PhotoStory

Cựu binh già "thổi hồn" vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật

Thực hiện: Quân Đỗ

(Dân trí) - Với niềm đam mê, sáng tạo và tình yêu với nghệ thuật điêu khắc, nghệ nhân Lê Quang Ninh (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã chế tác ra các sản phẩm độc đáo, đẹp mắt từ những khối than đá vô tri.

Cựu binh già đam mê "thổi hồn" vào than đá ở Quảng Ninh (Video: Quân Đỗ).

Từ khi nhập ngũ (năm 1983) đóng chốt ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh), vào những lúc rảnh rỗi, ông Lê Quang Ninh Ninh thường tìm kiếm những mảnh đá Tấn Mài - loại đá đặc trưng của vùng đất miền Đông và chế tác thành các đồ vật để làm quà tặng cho cán bộ, bạn bè.

Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 1

Với niềm khát khao, mong muốn tạo ra những sản phẩm mới mẻ, có giá trị, mang đặc sắc than đá của vùng đất mỏ quê hương, sau khi xuất ngũ (năm 1987), nghệ nhân Ninh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê chế tác, khắc vẽ và tạo ra tác phẩm trống mỹ nghệ trên chất liệu than đá.

Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 2

Tại xưởng chế tác của gia đình ở ngõ 244, đường Trần Phú (phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả) nghệ nhân Ninh chia sẻ, đầu tiên, khâu tuyển chọn than rất quan trọng, người thợ phải chọn những hòn than già, không bị nứt vỡ, không dính xít và đặc biệt là than nguyên khai không phải than đúc. Than đá nguyên khối sau đó được cắt gọt thành những khối nhỏ, tạo hình gần giống hình trụ tròn của trống đồng.

Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 3

Nhờ hỗ trợ của máy mài, đế cố định… và sự đúc kết kinh nghiệm qua các lần chế tác, nghệ nhân Ninh đã tạo ra được mẫu sản phẩm hoàn thiện. Tác phẩm trống cổ trên than đá được ông khắc vẽ rất tỉ mỉ, sinh động, hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 4

Trong quá trình chế tác, không may hòn than bị vỡ thì không thể vứt đi một cách lãng phí được. Lúc đó, người thợ sẽ sáng tạo ra các tác phẩm nhỏ và phù hợp hơn.

Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 5

Cũng theo nghệ nhân Ninh, công đoạn khó khăn nhất vẫn là điêu khắc trên mặt than đá. Nếu như vẽ bằng bút thì có thể mình tẩy sửa được, còn sử dụng dao khắc này thì đặt xuống là không thể tẩy xóa được nữa. Vì vậy cần độ tập trung rất cao, tránh trường hợp vừa làm vừa nói chuyện mà chệch mũi dao là coi như hỏng luôn cả một tác phẩm.

Trên bề mặt trống, người nghệ nhân phải khắc vẽ hàng trăm chi tiết như thần mặt trời với 14 tia ánh sáng ở giữa tâm, 2 vòng chim hạc bay trên trời và hình những con thú ở dưới đất... Do sản phẩm nhỏ nên đòi hỏi sự tập trung, tỉ mỉ của người thợ làm liên tục trong 2 ngày để tạo ra sản phẩm độc đáo, đẹp mắt này.

Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 6
Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 7

Được biết, từ những sản phẩm đầu tiên năm 2009, hằng năm nghệ nhân Ninh đã sản xuất ra hàng trăm sản phẩm theo đơn đặt hàng để biếu tặng hoặc xuất ra nước ngoài.

Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 8

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được nghệ nhân điêu khắc từ than đá, đặt trang trọng trong tủ kính phòng khách tại gia đình.

Cựu binh già thổi hồn vào than đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật - 9

Bấy lâu nay, điều mà nghệ nhân Ninh luôn trăn trở là thời gian khiến sức khỏe ngày càng yếu đi, ông không thể làm mãi như vậy được. Ông Ninh đã nghĩ tới ý định muốn truyền nghề cho người nào đó thực sự đam mê, khéo tay và tâm huyết với nghề mà đến giờ vẫn chưa tìm được ai.

"Mong muốn nhất của tôi bây giờ là tìm được gia đình nào đó có hoàn cảnh khó khăn, éo le, vất vả để truyền nghề, mong rằng họ sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn", nghệ nhân Ninh chia sẻ thêm.