Bình Định:

Rau được mùa mất giá, nhà nông "buồn nẫu cả ruột"

Doãn Công

(Dân trí) - Những luống rau lên xanh mơn mởn nhưng nông dân Bình Định chẳng mấy mặn mà việc thu hoạch, bởi giá rau rẻ bèo, trong khí giá phân bón lại tăng gấp đôi.

Nghịch lý rau được mùa lại mất giá, trong khi giá phân bón tăng gấp đôi đeo bám người trồng rau ở làng truyền thống Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), cộng thêm ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến bà con "buồn nẫu cả ruột" dù luống rau cũng tươi tốt.

Rau được mùa mất giá, nhà nông buồn nẫu cả ruột - 1

Những luống rau xanh mơn mởn, song người trồng rau ở Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn- Bình Định) không vui, vì giá rau rẻ, trong khi giá phân bón tăng hơn gấp đôi.

Trên cánh đồng rau xanh mơn mởn, bà Mai Thị Sách (58 tuổi, khối Thuận Nghĩa) cùng nhiều lao động đang thu hoạch lứa rau cải cay, cải thìa để tiếp tục xuống giống tiếp vụ rau phục vụ trước và sau Tết Nguyên đán.

Bà Sách cho hay, đầu vụ giá rau tạm ổn, nhưng hiện tại bán một bó rau cải cay to chưa được 2.000 đồng. Giá này, bán ra coi như trồng rau không được tính công, có khi lỗ vốn vì phân bón tăng giá trong khi rau rớt giá.

Rau được mùa mất giá, nhà nông buồn nẫu cả ruột - 2

Với giá 2.000 đồng/bó rau cải, người trồng rau như bà Sách xem như làm không công, còn lo lỗ vốn mua phân bón.

"Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 qua, người nông dân rất khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Trong khi giá phân bón tăng hơn gấp đôi, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng, tuy nhiên giá rau không tăng mà còn giảm hơn", bà Sách rầu rĩ.

Theo bà Sách, ở khối Thuận Nghĩa, hầu hết người dân sống nhờ nghề trồng rau từ mấy chục năm nay. "Con cái được ăn học đến nơi đến chốn, một phần cũng nhờ vào ruộng rau. Bây giờ không trồng rau biết làm gì để sống nên có lỗ bà con cũng không thể bỏ đất trống được", bà Sách nói.

Rau được mùa mất giá, nhà nông buồn nẫu cả ruột - 3

Đầu vụ cải cúc còn bán giá 7.000 đồng/bó, nay hạ xuống chỉ còn 2.000 đồng.

Rau được mùa mất giá, nhà nông buồn nẫu cả ruột - 4

Nghịch lý giá phân bón tăng gấp đôi, còn giá rau giảm nên người trồng rau chẳng có lãi.

Bà Bùi Thị Hiệp (66 tuổi, khối Thuận Nghĩa) kể thêm, nếu mưa thuận gió hòa, cộng giá cả ổn định thì trồng rau màu năng suất hơn nhiều so với trồng lúa. Tuy nhiên, trồng rau thì vất vả hơn trồng lúa, sáng sớm dậy tưới nước để chống sương muối, chiều tưới nước để giữ ẩm đất cho rau phát triển. Mùa nắng nóng thì vất vả hơn, ngày tưới nước 3 lần, chưa kể công làm cỏ, bón phân…

Theo bà Hiệp, trồng một sào rau cải cúc chi phí vật tư phân, giống… khoảng 1,5 triệu đồng. Với mức giá 1.500 - 2.000 đồng/bó, người trồng chỉ lãi 1 đến 1,5 triệu đồng, trong khi bỏ sức công cả tháng ròng rã.

Rau được mùa mất giá, nhà nông buồn nẫu cả ruột - 5

Dù lỗ hay lãi, người trồng rau ở Thuận Nghĩa cũng không thể bỏ nghề.

Với 5 sào đất màu thường xuyên canh tác từ trồng rau, đến trồng hành, trồng ớt, bà Trần Thị Ngọc (60 tuổi, khối Thuận Nghĩa) hy vọng Tết nguyên đán sắp tới, rau màu được thu mua với giá tốt hơn.

"Năm ngoái do dịch Covid-19 nên thị trường Trung Quốc không nhập, người trồng ớt ở đây chịu thua lỗ. Tôi hy vọng qua năm nay dịch bệnh ổn định, giá cả bình ổn để nông dân gỡ lại vốn", bà Ngọc chia sẻ.

Rau được mùa mất giá, nhà nông buồn nẫu cả ruột - 6

Rau Thuận Nghĩa ngoài bán tại các siêu thị trong tỉnh, còn được thương lái mua đi bán ở Đà Nẵng.

Ông Trần Tế Thế - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa - cho hay, khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong hiện có 470 hộ dân thì có 260 hộ dân tham gia làng rau Thuận Nghĩa với diện tích 36 ha, trong đó có 19,5 ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành từ năm 2013.

Hiện HTX chia làm 9 nhóm sở thích (25 - 30 hộ/nhóm) sẽ cùng nhau bàn bạc trồng các loại rau, củ quả theo sở thích từng nhóm. Tuy nhiên, do năm nay giá thị trường bấp bênh, trong khi đó phân bón tăng quá cao nên bà con gặp nhiều khó khăn.

Rau được mùa mất giá, nhà nông buồn nẫu cả ruột - 7

Người dân ở Thuận Nghĩa sống nhờ vào trồng rau.

"Dù khó khăn song HTX và bà con đã họp bàn quyết tâm trồng rau để đảm bảo cung ứng thị trường Tết Nguyên đán. Chúng tôi cũng đang xin ý kiến Sở NN-PTNT để có chính sách hỗ trợ khó khăn cho bà con trồng rau", ông Thế cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm