Hàng chục nghìn người chen chân ở đám giỗ lớn nhất miền Tây
(Dân trí) - Hàng chục nghìn người miền Tây chen chân, đổ về lễ giỗ ông Ba Thới ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để được ăn uống, nhận thuốc miễn phí.
Lễ giỗ ông Ba Thới lần thứ 98 diễn ra tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có rất đông đảo người dân về dự. Đây được xem là lễ giỗ lớn nhất miền Tây bởi lượng người đổ về tham gia qua các năm tăng lên đến cả trăm nghìn người.
Lễ giỗ ông Ba Thới năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 14-16/5 . Trong 3 ngày giỗ ông, người dân miền Tây sẽ được ăn, uống, khám chữa bệnh, nhận thuốc miễn phí.
Theo đại diện lãnh đạo xã Kiến An, trước khi diễn ra lễ giỗ, hơn 200 người dân đã tập trung về Phủ thờ của ông để chia nhau các công việc từ nấu ăn, gói bánh hoặc phụ giúp các công việc khác.
Toàn bộ nông sản, thực phẩm, gia vị, chén đĩa dùng trong lễ giỗ đều do người dân địa phương mang đến phủ thờ đóng góp cùng với ban quản lý.
Cạnh đó, có hơn 100 hộ dân cũng đến đăng ký phục vụ điểm tâm, phát bánh, nước uống miễn phí dọc đường dẫn vào phủ thờ hỗ trợ người dân.
Ông Nguyễn Văn Tài - Phó Ban quản lý Phủ thờ ông Ba cho biết: "Tôi tham gia tổ chức lễ giỗ từ năm 1990 đến nay. Qua các năm, công tác tổ chức ngày càng hoàn thiện, đến nay đã đâu vào đó. Mặc dù lực lượng tổ chức hơn 500 người nhưng các khâu phối hợp rất nhịp nhàng".
Theo một thành viên trong nhóm từ thiện, suốt 3 ngày diễn ra lễ, nhóm đã phục vụ hơn 5.000 cái bánh xèo. Kinh phí thực hiện do người dân phát tâm đóng góp.
"Tại đây có khoảng 50 chảo, gần 20 người phụ trách đổ bánh, nhặt rau, phục vụ bình quân hơn 2.000 cái mỗi ngày", thành viên nhóm bánh xèo thiện nguyện nói.
Ông Ba Thới tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thới (1866-1927) được biết là một người yêu nước có công đóng góp cho lịch sử văn học nghệ thuật tỉnh An Giang. Các tác phẩm của ông thể hiện niềm đau của người dân, phản ánh bối cảnh xã hội thời chống Pháp, tuyên truyền lòng yêu nước, cổ vũ cuộc kháng chiến của nhân dân.
Ông được người dân An Giang tin tưởng, gọi là thầy và lập đền thờ, trùng tu phần mộ sau khi mất. Vào các ngày 7-9 tháng 4 Âm lịch hằng năm, người dân từ nhiều tỉnh ĐBSCL lại tìm về phủ thờ ông ở xã Kiến An để dự lễ giỗ.