Gia đình ở Thái Nguyên có 7 chàng rể quý, bố vợ nằm viện thay nhau chăm sóc
(Dân trí) - Sau khi ông Bình mổ mắt, những người con rể lần lượt vào bệnh viện trông nom. Có lần, không hẹn mà gặp, 4 chàng rể cùng vào bệnh viện, trò chuyện rôm rả cho ông vui.
Ngày 15/5, mạng xã hội chia sẻ đoạn video những người con rể trong một gia đình ở Thái Nguyên vào bệnh viện chăm sóc bố vợ.
"Bố có 7 cô con gái nên cứ bố ốm là con rể thay nhau vào trông", chị Bùi Thị Tươi (37 tuổi, người con gái thứ 5) chia sẻ.
Chị Tươi cho biết bố chị là ông Bùi Thiên Bình (69 tuổi) vừa trải qua ca phẫu thuật mắt hôm 9/5. Bốn người con rể sau đó cùng vào bệnh viện thăm bố vợ.
Đoạn video do chị Tươi quay và đăng tải đã thu hút gần 800.000 lượt xem, hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận.
"Có con gái về già là sướng nhất. Nhà em cũng có 4 con gái, bố mẹ ốm là phục vụ tận nơi", Ngọc Anh bình luận.
"Sinh mấy cô con gái được lời mấy chàng rể chăm bố. Gia đình gia giáo dạy các con ngoan ngoãn thì các con rể mới được như vậy. Ông ngoại sướng nhất rồi ạ", Phạm Huệ viết.
Anh Nguyễn Văn Hào (36 tuổi, chồng chị Tươi) cho biết, vợ chồng anh sống ở Bắc Giang. Hôm đó, không hẹn mà gặp, anh và 3 anh rể khác cùng vào bệnh viện ở Thái Nguyên thăm bố.
"Chúng tôi ở xa, vô tình vào thăm bố thì gặp các anh khác cũng ở đây", anh Hào nói, cho biết vui và bất ngờ khi câu chuyện gia đình được mọi người đón nhận và lan tỏa.
Thấy các chàng rể nói chuyện rôm rả với bố vợ, chị Tươi quay video làm kỷ niệm.
"Khi bố ốm, các con rể hỗ trợ vào trông nom. Các anh đến chơi ban ngày, còn buổi tối chỉ 1 anh ở lại. Bình thường con rể và bố vợ đoàn kết, thân thiết với nhau", chị kể.
Ông Bình có 7 con gái (người lớn nhất năm nay 46 tuổi) và một con trai út 30 tuổi. Các con đều đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, riêng một người sống ở nước ngoài.
Những người sống ở Thái Nguyên cách nhau khoảng 10km nên dễ gặp gỡ hoặc về nhà bố mẹ.
Anh Hào và chị Tươi kết hôn năm 2013. Ngày về làm rể, anh bất ngờ khi gia đình vợ có tới 7 chị em gái.
"Bí quyết giữa những người con rể là sống chân thành và tình cảm. Chúng tôi duy trì tính cách hòa đồng, vui vẻ", anh Hào nói.
Trong những ngày lễ, Tết, những người con rể thường nhắn tin trước, rủ nhau cùng về nhà bố mẹ vợ để chung vui. Gia đình nào ở xa không kịp về đúng thời khắc giao thừa, thì sẽ gọi điện trước chúc mừng năm mới bố mẹ.
Mỗi lần tụ tập, các con cháu nội ngoại của ông Bình ngồi 4 mâm mới đủ, riêng mâm con rể và bố vợ "lúc nào cũng chật", nói chuyện rôm rả. Điều đặc biệt là cánh mày râu thường sẽ vào bếp, chị em nghỉ ngơi, ngồi nói chuyện ở nhà trên.
Không riêng chồng chị Tươi, các chàng rể còn lại cũng rất được lòng bố vợ. Những năm trước, sức khỏe còn ổn định, ông Bình thường ngồi cùng các con rể đến cuối bữa.
Thỉnh thoảng, các gia đình rủ nhau đi du lịch, nhưng hiếm khi đủ các thành viên. Vợ chồng ông Bình ít đi xa, chỉ thích xuống nhà các con chơi.
"Đẻ đông con nên thế giới của bố mẹ chỉ có các con. Các chị em đã lấy chồng và sinh con nhưng mỗi khi có việc quan trọng cứ phải có bố mới vững tâm, bao nhiêu lần con đi sinh là bấy nhiêu lần bố lo. Cứ con sinh xong bố mới an tâm về", chị Tươi tâm sự.
Đoạn video của gia đình ông Bình được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội khiến các con đều bất ngờ và hạnh phúc.
"Nhà đông anh chị em nhưng chúng tôi rất đoàn kết. Nhiều người bảo rằng bố mẹ tôi giàu nên các con rể mới tình cảm như vậy, nhưng giàu ở đây là giàu tình cảm", chị Tươi nói.
Hơn 10 năm làm con rể ông Bình, anh Hào nhận thấy bố vợ sống tình cảm nên được các con rể kính trọng và nể phục.
"Điều tôi thấy đặc biệt nhất là bố không phân biệt con rể hay con đẻ. Trong các cuộc trò chuyện, ông lúc nào cũng xưng "bố - con"", anh Hào nói.
Thu Hà - Minh Nhân