Bình Định: Mưu sinh nghề cào phễnh, vẹm ven đầm Thị Nại
(Dân trí) - Bất kể nửa đêm hay rạng sáng, khi con nước xuống, những người dân hành nghề cào con phễnh, con vẹm ở ven đầm Thị Nại (Bình Định) lại "tắm" mình dưới đầm bắt đầu cuộc mưu sinh nhọc nhằn.
Nhiều năm qua, ngoài những hộ dân mưu sinh chính bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản ven đầm Thị Nại, thì tháng 4-7, nơi đây xuất hiện thêm nhiều người dân làm nghề cào phễnh, vẹm (loại nhuyễn thể dùng làm thức ăn cho tôm hùm).
Theo người dân ở đây cho biết, vùng đầm Thị Nại là một trong những khu vực đầm nước mặn có nhiều phễnh, vẹm sinh sống dưới đáy đầm. Chúng là những thức ăn khoái khẩu của loài tôm hùm. Vậy nên, các thương lái lùng sục tìm mua phễnh, vẹm để bán cho những người nuôi tôm hùm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.
Ông Huỳnh Văn Khải (54 tuổi, thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) có gần 20 năm hành nghề cào phễnh ở đầm Thị Nại.
Trao đổi với PV, ông cho biết: "Nghề này làm ăn theo con nước, bất kể ngày hay đêm cứ nước rút xuống là đi. Thường theo chu kỳ, từ 23h đến 1h hôm sau thì nước rút. Đó là lúc người dân hành nghề cào phễnh, vẹm bắt đầu một ngày mưu sinh đầy vất vả".
Theo ông Khải, mỗi ngày người đi cào phễnh, vẹm phải ngâm dưới nước từ 5 - 6h liên tục. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng việc cào bắt phễnh, vẹm dưới nước nhất là vùng nước sâu cũng khá khó khăn.
"Tôi thấy nghề nào cũng có cái vất vả, vậy nên nghề nào cũng cần phải chịu khó, chịu khổ. Riêng nghề cào phễnh, vẹm ngoài sức khỏe cũng cần sự khéo léo và chịu đựng được ngâm lâu dưới nước. Làm quen như tôi mà sau một buổi về nhà là người mệt mỏi, bủn rủn chân tay. Đặc biệt do ngâm nước nhiều nên chân tay cũng hay bị lở loét...", ông Khải nói.
Cũng theo ông Khải cho biết, con phễnh thường xuất hiện nhiều từ tháng 4 đến tháng 7 dương lịch ở ven vùng đầm Thị Nại. Mỗi ngày vợ chồng ông ngâm mình dưới nước khoảng 6-7 tiếng đồng hồ cào được 60-80kg phễnh.
Hôm nào may mắn, vợ chồng thu được trên 100kg. Với giá hiện tại thương lái thu mua 9.000 đồng/kg, vợ chồng thu nhập 500.000 - 900.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, giá vẹm được thương lái thu mua rẻ hơn vì lẫn nhiều bùn, tạp chất khác nên giá chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Ông Đặng Văn Khoa (51 tuổi, thôn Bình Thái, xã Phước Thuận), cho biết: "Trước đây, người cào vẹm chủ yếu là cào bộ (dùng tay, chân) nên rất mệt. Bây giờ nhiều người đầu tư dùng máy để hút, mặc dù cũng phải ngâm mình dưới nước nhưng dùng máy hút vừa nhanh vừa khỏe hơn".
Tuy nhiên theo ông Đặng Văn Khoa, nghề này cũng bấp bênh lắm, ngày làm kiếm vài ba trăm nghìn đồng, nhưng có ngày không đủ tiền để nuôi vợ con qua ngày.
Trong khi đó, với những người hành nghề cào vẹm, bình quân mỗi ngày cào 200-300kg. Có người khai thác nhiều được trên 400kg/ngày.
Tuy nhiên, nghề cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Chị Phan Thị Truyền (29 tuổi, xã Phước Thuận) lo lắng: "Người dân ở đây sống nhờ cả vào đầm Thị Nại. Nhưng hiện nay các dự án đang bơm hút cát trong lòng đầm để san lấp nền khu tái định cư, khu du lịch nghỉ dưỡng nên con vẹm, con phễnh cũng biến mất. Trong khi đó, mọi năm con vẹm bán giá 3.000 đồng/kg, năm nay thương lái thu mua cao nhất chỉ 1.800 đồng/kg nên thu nhập bị giảm xuống".
Theo một thương lái thu mua phễnh, vẹm cho hay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, các nhà hàng đóng cửa, tôm hùm nhập vào các nhà hàng giảm xuống, còn người nuôi tôm hùm cũng gặp khó khăn. Vậy nên cũng ảnh hưởng đến người dân hành nghề cào phễnh, vẹm ở Bình Định.
Một số hình ảnh của PV ghi lại công việc của người cào phễnh, vẹm: