PhotoStory

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu

Thực hiện: Toàn Vũ

(Dân trí) - Sân thượng tầng 7 được vợ chồng bà Liên (Long Biên, Hà Nội) biến thành "khu vườn trên mây" rộng hơn 100m2, quanh năm sum suê rau, trái.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 1

16h, khi nắng chiều dịu đi, bà Dương Kim Liên (62 tuổi) rủ ông xã lên chăm khu vườn sân thượng, thu hoạch rau xanh để làm bữa tối đón gia đình con gái sum họp. Khu vườn hơn 100m2, nằm cheo leo trên tầng 7. Những ngày cuối thu, đầu đông, vườn sum suê, xanh mướt với bắp cải, súp lơ, su hào, xà lách… 

Bà Liên thoăn thoắt tỉa lá, bắt sâu, thu hoạch rau. Ông Đệ tỉ mỉ kiểm tra những thùng phân hữu cơ và phần đất đang phơi chờ vụ mới. Ông cũng tranh thủ kiểm tra hệ thống lưới tự động, tránh trường hợp khi cần dùng mà vợ không thể điều khiển.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 2

Thỉnh thoảng, bà Liên nhờ chồng: "Nắng chiều hoàng hôn đẹp quá, anh chụp cho em tấm ảnh để gửi các con và khoe bạn bè". Cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi hào hứng căn góc, tạo dáng chụp ảnh, vui vẻ trò chuyện ở "khu vườn trên mây".

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 3

Ông Đệ và bà Liên đều là giáo viên ngoại ngữ đã về hưu. Cách đây hơn 3 năm, gia đình xây một căn nhà mới tại đường Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên). Kiến trúc sư thiết kế không gian tầng 7 làm "vườn thượng uyển", nơi gia chủ trồng cây cảnh, hoa, đặt bàn trà… Tuy nhiên, bà Liên lại mong muốn biến sân thượng này thành nơi trồng rau xanh.

"Khi ấy, tôi mới về hưu. Tôi muốn có một công việc để lao động, hoạt động hàng ngày cho não bộ không trì trệ, cơ thể khỏe mạnh", bà Liên chia sẻ.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu

Do có dự định làm vườn cây cảnh nên từ đầu, kiến trúc sư đã thiết kế giàn, chống thấm sàn rất kĩ. Con gái hỗ trợ bà Liên tham khảo cách thức làm vườn vừa thẩm mỹ, vừa khoa học.

"Con gái đặt mua cho tôi hệ thống chậu thông minh, có lớp giữ nước, thoát nước tiện lợi và có thể lắp độ cao tùy theo nhu cầu", bà Liên cho biết.

Do khu vườn nằm ở tầng 7 nên nắng gắt, gió lớn. Gia đình làm hai hệ thống mái tự động: Mái lưới để giảm nắng gắt mùa hè và mái nilon để hạn chế tác động khi mưa lớn, dày hạt. 

Vốn không có kinh nghiệm trồng rau, làm vườn, ở tuổi 60, bà Liên lên mạng đọc thông tin, hỏi thăm kiến thức từ những người đam mê trồng rau tại nhà.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 4

Ban đầu, bà mua loại đất trồng đã trộn sẵn, được bán theo tải với giá lên tới 140.000 đồng/bao/10kg. "Năm đầu tiên, tôi mua mất mấy chục triệu tiền đất. Rất tốn kém. Nhưng sau vụ đầu, khi thu hoạch xong tôi phát hiện lượng đất thịt trong đất đó rất ít, chủ yếu là các giá thể như mùn cưa, xơ dừa. Tôi cảm thấy loại đất này không bền nên tìm cách tự trộn đất trồng", bà Liên cho hay.

Bà và ông xã chạy xe đi tìm mua loại đất thịt sông Hồng màu mỡ mang về để tự trộn. Khi mua về, phần đất thịt được bà tỉ mỉ trộn cùng vôi để loại trừ các loại nấm bệnh từ tự nhiên.

Đất trồng được trộn theo công thức: 40% đất thịt, 40% chất làm đất tơi xốp (tro, vỏ lạc, xơ dừa), 20% phân hữu cơ (phân bò hoai mục, phân trùng quế, vỏ trứng xay) và một ít trichoderma (chế phẩm có tác dụng tấn công, ký sinh và ức chế nhiều loại nấm).

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 5

"Dù đã tính toán loại trừ nấm bệnh tự nhiên nhưng năm đầu tiên, có giai đoạn vườn rau vẫn bị mạt tấn công. Tôi bón phân gà nên có thêm cả bọ gà", bà Liên kể. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, bà phải bỏ hết rau, xúc toàn bộ đất trong chậu rồi trải ra bạt để phơi nắng. Bà Liên đun thêm những nồi lớn nước thuốc lào, bồ hòn để đổ vào đất, trộn thêm vôi và phơi nắng 10 ngày liên tục. Sau đó, bà ủ đất thêm 10 ngày với giá thể, trichoderma  rồi mới xới tơi và đưa vào chậu.

