DNews

Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Trước bối cảnh vật giá leo thang, nhiều gia đình tại TPHCM cho biết, nếu chỉ có 500.000 đồng đi chợ/ngày, họ phải "thắt lưng buộc bụng" mua đồ bình dân thay vì thịt bò, hải sản, cá hồi...

Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu

Tổng Cục thống kê vừa công bố Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian, trong đó, TPHCM là địa phương có mức giá đắt đỏ đứng thứ hai cả nước trong năm 2023, chỉ sau Hà Nội. Trong bối cảnh "giá cả như trực thăng cất cánh", nhiều gia đình ở TPHCM buộc phải dè sẻn chi tiêu để có thể bám trụ trên mảnh đất này. 

Trong một hội nhóm về tài chính tiêu dùng, khi phóng viên Dân trí đặt vấn đề về việc "Cầm 500.000 đồng đi chợ ở TPHCM, mua được những gì?", không ít dân mạng đã chia sẻ những câu chuyện thực tế của họ trước việc giá cả "leo thang", thái độ ngao ngán mỗi khi xách giỏ đến chợ....

"Thịt ba rọi 130.000 đồng/kg, sườn non 140.000 đồng/kg, đây là giá sáng nay tôi mới đi ở chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận, TPHCM). Trong khi hôm trước, tôi mua ba rọi chỉ 120.000 đồng/ký, mới mấy ngày tăng hẳn 20.000 đồng. Thời buổi này đi chợ phải tính tới tính lui", một tài khoản để lại bình luận. 

Tài khoản L.M.H viết: "Ở chợ đầu mối, cà chua 30.000 đồng/kg, rau các loại cũng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng nhảy lên 30.000-40.000 đồng. Vật giá nhảy theo giá vàng". 

Song, bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng 500.000 đồng là khá thoải mái cho một buổi đi chợ nếu người tiêu dùng biết "cân đo đong đếm", chọn ăn uống các thực phẩm có giá bình dân. 

Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu - 1

Trong bối cảnh vật giá leo thang, nhiều người cho biết, cầm 500.000 đồng đi chợ cũng phải đắn đo để lựa đủ đồ ăn trong ngày (Ảnh: Huỳnh Quyên).

Cầm 500.000 đồng đi chợ vẫn không đủ tiền ăn?

Một buổi sáng theo chân anh Trần Đông Thức (35 tuổi, ngụ ở quận 8, TPHCM) đến một siêu thị nhỏ. Cầm 500.000 đồng trên tay, anh Thức không khỏi đắn đo, cân nhắc để lên thực đơn cho gia đình gồm 3 người: Vợ chồng anh và con trai 2 tuổi. 

Sau một hồi tính toán, anh Thức quyết định mua một con cá lóc giá 90.000 đồng (khoảng 1,2kg). Sau đó, anh đến quầy rau củ để mua thêm cà chua, bạc hà và rau mùi. Tuy nhiên, sau khi tham khảo giá của từng món, anh Thức quyết định mua gói nguyên liệu hỗn hợp (gồm bạc hà, đậu bắp, rau mùi) giá khoảng 45.000 đồng. Anh Thức cũng với tay lấy thêm gói cải thìa với giá 30.000 đồng. 

Đến quầy trái cây, anh Thức chọn mua nửa quả thơm (42.000 đồng/kg) kèm 1kg xoài cát hòa lộc giá 70.000 đồng/kg. Sau cùng, anh lấy thêm 2 túi gạo (mỗi túi 5kg) với giá 280.000 đồng. Kết thúc buổi đi chợ, anh Thức thanh toán hóa đơn với số tiền là 560.000 đồng. 

Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu - 2

Theo anh Thức, mặc dù đặt chỉ tiêu cho buổi đi chợ là 300.000 đồng, nhưng đa số đều phát sinh hơn 500.000 đồng khi phải mua thêm gạo, gia vị, dầu ăn... (Ảnh: Huỳnh Quyên).

Anh Thức cho biết: "Bình quân gia đình tôi dành khoảng 300.000 đồng cho một lần đi chợ, gồm 3 bữa cơm trong ngày. Bữa cơm tiêu chuẩn của gia đình tôi thường có món canh, món xào, món mặn kèm trái cây tráng miệng. Giá thịt đùi bò hôm nay đã 265.000 đồng/kg, nếu chọn ăn bò thì tôi cắt bớt đi món canh hoặc trái cây tráng miệng. Sau khi cân nhắc, tôi nghĩ nên ăn cá để đảm bảo chi tiêu hơn. 

Tôi chọn mua cá lóc vì có thể dùng phần đầu và đuôi để nấu canh chua, phần thân cá để chiên hoặc kho là được 2 món. Về trái cây tráng miệng, gia đình tôi thường ưu tiên chọn trái cây nhiệt đới (xoài, ổi, đu đủ) vì giá rẻ hơn, tuy nhiên tôi không ngờ giá thành của các loại quả này cũng tăng đáng kể".

Theo anh Thức, mặc dù đặt chỉ tiêu cho buổi đi chợ là 300.000 đồng, nhưng đa số đều phát sinh hơn 500.000 đồng khi phải mua thêm gạo, gia vị, dầu ăn...

Anh Thức nói thêm: "Với gia đình tôi, 500.000 đồng chỉ đủ đảm bảo tiền ăn thôi, chứ cầm số tiền này ra đường thì không ăn thua. Minh chứng là chỉ mỗi tiền đi xe công nghệ của vợ tôi từ nhà đến chỗ làm đã hết 100.000 đồng, một buổi đưa con đi cà phê đã hết 250.000 đồng hoặc ăn 2 tô phở cũng đã hơn 100.000 đồng". 

Vợ chồng anh Thức đã có nhà riêng. Anh Thức làm giáo viên tự do và vợ làm ở lĩnh vực truyền thông. Tổng thu nhập của gia đình anh Thức dao động từ 20-35 triệu đồng. Dù thế, gia đình anh luôn cố gắng duy trì phí sinh hoạt ở mức 15-17 triệu đồng.

Anh Thức liệt kê các khoản chi tiêu của gia đình trong tháng: Tiền ăn khoảng 9 triệu đồng, điện nước 1 triệu đồng, tiền mua đồ dùng sinh hoạt là 1 triệu đồng, xăng xe khoảng 500.000 đồng, học phí và sữa tã cho con trai thêm 5 triệu đồng…

"Hàng hóa tăng giá, trong khi thu nhập của người dân lại biến động, bấp bênh. Gia đình tôi chỉ đủ ăn, đủ mặc. Mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được một ít nhưng không được nhiều, nếu muốn mua đồ có giá trị hoặc đi du lịch thì phải cân nhắc rất nhiều", anh bộc bạch.

Theo anh Thức, một hộ gia đình muốn sống ở TPHCM thì thu nhập ít nhất là 20 triệu đồng, nếu thấp hơn phải dè sẻn chi tiêu để không rơi vào cảnh chạy vạy mượn tiền. Với các gia đình chưa có nhà thì phải chi thêm ít nhất 5 triệu đồng thuê nhà. 

Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu - 3
Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu - 4

Gia đình 4 người chi tiêu ít nhất 35 triệu đồng/tháng

Khác với gia đình anh Thức, nhà chị Dương Thị Mỹ Duyên (36 tuổi) ở TP Thủ Đức, TPHCM phải chịu tiền thuê nhà 13 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình chị có 4 thành viên, hai vợ chồng, con gái học lớp 4 và con trai học lớp 2.

Chị Duyên cho biết, chi tiêu hằng tháng của gia đình chị khá cao do hai con đang ở tuổi ăn học. Chị thường ưu tiên đi chợ thay vì đi siêu thị để có giá "mềm" hơn, song chị cũng chán nản khi hàng hóa leo thang, phải "thắt lưng buộc bụng" từng chút. 

"Với số tiền 500.000 đồng, tôi có thể mua thịt, cá và canh rau củ bình thường cho gia đình. Nếu ăn hải sản, thịt bò hoặc món cao cấp thì phải "đôn" tiền lên hoặc mua với số lượng ít. Riêng hôm nào phải mua thêm mắm muối, bột giặt hay xà bông thì xem như 500.000 đồng không đủ tiền ăn cho gia đình rồi", chị nói. 

Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu - 5

Chị Dương Thị Mỹ Duyên (36 tuổi) ở TP Thủ Đức, TPHCM cho rằng, với 4 thành viên để đủ sống ở thành phố đắt đỏ, gia đình chị cần chi tiêu khoảng 35 triệu đồng/tháng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo chị Duyên, các khoản chi tiêu mỗi tháng của gia đình chị ít nhất là 35 triệu đồng, gồm: Tiền thuê nhà 13 triệu đồng, tiền ăn khoảng 12 triệu đồng, điện nước là 1,8 triệu đồng, học phí cho hai con là 4 triệu đồng, tiền học thêm, học nhảy, học võ rơi vào khoảng 5 triệu đồng...

Song, con số này đôi khi cao hơn khi phát sinh thêm các khoản hiếu hỉ, về quê thăm ông bà hoặc đi du lịch. 

Với công việc kinh doanh nội thất, tổng thu nhập của vợ chồng chị Duyên thường dao động từ 30 đến 60 triệu đồng, tùy thuộc vào hợp đồng ký kết với đối tác. Song, với con số này, chị cho rằng chỉ mới "vừa khít" với chi tiêu của gia đình mình. 

"Tôi nghĩ, với các hộ gia đình ở TPHCM, nếu có con nhỏ phải chi ít nhất 30 triệu đồng mỗi tháng. Thời buổi kinh tế khó khăn nên trang trải chi phí vừa đủ đã là may mắn, còn nếu muốn dư dả thì không nhiều", chị Duyên nói.

Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu - 6

Chuyên gia nhận định: Giảm nhu cầu "xài sang" để thích ứng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng TPHCM "đắt đỏ" hay không còn tùy thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của mỗi người. Trong đó, hai khoản chi tiêu cao thường rơi vào tiền thuê nhà (đối với các hộ chưa có nhà) và tiền cho mục đích giải trí. 

Chuyên gia nói thêm: "TPHCM là đô thị thu hút người dân từ nhiều tỉnh thành đổ về sinh sống. Tuy nhiên, đa số họ đều chưa có nhà, nên phải tốn một khoản chi phí lớn cho việc thuê nhà, chiếm 1/2 thu nhập. Tôi nghĩ, TPHCM không phải là mảnh đất dành cho những người lao động có thu nhập thấp, vì họ phải vật lộn với tiền thuê nhà hằng tháng".

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng TPHCM có nhiều dịch vụ giải trí như rạp chiếu phim, cà phê máy lạnh, khu vui chơi... nên nhu cầu giải trí của người dân cũng được nâng cao, dẫn đến tốn kém.

Tranh cãi chuyện TPHCM đắt đỏ, cầm 500.000 đồng đi chợ không đủ chi tiêu - 7

Riêng về khoản ăn uống và câu chuyện "vật giá leo thang", chuyên gia Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh người tiêu dùng có thể kiểm soát được nếu giảm nhu cầu "xài sang". 

"Nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cho TPHCM hết sức phong phú và đa dạng với nhiều mức giá cả. Từ đó giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn khi mua hàng. Nếu nhu cầu sống của bạn cao thì bạn chọn những sản phẩm có giá thành cao, nếu nhu cầu thấp thì chọn mặt hàng bình dân. 

Ví dụ, cùng là cà phê, có chỗ sẽ bán 100.000 đồng, chỗ khác chỉ 10.000 đồng. Lúc này, tùy vào nhu cầu và thu nhập mà bạn chọn ly cà phê phù hợp cho mình", ông Điền nói. 

Theo chuyên gia, với số tiền 500.000 đồng cho một ngày đi chợ, nếu biết tính toán vẫn có thể đảm bảo đủ 3 bữa ăn cho một gia đình cơ bản. Thay vì chỉ chọn thực phẩm có giá thành cao, người tiêu dùng hoàn toàn có thể xen kẽ thêm các thực phẩm bình dân hơn.