Gợi ý bài văn khấn cúng Tết Hàn thực 2025 theo văn hóa dân gian
(Dân trí) - Tết Hàn thực cũng như Tết Nguyên đán thể hiện sự tri ân đối với thần thánh, hiếu kính tiên tổ. Có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Hàn thực như khi cúng các lễ, tết khác nhưng nên có bánh trôi, bánh chay.
Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Hàn thực
Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Tết Hàn thực năm nay rơi vào thứ hai, ngày 31/3 dương lịch.
Tết Hàn thực bắt nguồn từ Trung Quốc, có từ trước thời Xuân Thu, được tổ chức thường niên như Tết Nguyên đán. Thời xưa, Tết Hàn thực kéo dài hàng tháng liên tục, gồm nhiều hoạt động như tế lễ, tảo mộ, đánh đu, chọi gà, đá cầu, kéo co, đạp thanh (tức là trong Tết Hàn thực có tiết Thanh minh).
"Hàn thực" là đồ nguội, thức ăn làm sẵn, có nguồn gốc từ tập quán "cải hỏa" của con người thời cổ đại, còn gọi là "cấm yên" (cấm khói lửa), "lệnh tiết" hoặc "bách ngũ lệnh"…

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực của một gia đình Việt (Ảnh: Thu Huong Vu).
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, theo lịch nhà Hạ, Tết Hàn thực được tổ chức sau tiết Đông chí 105 ngày và trước tiết Thanh minh 1 hoặc 2 ngày.
Dịp này, mọi người đem mồi giữ lửa trong năm trước dập tắt hết, lại dùng công cụ bằng gỗ (đá) đánh lấy lửa mới gọi là "cải hỏa" (đổi lửa) hoặc "thỉnh tân hỏa" (xin lửa mới), lấy đó làm thời điểm khởi đầu cho một năm mới.
Khoảng thời gian từ lúc dập bỏ lửa cũ đến khi đánh lấy lửa mới từ 3 đến 5 hoặc 7 ngày. Trong thời gian đó mọi người phải chuẩn bị sẵn đồ ăn (không đốt lửa, đun nấu làm nóng đồ ăn) nên gọi là "hàn thực".
Đến thời Xuân Thu, sau khi vô tình thiêu chết hiền sĩ Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công lệnh cho toàn dân không được đốt lửa vào ngày mất của mẹ con Giới Tử Thôi.
Có lẽ do trùng lặp về thời gian, sự tương đồng về thói quen, ăn uống sinh hoạt, hoặc vì tưởng niệm Giới Tử Thôi, người ta cho rằng, Tết Hàn thực có nguồn gốc từ điển tích Tấn Văn Công vô tình thiêu chết mẹ con Giới Tử Thôi.

Bánh trôi được sáng tạo nhiều màu sắc (Ảnh: Hồng Anh).
Theo thời gian, Tết Hàn thực dần có sự thay đổi về thời gian tổ chức, được chế định thành lễ hội với nhiều hoạt động cúng tế, lễ hội phong phú, trong quá trình phát triển du nhập thêm nhiều yếu tố văn hóa và quan niệm dân gian.
Ngày nay, người Việt Nam vào Tết Hàn Thực vẫn nổi lửa nấu nướng bình thường và thường làm bánh trôi, bánh chay cúng Tết Hàn thực.
Tết Hàn thực cũng như Tết Nguyên đán thể hiện sự tri ân đối với thần thánh (thần đất, thần ngũ cốc), hiếu kính tiên tổ và tôn sùng tinh thần trọng nghĩa khinh tài, coi thường danh lợi của cổ nhân.

Món bánh trôi không thể thiếu trên mâm cỗ cúng Tết Hàn thực (Ảnh: Thu Huong Vu).
Theo tục lệ, Tết Hàn thực chỉ sử dụng những thức ăn làm sẵn, đồ nguội, không nói rõ là cỗ chay hay cỗ mặn, không hương, đèn do cấm lửa. Đến thời Xuân Thu, Tấn Văn Công lệnh cúng mẹ con Giới Tử Thôi bằng cỗ chay bánh trôi, bánh chay, không dùng hương đăng, vàng mã…
Ngày nay ta có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Hàn thực như khi cúng Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, tiết Thanh minh, Tết Trung thu nhưng nên có bánh trôi, bánh chay vì đây là lễ vật chính mang tính biểu tượng của Tết Hàn thực. Nghi thức cúng tế như đối với thần, Phật, tổ tiên.
"Một trong những giá trị quan trọng của lễ hội và việc thờ cúng là giáo dục. Khi cha mẹ nghiêm trang, kính cẩn tri ân trời đất, thần Phật, tổ tiên thì con cháu cũng theo đó mà hiếu kính đối với cha mẹ, thương yêu và quan tâm gia đình, người thân, tín nghĩa đối với thầy cô, bạn bè. Cúng lễ trong các dịp lễ, Tết hay ngày rằm, mùng 1 là một hoạt động để tự sửa mình và giáo dục thế hệ trẻ.
Lễ vật nên sắm sửa tùy theo điều kiện gia đình, trên cơ sở tập quán cổ truyền, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, bày biện gây lãng phí. Yêu cầu quan trọng nhất trong các lễ cúng tế là lòng thành thực và thái độ nghiêm túc, nghi thức trang trọng, kính cẩn", nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải nói.
Bài văn khấn cúng Tết Hàn thực 3/3
Dưới đây là bài văn khấn cúng Tết Hàn thực 3/3 theo cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa thông tin:
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật,
- Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, Thúc bá, Đệ huynh, Cô di, Tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là:
Ngụ tại:
Hôm nay là ngày 3/3 âm lịch, gặp Tết Hàn Thực, tín chủ (chúng) con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ…. (họ của gia chủ) cúi xin thương xót con cháu giáng về linh sàng, chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ (chúng) con kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!