Du khách hào hứng chơi bài chòi ở phố biển Quy Nhơn

Doãn Công

(Dân trí) - Liên hoan CLB Nghệ thuật bài chòi dân gian lần đầu tiên được tổ chức ở TP Quy Nhơn, Bình Định thu hút đông đảo người dân và du khách trải nghiệm trong kỳ nghỉ lễ 2/9.

Liên hoan Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật bài chòi tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022, quy tụ hơn 250 nghệ nhân của 8 CLB bài chòi dân gian trong tỉnh Bình Định và 5 CLB bài chòi đến từ 5 tỉnh, thành khu vực miền Trung, gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa.

Du khách hào hứng chơi bài chòi ở phố biển Quy Nhơn - 1

Liên hoan bài chòi mở rộng tỉnh Bình Định ở phố biển Quy Nhơn (Ảnh: Doãn Công).

Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định - cho biết liên hoan bài chòi tỉnh Bình Định mở rộng diễn ra từ ngày 30/8 đến 1/9.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm phát huy giá trị di sản bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh. Đặc biệt, đây là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm về thực hành, truyền dạy nghệ nhân trẻ kế thừa di sản bài chòi.

Du khách hào hứng chơi bài chòi ở phố biển Quy Nhơn - 2

Người cầm chịch cuộc chơi bài chòi gọi là anh Hiệu (Ảnh: Doãn Công).

Khép lại chương trình liên hoan, ban tổ chức đã trao giải nhất cho CLB bài chòi huyện Tuy Phước; CLB bài chòi TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và tỉnh Phú Yên đạt giải nhì; CLB bài chòi thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ và các tỉnh, thành gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa đồng đạt giải ba.

Theo ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sự thành công của liên hoan khẳng định nghệ thuật bài chòi dân gian luôn gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của người dân Bình Định nói riêng, miền Trung nói chung.

Du khách hào hứng chơi bài chòi ở phố biển Quy Nhơn - 3

Chơi bài chòi ở Bình Định, người thắng cuộc mang về chiến lợi phẩm là những đặc sản của Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Nghệ thuật bài chòi chứa đựng cả âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, chuyển tải các thông điệp về tình yêu quê hương đất nước và gắn kết cộng đồng.

Liên hoan lần này góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhà quản lý, đội ngũ nghệ nhân, người dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.