗng "treo giò"... chỉ sau 1 đêm

Từ tháng 3 đến nay, cuộc sống của anh N.V.N (34 tuổi, ở quận Long Biên, HN) - một HDV du lịch chuyên dẫn khách châu Âu đã có nhiều thay đổi lớn. Lần đầu tiên, anh chấp nhận tạm dừng công việc mình yêu thích và gắn bó gần 8 năm qua.

Anh N. tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ của Đại học Ngoại ngữ và bắt đầu dẫn tour, theo nghề từ năm 2012. Là người năng nổ, hoạt náo nên anh N. rất được lòng du khách. Công việc cứ thế càng thuận lợi, suôn sẻ.

Không chỉ thỏa mãn đam mê xê dịch, được giới thiệu tới du khách những địa danh nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc mà nghề hướng dẫn viên còn đem lại cho anh nguồn thu nhập dồi dào.

Hết thời nói cũng ra tiền, HDV du lịch Việt... treo giò làm công nhân - 1
Những tour ngắn vài ba ngày cho đến những chuyến đi cả nửa tháng, anh N. chăm chỉ "cày cuốc" nên mỗi tháng trung bình kiếm được vài chục triệu đồng.

Với nguồn thu nhập ổn định, công việc nhiều thuận lợi, anh hy vọng sẽ tiết kiệm được khoản lớn để đầu tư các dự định trong tương lai. Những "người tính không bằng trời tính", đầu tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ngành du lịch trong nước gần như "đóng băng".

Không còn khách quốc tế nhập cảnh, công ty đóng cửa, anh N. bỗng chốc mất việc. Thời gian đầu, anh chấp nhận "treo giò" và chờ đợi dịch sớm chấm dứt để trở lại công việc. Thế nhưng khi dịch diễn biến phức tạp và kéo dài, anh buộc phải xoay xở đủ cách để kiếm sống.

Chuyển nghề làm công nhân, thu nhập "tụt dốc", sụt 10kg vì áp lực

Tính làm những công việc liên quan đến chuyên ngành ngôn ngữ như phiên dịch, gia sư,... nhưng không ổn định, anh chuyển sang lái xe ôm công nghệ rồi giao hàng,... Cuối cùng, anh xin làm công nhân thời vụ tại một nhà máy ở khu công nghiệp gần nhà.

Ban đầu, áp lực vì phải từ bỏ nghề nghiệp yêu thích, "hái ra tiền" để làm công việc lao động tay chân khá nặng nhọc, anh N. sụt khoảng 10kg. Từ chàng HDV cao to, phong độ khoảng 1m77, 74kg, sau vài tháng, anh chỉ còn 64kg, người gầy rạc. Chưa kể, anh vốn bị xoang mũi, làm trong môi trường bụi bặm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Cân nhắc nhiều nghề nhưng đều không ổn, tôi đành đi làm công nhân thời vụ. Có nhiều vị trí phù hợp nhưng tôi không muốn họ mất công đào tạo rồi mình bỏ giữa chừng vì đây chỉ là công việc tạm thời. Chờ dịch bệnh kết thúc, tôi sẽ quay lại làm du lịch chứ không muốn chuyển nghề", anh N. nói.

Bắt đầu công việc mới, anh N. gặp khó khăn. Là HDV giàu kinh nghiệm nhưng khi chuyển nghề, anh trở thành nhân viên mới cần học hỏi thêm. Phần vì tuổi tác khác biệt so với nhiều công nhân trẻ, lại ít kỹ năng, chuyên môn hơn cũng là rào cản đối với anh.

Hết thời nói cũng ra tiền, HDV du lịch Việt... treo giò làm công nhân - 2
Nhớ lại thời kỳ cao điểm, tiền kiếm được đếm mỏi tay, anh N. lại ngậm ngùi với mức thu nhập "bèo bọt" hiện tại từ nghề công nhân.

Nếu trước đây, anh dẫn khách đi du lịch, chỉ "nói cũng ra tiền" thì nay phải luôn chân luôn tay để kịp tiến độ nhà máy. Mỗi tháng, tùy theo hiệu quả công việc, anh nhận về khoảng 6-8 triệu đồng, con số khác biệt hoàn toàn so với mức lương từ nghề HDV trước đó.

Vì hai vợ chồng đang "còng lưng" trả góp căn nhà mới mua nên số tiền này tạm đủ để anh san sẻ chi phí sinh hoạt với vợ. Một số khoản chi tiêu khác cũng buộc phải cắt giảm. "Tình hình khó khăn nên bé nhà mình không thể tham gia các lớp học năng khiếu như trước nữa. Cả nhà cũng thắt chặt chi tiêu tối đa. Không mua sắm thêm gì cả, đồ ăn nhờ bố mẹ gửi cho. Trừ khoản tiền phải trả nợ ngân hàng mỗi tháng thì hai vợ chồng chỉ còn đủ phí sinh hoạt cần thiết", anh N. chia sẻ.

Dù khó khăn nhưng anh N. cảm thấy vẫn còn may mắn. Bởi đại dịch xuất hiện đã tàn phá nặng nề ngành du lịch. Nhiều đồng nghiệp của anh cũng phải bỏ nghề, xoay xở đủ thứ việc để mưu sinh.

Anh cho hay, dù mỗi người một nghề nhưng ai cũng cố gắng lạc quan, động viên nhau vượt qua khó khăn này. Chờ khi dịch chấm dứt, du lịch phát triển trở lại, anh N. cùng đồng nghiệp sẽ bắt đầu làm lại, tiếp tục với công việc đam mê của bản thân.