Nghề độc, lạ ở Việt Nam: Nhận thử lòng người yêu, "giăng bẫy" tình cũ

Hồng Anh

(Dân trí) - Linh cho biết đã giúp khách hàng thử lòng được gần 60 nam giới. Cô sử dụng các hình ảnh chân thật và trưởng thành, gợi cảm nên rất dễ "thẩm định" được bản chất thật.

Không thử thì không biết chồng vẫn "độc thân"

Dịch vụ test người yêu (thử lòng người yêu) đang nở rộ trên mạng xã hội. Trên Tiktok xuất hiện hàng trăm video có cụm "#test người yêu". Mỗi video đều có từ vài chục đến hàng trăm nghìn lượt xem.

Trên Facebook cũng xuất hiện nhiều nhóm "Test người yêu" tập hợp hàng nghìn thành viên. Nhiều người chia sẻ có nhu cầu thử lòng bạn trai, bạn gái và bạn đời.

Vũ Thúy Ngọc (27 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Ngay khi biết tới dịch vụ test người yêu, Ngọc đã bỏ 150.000 đồng ra nhờ một cô gái trẻ kiểm tra độ chung thủy của chồng mình.

Ngọc chia sẻ, khoảng thời gian yêu nhau rồi cưới, cô không thấy chồng có biểu hiện gì. Tuy nhiên, thời gian này ở nhà bầu bí, cô suy nghĩ nhiều. Hai vợ chồng lại không dám "gần gũi" nhiều nên cô muốn xem tình cảm của chồng ra sao.

Chồng Ngọc làm nhân viên ngân hàng, có nhiều mối quan hệ xã giao nên cô càng lo lắng. Hai ngày đầu, cô mừng thầm khi "tester" (người nhận làm dịch vụ thử lòng) thông báo, chồng cô rất "rắn", không khai thác được gì. Anh cũng trả lời là không muốn mất thời gian vào những mối quan hệ vu vơ.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, trước những lời "thả thính" đầy ngọt ngào của cô gái trẻ, chồng chị dường như đã bị lung lay.

Anh cởi mở trò chuyện, nói mình vẫn độc thân, thậm chí còn đồng ý đi uống cà phê với cô gái lạ nếu có dịp. Nhận được kết quả test, chị Ngọc buồn thẫn thờ và không khỏi thất vọng về chồng mình.

Nghề độc, lạ ở Việt Nam: Nhận thử lòng người yêu, giăng bẫy tình cũ - 1

Cô gái trẻ thẳng tay chia tay bạn trai sau khi sử dụng dịch vụ test người yêu (Ảnh: Hồng Anh).

Sau khi đón sinh nhật tuổi 25 cùng bạn trai, Ngọc Mai (Xuân Trường, Nam Định) cũng sử dụng dịch vụ đặc biệt này xem có quyết định tính tới chuyện trăm năm hay không.

Gia đình Mai có hai cửa hiệu buôn bán, điều kiện kinh tế khá giả, Mai lại xinh xắn nên được nhiều chàng trai theo đuổi.

Trong sinh nhật vừa rồi, bạn trai đã tổ chức cho cô một buổi tiệc bất ngờ. Chàng trai thậm chí còn khóc trước mặt cô.

"Tuy nhiên, vì cùng là người địa phương nên tôi biết khá nhiều về bạn trai. Anh ấy từng gây ra lỗi lầm với người yêu cũ nên tôi vẫn muốn thử lòng anh ấy xem sao", Ngọc Mai kể.

Ngọc Mai sau đó đã trả thêm 2 lần phí để người nhận dịch vụ ngoài "thả thính" còn thực hiện màn chốt hạ hẹn bạn trai đi nhà nghỉ để cô bắt quả tang ngay từ cửa vào.

Cô gái Thu Hương chua chát nói: "Nếu không thử lòng thì không hề biết người yêu mình còn đang độc thân. Thậm chí, anh ta còn sẵn sàng qua đêm với đối phương theo kiểu quan hệ tình một đêm".

Sau khi bỏ ra 200.000 nghìn sử dụng dịch vụ, Hương quyết định chia tay bạn trai không hối tiếc.

"Tuy nhiên, không phải bạn trai hay người chồng nào cũng kém bản lĩnh. Nhiều người khi tôi nhắn tin trò chuyện đã bị từ chối thẳng thừng.

Họ nói bản thân đã có người yêu, có bạn gái, không có nhu cầu trò chuyện với người lạ. Cũng có người nói không muốn bị mắc các bẫy lừa đảo trên mạng nên chặn liên lạc luôn", Ngọc Linh - một người nhận test người yêu người khác nói.

Cô gái trẻ này cho biết tranh thủ 3 tháng nghỉ hè đã "thử lòng" được gần 60 nam giới. Cô sử dụng các hình ảnh chân thật và trưởng thành, gợi cảm nên rất dễ "thẩm định" được bản chất thật. Giá dịch vụ mà Linh đưa ra là 50.000-90.000 đồng với test người yêu và 130.000-150.000 đồng đối với test chồng.

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng đăng tải các bài viết nhận làm dịch vụ mới mẻ này. Mức phí phải trả từ 50.000 đồng - 200.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có người nhận test miễn phí.