"Giai đoạn ấy vất vả lắm, tôi cả ngày đầy nắng trên vườn, sạm hết da, chân tay uể oải. Nhưng nhờ thế mà đất hết nấm bệnh, tơi, xốp, nhiều dinh dưỡng. Ba năm rồi tôi không cần thay đất trồng. Hết vụ tôi để phơi đất ngay trong chậu", bà Liên cho hay.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 6

Ngoài phần đất trồng, phân bón cũng là yếu tố quan trọng. Ngay từ khi có ý tưởng làm vườn tại nhà, bà Liên đã nghĩ tới việc tận dụng rác thải nhà bếp để làm phân hữu cơ, giúp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, bà cũng đọc thông tin, học hỏi kinh nghiệm là làm loại phân "tự chế".

Bà trộn một tạ đỗ tương xay mịn, một tạ cám gạo với trichoderma, emuniv (chế phẩm vi sinh xử lý phân gia súc gia cầm, rác thải, phế thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ) và thêm rỉ mật, đánh thật đều rồi cho vào các thùng 180l, ủ trong 3-4 tháng.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 7

Hỗn hợp này lên men, có mùi thơm như mùi rượu, được sử dụng để trộn vào đất trồng hoặc làm phân lót. "Hỗn hợp này rất tốt nhưng chỉ nên trộn lượng vừa phải, nếu không đất sẽ bị nóng, làm chết cây", bà Liên cho hay.

Rác thải nhà bếp và các loại lá ngắt bỏ trên vườn khi tỉa cây sẽ được bà Liên cắt nhỏ làm phân xanh, dùng tưới gốc. "Tính tôi cẩn thận nên ngay cả rau nhà trồng tôi vẫn phải nấu chín hoặc nhúng lẩu với nước sôi chứ không ăn sống", bà Liên nói.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 8
Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 9

Mùa nào bà Liên trồng loại rau củ ấy. Mùa hè, vườn trĩu trịt các loại dưa lưới, dưa lê, dưa gang, bầu, bí, mướp đắng. Mùa đông, vườn sum suê súp lơ, bắp cải, xà lách. Quanh năm vườn đều có các loại rau gia vị như hành, hẹ, tía tô, kinh giới, ớt…

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 10

Hàng ngày, hai vợ chồng bà Liên đều đặn lên tỉa lá, tưới rau, kiểm tra đất, phân. Ông Để cho biết, khi vợ có ý định làm vườn, ông không mấy ủng hộ.

"Bà ấy vốn có nhiều bệnh nền, cơ thể yếu, chân tay hay đau nhức. Tôi sợ vợ vất vả, phải đầy nắng, đầy gió nên không muốn bà ấy trồng rau sân thượng", ông nói. "Nhưng bà ấy là người kiên trì, càng vất vả càng muốn làm bằng được nên tôi đành nương theo.

Ban đầu, tôi phụ bà ấy các việc phải bê vác nặng rồi dần dần cũng quen, cũng biết cách làm đất, làm phân. Hai vợ chồng có khu vườn làm nơi tập thể dục, rèn sức khỏe. Cuối tuần, chúng tôi đón cháu về chơi, dạy cháu cách trồng rau, chăm sóc và thu hoạch", ông Đệ hạnh phúc.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 11

Vườn rau sum suê nên vợ chồng bà Liên không thể ăn xuể. Hai ông bà thường thu hái rồi cho con gái, tặng bạn bè, họ hàng, hàng xóm. Thời gian thành phố giãn cách vì Covid-19, vườn rau này là nơi cung cấp rau tươi, sạch cho nhiều gia đình khác.

"Tôi nghĩ gia đình nào cũng có thể thực hiện một góc trồng rau sạch, vừa có nguồn rau an toàn, vừa tạo niềm vui. Tùy theo điều kiện, mình làm vườn to hay nhỏ, có khi chỉ vài ba thùng xốp ban công cũng có rau thơm, xà lách để ăn rồi. Quan trọng là mình phải kiên trì, đam mê", bà Liên chia sẻ.

Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 12
Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 13
Khu vườn sum suê 100m2 trên tầng 7 của vợ chồng bà giáo Hà Nội về hưu - 14

Vài năm qua, khu vườn cũng trở thành nơi lý tưởng để vợ chồng bà Liên đón bạn bè, những người yêu làm vườn tới thăm, cùng chia sẻ kinh nghiệm, đam mê và cảm hứng. Lần đầu tới "khu vườn trên mây", các vị khách đều vỡ òa, rất bất ngờ với thành quả của vợ chồng bà Liên.

Bà giáo về hưu bộc bạch: "Vườn rau không đơn thuần là nơi cung cấp thực phẩm sạch mà còn giúp tôi cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần. Tuổi về hưu nhờ thế mà thêm sinh động, yêu đời, lạc quan".