Những lễ cúng trong dịp Tết của người miền Tây
(Dân trí) - Tính cách bình dị, chân chất cùng tinh thần bao dung và lòng nhân nghĩa của người Tây Nam Bộ được thể hiện qua từng lễ cúng trong dịp Tết.
Nhắc đến Tết, có lẽ điều mang lại hứng thú nhiều nhất chính là những món ăn, những trò chơi ngày Tết. Nhưng nếu nói về những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tinh thần thì có lẽ đó là những lễ cúng.
Để hiểu rõ hơn về các lễ cúng vào dịp Tết của người dân Tây Nam Bộ cũng như những ý nghĩa đằng sau những lễ cúng đó, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, giảng viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Ông không chỉ là người con miền Tây mà còn là người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa và con người nơi đây. Ông cũng là tác giả của "Về Quê Ăn Tết", một cuốn sách viết về văn hóa ăn Tết ở Tây Nam Bộ.
Theo những chia sẻ của Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, đối với người dân miền Tây, Tết không chỉ là một dịp để nghỉ ngơi, vui chơi mà còn là một dịp linh thiêng, nhiều ý nghĩa. Vì thế, mỗi gia đình đều thực hiện rất nhiều lễ cúng trong dịp này.
Từ sau rằm tháng Chạp đến ngày 25 tháng Chạp (từ 15/12 âm lịch đến 25/12 âm lịch) là thời điểm mà người dân miền Tây đi chạp mã hay còn gọi là quét mộ.
Trong khoảng thời gian này, các gia đình sẽ lựa chọn 1 hoặc vài ngày cùng nhau ra phần đất mộ của ông bà mình để dọn cỏ, lau chùi, quét vôi...
Sau khi phần đất mộ được chăm chút khang trang sạch sẽ, các gia đình sẽ thắp nhang và bày biện một mâm cơm với những món ăn bình dị để cúng tại phần đất mộ của ông bà tổ tiên mình.
Cúng xong, mâm cơm được dọn xuống cho con cháu trong nhà và dòng họ cùng ăn. Mọi người ngồi bên nhau sau một năm làm việc vất vả, cười nói vui vẻ, nhắc lại những chuyện xưa hoặc bàn bạc những kế hoạch sắp tới của gia đình, dòng họ. Đây cũng chính là thời điểm người miền Tây bắt đầu râm ran chuẩn bị Tết.
Ngày 23 tháng chạp là lúc các gia đình cúng ông Táo để tiễn ông Táo về trời. Cách cúng ông Táo về trời của người dân miền Tây đơn giản lắm! Không có mâm cao cỗ đầy, cũng chẳng có nghi thức cá chép mà chỉ là "nhà có gì cúng nấy".
Ngày xưa, người ta thường cúng kẹo thèo lèo. Giờ thì có thể nướng mấy cái bánh phồng, bày dĩa mứt gừng, mứt khóm hoặc trái dưa hấu. Sau đó, đốt thêm cho ông Táo một bộ đồ giấy để ông cũng có áo mới về chầu Ngọc Hoàng.
30 tháng chạp, ngày cuối cùng trong năm, cũng là ngày có nhiều lễ cúng nhất. Sáng sớm tinh mơ, mâm cơm nóng hổi với đầy đủ các món đặc trưng ngày Tết như canh khổ qua, thịt kho tàu, củ kiệu… được dọn lên để cúng ông bà tổ tiên như một cách thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn và kính trọng ông bà.
Đồng thời đây cũng là ngày người dân miền Tây cúng rước ông Táo về với gia đình. Đúng theo quan niệm "đi sao về vậy", nên ngày 23 cúng đưa ông Táo chầu trời như thế nào thì đến ngày 30 cũng cúng rước ông Táo như thế ấy.
Miền Tây là vùng đất khẩn hoang, nơi đây cũng từng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với nhiều người đã ngã xuống hy sinh. Vì vậy, nhiều gia đình ngoài cúng ông bà, tổ tiên còn bày thêm 1 mâm cơm ở ngoài sân để cúng đất đai, cúng chiến sĩ hoặc những người không có gia đình, bơ vơ lạnh lẽo với hy vọng họ cũng sẽ được ăn Tết đủ đầy và ấm áp.
Chỉ riêng việc này thôi cũng thể hiện rõ tinh thần bao dung và lòng nhân nghĩa của người dân Tây Nam Bộ.
Đêm 30 là thời khắc khiến lòng người nôn nao, háo hức nhất. Đây cũng là thời điểm đất trời giao hòa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong không khí tràn ngập niềm hân hoan, yêu thương, sum vầy, các thành viên trong gia đình cùng nhau chuẩn bị trái cây, bánh mứt sẵn sàng. Cả nhà ngồi bên nhau trò chuyện, hát ca… đón chờ năm mới.
Đúng 12h đêm, thời khắc giao mùa diễn ra, người lớn trong nhà sẽ thắp nén nhang để thỉnh ông bà tổ tiên về đón Tết cùng gia đình, con cháu cũng như cầu nguyện ông bà sẽ phù hộ con cháu trong năm mới.
Ngoài sân, cây mai vàng đã nở rộ, rực rỡ trong đêm. Bên bậu cửa sổ cũng vàng ươm mấy chậu hoa vạn thọ. Trong nhà là mâm bánh mứt với khói hương còn đang nghi ngút cùng tiếng cười nói rôm rả bên cạnh.
Trong không khí lành lạnh hơi sương, mùi hương của hoa mai, hoa vạn thọ nương theo gió lùa vào trong nhà, có thêm mùi nhang thơm nồng, mùi bánh mứt ngọt lịm… tất cả quyện vào nhau, thoang thoảng, ấm cúng. Đó chính là mùi Tết của người dân miền Tây.