Từ các thông tin mà khách hàng cung cấp như tài khoản Facebook, nghề nghiệp, sở thích, một vài địa điểm từng ghé qua…, người nhận làm dịch vụ thử lòng sẽ chủ động nhắn tin trò chuyện, rủ đi cà phê hay thậm chí là đi qua đêm.

Người bị thử được cho là không qua bài test nếu như nói bản thân chưa có người yêu, đồng ý đi chơi, gặp mặt hay tán tỉnh ngược lại.

Dịch vụ đem đến "hậu quả" nhiều hơn "kết quả"

Liên quan đến dịch vụ lạ lùng này, chuyên gia tình yêu hẹn hò Vũ Nguyệt Ánh (CEO Rudicaf) cho rằng, thông tin về lừa tình, lừa tiền trên các diễn đàn, hội nhóm liên quan tình yêu - hẹn hò xuất hiện ngày một nhiều nên nhiều người cảm giác "lòng tin" đang là thứ vô cùng xa xỉ trong các mối quan hệ tình cảm hiện nay.

Quá nhiều câu chuyện, tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra trong thực tế, được kể lại bởi chính chủ hoặc lan truyền qua các nhân vật liên quan.

Những người chứng kiến, những người "hóng được" đã vô tình cấy sâu vào tâm trí sự cảnh giác và nghi ngờ thường trực đối với người yêu/vợ/chồng của mình. Và tất nhiên, khi mức độ nguy cơ càng tăng, nỗi sợ càng lớn thì các dịch vụ có tiềm năng sẽ dễ dàng thu hút được họ.

"Nhìn chung, tôi đoán dịch vụ này nhắm vào những người đang "tuyệt vọng", đang loay hoay và vùng vẫy trong sự nghi ngờ và cố gắng níu kéo mối quan hệ, hoặc thậm chí có cả những người "thừa tiền", muốn "thử cho vui", chị Nguyệt Ánh nói.

Theo chuyên gia này, một người nào đó phải bỏ tiền dùng dịch vụ test người yêu/vợ/chồng thì điều đó chứng tỏ mối quan hệ của họ với đối phương đang ở giai đoạn báo động về niềm tin và tình cảm. Điều họ cần làm trước tiên là xem xét lại mối quan hệ của mình trước khi mất tiền vào dịch vụ này.

Tiếp theo, mỗi người có thể nhờ bạn bè, người thân xung quanh giúp mình cảm nhận, quan sát người yêu/vợ/chồng thông qua những hành động, ứng xử, giao tiếp trước khi phải thuê người khác kiểm tra độ chung thủy của nửa kia.

Theo chị Nguyệt Ánh, dịch vụ này chưa chắc đã đáng tin, chưa chắc đã đem lại hiệu quả mà còn có nguy  cơ làm tan vỡ mối quan hệ nếu như bị đối phương phát hiện. Đối phương không làm chuyện gì có lỗi nhưng thất vọng, tổn thương vì mình "bị test".

 Với người "đi test" hãy xác định tâm thế nếu như "điều tra" được chuyện gì thì sẽ ứng xử thế nào để mình thực sự ở thế chủ động. Bản thân mỗi người không nên để mình bị tình huống thực tế dẫn dắt, chi phối, dẫn đến những diễn biến ngoài kiểm soát, những hậu quả đáng tiếc.

Nghề độc, lạ ở Việt Nam: Nhận thử lòng người yêu, giăng bẫy tình cũ - 2

Nhiều nam giới khi "bị test" vẫn nói mình chưa có vợ, chưa có bạn gái và thoải mái đi hẹn hò người khác (Ảnh minh họa: Shutterstock)

"Tôi cho rằng, ai đủ tỉnh táo sẽ hiểu một mối quan hệ đã đến mức luôn nghi ngờ đề phòng nhau, phải thuê người để điều tra, để theo dõi, để test... thì vốn dĩ không nên tiếp tục nữa", chuyên gia hẹn hò phân tích.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh: "Niềm tin luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất, được đặt lên hàng đầu khi nói về nền tảng của một mối quan hệ lành mạnh, hạnh phúc và bền vững.

Vậy nên, trong một mối quan hệ tình cảm mà phát hiện ra mình bị đề phòng và nghi ngờ đến nỗi "bị test", đương nhiên bất kì ai cũng cảm thấy thất vọng và tự ái.  

Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, nếu như người "bị test" đủ yêu thương và bao dung thì cũng có thể hiểu rằng vì một lý do gì đó mà mình đang làm cho người yêu/vợ/chồng mình bất an và lo lắng. Vậy thì liệu có cách nào để cải thiện điều đó hay không?".

Với trường hợp các cô gái giăng bẫy phá hoại hạnh phúc người yêu cũ, chuyên gia hẹn hò Vũ Nguyệt Ánh cho rằng đó là một "hội chứng tâm lý" cần được xử lý thêm về mặt chuyên môn.

Khi một người thực sự bình an và hạnh phúc, người ta sẽ chỉ tập trung vào cuộc sống của mình và mong những điều tốt đẹp cho người khác, đồng thời lựa chọn cách "lãng quên" những người từng làm tổn thương hay đối xử không tốt với mình.

Còn nếu mình vẫn găm đầy hận thù, suốt ngày thường trực những "mưu kế" để phá hoại hạnh phúc của người khác bằng bất kỳ hình thức nào, thì điều đó thể hiện rằng trong họ vẫn còn quá nhiều tổn thương, uất ức đang cần được chữa lành.

(Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi)