"Dị nhân" ở TPHCM sưu tập 200 bộ xương động vật để... trang trí nhà
(Dân trí) - Trái với nhiều người thích trang trí nhà theo phong cách hiện đại, tối giản với đồ nội thất tiện nghi, không gian sống của anh Nghĩa Nguyễn (sinh năm 1988) lại toát lên vẻ ma mị, huyền bí.
Trong phòng khách rộng chừng 30m2, chàng trai ở TP.HCM bày hơn 200 tiêu bản xương động vật lớn nhỏ làm đồ trang trí.
Nhìn qua, nhiều người sẽ lầm tưởng không gian này là một quán cà phê bởi những bộ sưu tập tiêu bản xương động vật được trưng bày ở mọi ngóc ngách trong căn phòng.
Tỉ mỉ, chăm chuốt cho từng tác phẩm của mình, anh Nghĩa cho biết bản thân có sở thích sưu tầm tiêu bản xương động vật đã từ lâu.
Sáu năm về trước, khi dịch bệnh chưa bùng phát và diễn biến phức tạp, anh có nhiều cơ hội qua Thái Lan du lịch. Thời điểm đó, anh hay ghé chợ Chatuchak (Bangkok, Thái Lan) tham quan. Tại đây, anh nhận ra khu chuyên kinh doanh đồ nội thất bày bán nhiều loại tiêu bản xương, tiêu bản nhồi.
Sau khi tiếp cận với phong cách decor có nguồn gốc tại châu Âu này, anh Nghĩa thấy đẹp, bị cuốn hút nên bắt đầu tìm hiểu và áp dụng cho không gian sống của mình. Với anh, đây là cách thể hiện tình yêu thiên nhiên.
"Thay vì bỏ mặc bên ngoài rồi mục rữa, thân xác động vật chết sẽ được mang về xử lý và kéo dài vòng đời.
Thân xác rồi sẽ mất đi chỉ có bộ xương là còn ở lại. Vì vậy, thời điểm nhìn thấy những bộ xương động vật, tôi liền nghĩ, tại sao người ta lại bán các loại sản phẩm này trong khu vực kinh doanh đồ nội thất? Không lẽ người Thái Lan lại sử dụng những vật này để trang trí nhà cửa?
Để trả lời cho câu hỏi của mình, tôi đã tự mày mò, tìm hiểu và rồi ngỡ ngàng khi bắt gặp những quán cafe, nhà hàng, khách sạn... sử dụng vô số bộ sưu tập tiêu bản quý hiếm để trang trí", anh Nghĩa chia sẻ.
Anh nói: "Tôi thực sự sửng sốt trước vẻ đẹp của những bộ sưu tập tiêu bản này. Chúng được sử dụng để trang trí nội thất và tạo nên vẻ hoàn hảo. Điều đó có nghĩa là người Thái Lan đã tiếp cận bộ môn nghệ thuật này từ rất lâu rồi. Thế nên, sau khi về nước tôi ấp ủ hy vọng sưu tập tiêu bản, mong chờ ngày có thể làm được điều mà người Thái đã và đang phát triển".
Với quyết tâm chinh phục thú chơi mới lạ này, một thời gian sau, anh Nghĩa cũng có được bộ sưu tập dù chưa nhiều. Thời gian tới, anh Nghĩa cho biết sẽ hoàn thiện dần dần và mong muốn lan tỏa thú chơi này tới nhiều người.
Bên cạnh những bộ xương mua từ Thái Lan, anh Nghĩa cũng tự mình xử lý nhiều xác động vật. Anh cho biết, để có được thành phẩm, người chơi phải trải qua các công đoạn công phu. Đầu tiên là tìm kiếm con vật đã chết, sơ chế ban đầu như vặt lông, lọc bớt phần thịt. Việc lọc thịt phải làm cẩn thận, có thể dùng những con sâu rỉa thịt để tránh tổn hại đến bộ xương.
Tiếp đến, các con vật sẽ được ngâm trong các dung dịch hóa học, hút tủy xương, ngâm cồn và sau đó phơi nắng bộ xương để chuẩn bị cho khâu cuối cùng là lắp ghép lại các đoạn xương bị tách rời.
Các bước thực hiện để có tác phẩm cuối cùng khó khăn bao nhiêu thì quá trình bảo quản sau đó lại cực kỳ đơn giản vì nếu xương đã sạch, khô thì sẽ không có gì khiến chúng bị hư hỏng.
Trong số những bộ tiêu bản anh Nghĩa sưu tập, có những tiêu bản thuộc dạng "hàng hiếm", giá trị lớn như: Tiêu bản xương một con ngựa có độ hoàn hảo cao, tiêu bản nhồi của con công bạch tạng...
Tất cả những "món đồ trang trí" độc lạ này được anh Nghĩa cất công sưu tầm trong nước và mua về từ Thái Lan với giá trị cao. Sau nhiều năm sưu tầm, đến nay, anh Nghĩa có khoảng 200 tiêu bản xương và tiêu bản nhồi khác nhau.
Theo anh, nghệ thuật sử dụng tiêu bản xương, tiêu bản nhồi của động vật để trang trí không gian sống có nguồn gốc từ châu Âu và có một lịch sử phát triển lâu dài. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bộ môn này còn khá mới mẻ và đặc biệt kén chọn người chơi.
Bởi, trong văn hóa Việt Nam, xương động vật cũng bị cho là xui xẻo, chứa nhiều âm khí nên mọi người thường ít dùng nó như một vật trang trí, decor.
Hoài Trang