Quảng Nam:

Người giữ lửa những câu hát bài chòi ở làng Thu Bồn

Ngô Linh

(Dân trí) - Ở tuổi 60, nghệ nhân Trần Văn Lộc trú làng Thu Bồn Đông (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn mải mê sưu tầm, sáng tác và biểu diễn bài chòi phục vụ nhân dân.

Trái tim luôn đau đáu với nghệ thuật bài chòi

Có dịp ghé thăm ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Trần Văn Lộc (60 tuổi, người dân yêu mến gọi nghệ danh Minh Lộc), chúng tôi may mắn gặp được ông trước khi nghệ nhân lên đường biểu diễn bài chòi "xuyên Tết" Quý Mão 2023, phục vụ người dân khắp tỉnh Quảng Nam.

Người giữ lửa những câu hát bài chòi ở làng Thu Bồn - 1

Nghệ nhân bài chòi Trần Văn Lộc.

"Hơn 20 năm nay, tôi chưa từng đón Tết cùng gia đình, nhìn mọi người đoàn viên lắm lúc cũng chạnh lòng. Nhưng tôi xem việc biểu diễn bài chòi phục vụ quần chúng vui xuân, đón Tết là nghĩa vụ cao cả, được sự yêu mến nồng nhiệt của mọi người thì bao vất vả cũng vơi đi", nghệ nhân Trần Văn Lộc bày tỏ.

Nhấp ngụm trà nóng để xua đi cái lạnh đầu xuân, nghệ nhân Trần Văn Lộc kể, từ nhỏ ông đã có năng khiếu hát dân ca, biểu diễn văn nghệ, sau đó tham gia vào đội thông tin lưu động xã Duy Tân. Năm 1999, ông Lộc được theo học nghệ thuật bài chòi từ Nghệ nhân ưu tú Lương Đáng (TP Hội An, Quảng Nam).

Chính từ cơ duyên đó, với niềm đam mê biểu diễn và nghiên cứu sáng tác, nghệ nhân Trần Văn Lộc dành gần cả cuộc đời âm thầm giữ hồn cho những điệu hát bài chòi dân gian xứ Quảng.

Người giữ lửa những câu hát bài chòi ở làng Thu Bồn - 2

Ngoài việc đồng áng, ông dành thời gian sưu tầm, sáng tác và biểu diễn bài chòi.

"Với niềm đam mê dành cho những câu hát bài chòi, ngoài thời gian "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên đồng ruộng, tôi lại tranh thủ sưu tầm, sáng tác những điệu hát mới. Đến nay, 30 con bài chòi tôi đều biết cách hò và có những con bài có nhiều lời hát khác nhau", ông Lộc chia sẻ.

Ông Lộc cho biết, hát bài chòi không khó, nhưng phải biết luyến láy để chạm trái tim người nghe, khi thì da diết, lúc rộn ràng nhằm chuyển tải hết nội dung một câu chuyện trọn vẹn.

Ở mỗi thời điểm khác nhau, bài chòi được bổ sung thêm những làn điệu, sắc thái khác nhau theo từng địa phương và tích hợp thêm những yếu tố văn hóa âm nhạc của các vùng miền, làm phong phú thêm làn điệu bài chòi.

Hiện ông là một trong số không nhiều nghệ nhân hát bài chòi nổi tiếng của Quảng Nam. Nghệ nhân Trần Văn Lộc xem việc biểu diễn, phục vụ bài chòi là niềm đam mê, là trách nhiệm phải lưu giữ và quảng bá để nghệ thuật dân gian bài chòi - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sống mãi trong lòng người dân xứ Quảng nói riêng.

Câu lạc bộ bài chòi của những "nghệ nhân nông dân"

Được thành lập vào năm 1999, đến nay, câu lạc bộ (CLB) hát dân ca bài chòi xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên đã đi được một chặng khá dài với vốn quý văn nghệ dân gian xứ Quảng.

Từ 5 thành viên ngày đầu thành lập, CLB đã duy trì hoạt động, phát hiện và bổ sung nhân lực để có con số 10 thành viên hiện tại, người lớn nhất đã xấp xỉ tuổi 70, người trẻ nhất mới ngoài 30.

Hiếm có CLB dân ca bài chòi cấp xã nào ở Quảng Nam mà thời gian hình thành, tồn tại lâu dài như CLB hát dân ca bài chòi xã Duy Tân. Cả 10 thành viên đều là những người nông dân một nắng hai sương trên đồng đất quê nhà, vì yêu câu hát dân ca, vì phong trào văn nghệ của địa phương mà tự nguyện cùng nhau gắn kết.

Người giữ lửa những câu hát bài chòi ở làng Thu Bồn - 3

CLB hát dân ca bài chòi xã Duy Tân biểu diễn trong một hội thi (Ảnh: VHTT huyện Duy Xuyên).

Không chỉ duy trì hoạt động thường xuyên hàng tháng hay những suất diễn phục vụ lễ, tết, các thành viên CLB còn liên tục có những đêm biểu diễn theo lời mời của các địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.

Nghệ nhân Trần Văn Lộc chính là Phó Chủ nhiệm CLB, trưởng đoàn biểu diễn. Hơn 20 năm gắn bó với CLB, ông nói: "Nhiều lúc anh chị em còn phải tự bỏ tiền túi để được hát. Ban ngày họ là nông dân, đêm đến khoác lên bộ đồ anh hiệu, chị hiệu, không cần son phấn, họ "cháy" bằng tình thương của khán giả".

Điều đáng mừng là bên cạnh những thành tích đạt được ở các hội thi, hội diễn, CLB được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang phục, đạo cụ khá bài bản để hoạt động. Đây là động lực để anh chị em chuyên tâm hoạt động, đầu tư những chương trình, tiết mục hay phục vụ đời sống tình thần của bà con trong và ngoài xã.

Bà Lê Thị Hòa (55 tuổi, thành viên CLB) đã nghỉ một thời gian nhưng bỏ không đành lại quay về CLB.

"Tham gia CLB tôi thấy mình trở nên yêu đời hơn, tươi trẻ hơn, quên đi bộn bề cuộc sống. Chúng tôi ít có thời gian tập tành với nhau, anh chị em trao đổi câu hát sau đó phần ai người nấy tập, lúc đi làm ruộng cũng hát, làm việc nhà cũng hát. Vậy mà khi biểu diễn lại "hợp rơ" đến lạ", bà Hòa cười nói.

Người giữ lửa những câu hát bài chòi ở làng Thu Bồn - 4

Bà Lê Thị Hòa - thành viên CLB hát dân ca bài chòi xã Duy Tân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên khẳng định: "Nhờ có CLB này làm nòng cốt, các chương trình văn nghệ được xây dựng theo hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mang sắc thái riêng, để lại dấu ấn đậm nét cho người xem".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm