Vụ chủ trọ ở Hà Nội quay lén: Các nữ sinh có quyền yêu cầu bồi thường

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo luật sư Cường, hành vi của ông N. có thể gọi là biến thái và có chủ đích xâm phạm đến bí mật, đời sống riêng tư của khách thuê trọ, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm, tâm lý của các nữ sinh.

"Hành vi biến thái và có chủ đích"

Vụ việc chủ trọ lắp camera quay lén trong nhà vệ sinh của khách nữ thuê nhà ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo đó, làm việc với cơ quan chức năng, ông L. P. N. (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) khai nhận, khoảng tháng 6/2023, xuất phát từ ham muốn của bản thân muốn xem lén người thuê phòng là nữ tắm, ông N. đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bộ camera về lắp vào phòng tắm của các phòng 401, 402 và phòng trọ tại tầng 5.

Sau đó, ông N. thường xem video trực tiếp trên điện thoại hoặc lưu lại trên ứng dụng của camera để xem lại. Ông N. cam đoan không phát tán, chia sẻ video cho bất kỳ ai hay đưa lên mạng xã hội.  

Ngày 27/5, Công an quận Hà Đông đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND quận Hà Đông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N., mức xử phạt là 12,5 triệu đồng.

Vụ chủ trọ ở Hà Nội quay lén: Các nữ sinh có quyền yêu cầu bồi thường - 1

Một nạn nhân chia sẻ với phóng viên Dân trí về vụ việc (Ảnh: Hồng Anh).

Chị Thanh Mai (20 tuổi, nạn nhân bị ông N. quay lén) cho biết, không đồng tình với mức xử phạt này vì cho rằng quá nhẹ. Vụ việc khiến cô bị sốc tâm lý, hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe, mất ngủ nhiều ngày liền.

Chị Mai mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ bảo vệ quyền lợi, bồi thường và yêu cầu ông N. phải xin lỗi chị cùng các nạn nhân.

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, chủ nhà trọ gắn camera ở phòng vệ sinh nữ là rất bất thường.  

Những đặc điểm về cơ thể, hình ảnh nhạy cảm, riêng tư là bí mật đời tư cá nhân, là danh dự nhân phẩm của mỗi cá nhân, là một trong những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Quay phim, chụp ảnh cơ thể của người khác một cách lén lút là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với nạn nhân, cho thấy ý thức coi thường pháp luật của người vi phạm, cụ thể ở đây là chủ trọ.

Hành vi này bị tố cáo, tố giác thì người ghi hình lén người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người quay lén sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tới 30 triệu đồng.

Nếu thu thập trái phép thông tin được xác định là bí mật đời tư cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tới 30 triệu đồng, nếu phát tán thông tin cá nhân mà chưa được cá nhân đồng ý thì có thể bị phạt tới 60 triệu đồng và phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân (nếu có).

Vụ chủ trọ ở Hà Nội quay lén: Các nữ sinh có quyền yêu cầu bồi thường - 2

Camera giấu kín được lắp trong phòng vệ sinh nơi Mai thuê trọ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, người này đã nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm, thu thập trái phép thông tin bí mật đời tư cá nhân của nhiều người, những thông tin nhạy cảm của cá nhân rồi đăng tải lên mạng internet để trục lợi hoặc cung cấp cho các trang web đồi trụy hoặc sử dụng hoặc bán cho các đối tượng khác để đe dọa tống tiền nạn nhân… hoặc có các hành vi khác xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, đến trật tự an toàn xã hội thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người quay lén có thể đối mặt các tội danh như: Tội Làm nhục người khác, tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể…

Nếu sử dụng các thông tin hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác để đe dọa tống tiền thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Với diễn biến sự việc như vậy, cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N. là có căn cứ. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ những hình ảnh mà người đàn ông này thu thập trái phép đã được sử dụng hay chưa, sử dụng vào mục đích gì, có gây tổn hại đến danh dự nhân phẩm uy tín của các nạn nhân hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

"Hành vi của người đàn ông này có thể gọi là biến thái và có chủ đích xâm phạm đến bí mật, đời sống riêng tư của khách thuê trọ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm, tâm lý của các nữ sinh.

Bởi vậy, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật thì người đàn ông này còn có thể phải xin lỗi và bồi thường cho các nữ sinh", luật sư Cường cho hay.

Các nữ sinh có quyền yêu cầu chủ trọ phải bồi thường thiệt hại

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay, Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. 

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, khi danh dự nhân phẩm uy tín của công dân bị xâm phạm, công dân có quyền yêu cầu người đã xâm phạm đến danh dự nhân phẩm uy tín của mình phải bồi thường thiệt hại. 

Cụ thể "thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Bởi vậy, theo luật sư Đặng Văn Cường trong vụ việc nêu trên, các nữ sinh có quyền yêu cầu chủ trọ phải bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm uy tín và sức khỏe bị xâm phạm. 

Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, không thỏa thuận được thì đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật .

Ngoài ra, nếu các nữ sinh này có đơn trình báo tố giác tội phạm về hành vi thu thập sử dụng trái phép thông tin hình ảnh nhạy cảm cá nhân mà cơ quan điều tra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, xác định hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà không đồng ý với việc giải quyết như vậy thì người tố giác cũng có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, hành vi không chỉ dừng lại ở việc lắp camera giấu kín vào nhà vệ sinh của các nữ sinh mà còn sử dụng những thông tin hình ảnh này vào mục đích trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý sức khỏe của nạn nhân, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vấn đề này cơ quan chức năng cần làm rõ để giải quyết triệt để, dứt điểm, bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín, sự an toàn của người thuê phòng trọ, đặc biệt là đối với các nữ sinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm