Đồng Tháp:

Người dân cào lưới trên sông nhặt được mặt trống đồng hơn 2.000 năm tuổi

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Trong quá trình cào lưới bắt cá trên sông Hậu, một người dân ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vô tình cào được mặt trống đồng Đông Sơn, có niên đại từ 2.000 - 2.300 năm trước.

Cổ vật trên 2.000 năm tuổi

Chiều 6/7, ông Nguyễn Minh Phước - Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp cho biết, Hội đồng Khoa học Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đã thẩm định giá trị lịch sử, giá trị kinh tế của mặt trống đồng do người dân huyện Lai Vung bàn giao. 

Theo ông Phước, sau khi hay tin anh Đặng Văn Trác (32 tuổi, ở xã Vĩnh Thời, huyện Lai Vung) nhặt được mặt trống đồng trong quá trình cào cá trên sông Hậu (đoạn Tân Thành - Vĩnh Thới, huyện Lai Vung), đơn vị của đoàn công tác của Bảo tàng phối hợp với UBND xã Vĩnh Thới và Phòng văn hóa huyện Lai Vung đến nhà anh Trác.

Mặt trống đồng Đông Sơn trên 2.000 năm tuổi ngư dân vớt được trên sông Hậu

Người dân cào lưới trên sông nhặt được mặt trống đồng hơn 2.000 năm tuổi - 1

Anh Đặng Văn Trác cào lưới trên sông Hậu phát hiện mặt trống đồng dính vào lưới (Ảnh: CTV).

Sau khi cán bộ tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến cổ vật, anh Trác vui vẻ giao nộp mặt trống đồng để Bảo tàng thực hiện các bước tiếp theo khi tiếp nhận cổ vật.

Đến ngày 29/6, đơn vị thành lập Hội đồng khoa học của Bảo tàng Đồng Tháp gồm 9 thành viên, trong đó có các nhà sưu tập đồ cổ, các nhà nghiên cứu về lịch sử, cổ vật tổ chức thẩm định mặt trống bằng kim loại do anh Đặng Văn Trác bàn giao.

Người dân cào lưới trên sông nhặt được mặt trống đồng hơn 2.000 năm tuổi - 2

Ông Nguyễn Minh Phước - Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp giới thiệu về mặt trống đồng Đông Sơn do người dân phát hiện, bàn giao cho Bảo tàng (Ảnh: Nguyễn Hành).

Người dân cào lưới trên sông nhặt được mặt trống đồng hơn 2.000 năm tuổi - 3

Mặt trống đồng có hình ngôi sao 12 cánh (Ảnh: Nguyễn Hành).

Kết quả thẩm định cho thấy đây là mặt trống đồng Đông Sơn, loại trống Heger 1, có niên đại cách nay khoảng 2.000 - 2.300 năm (từ thế kỷ thứ ba đến khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên). Mặt trống có trọng lượng 7,6 kg, đường kính 63 cm.

Đặc điểm trang trí trên mặt trống là ngôi sao 12 cánh và 6 chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, xen kẽ nhau là các vòng hoa văn khắc vạch và vòng tròn tiếp tuyến còn khá rõ. Theo Hội đồng thẩm định về giá trị kinh tế, mặt trống đồng cổ trên có giá khoảng 200 triệu đồng.

Theo nhận định ban đầu của Tiến sĩ Khảo cổ học Phạm Hữu Công - Ủy viên giám định Hội đồng cổ vật Việt Nam: "Đây là mặt trống đồng Đông Sơn, loại Heger 1, có niên đại cách nay khoảng 2.000 - 2.300 năm".

Có cần thẩm định lại?

Liên quan đến việc bảo quản cổ vật giá trị này và việc trưng bày sắp tới, Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp Nguyễn Minh Phước cho biết, đơn vị vừa hoàn thành kho bảo quản hiện vật nên có điều kiện thuận lợi bảo quản hiện vật, cổ vật theo môi trường, nhiệt độ khác nhau.

Riêng việc trưng bày, ông Phước cho biết, sắp tới, Bảo tàng sẽ trưng bày mặt trống đồng vừa phát hiện cùng 26 cổ vật có giá trị văn hóa xã hội tại kho mở của Bảo tàng để người dân đến xem.

Người dân cào lưới trên sông nhặt được mặt trống đồng hơn 2.000 năm tuổi - 4

Mặt trống đồng có nhiều hoa văn, bị thủng nhiều lỗ (Ảnh: Nguyễn Hành).

Trả lời PV Dân trí về việc nhiều bạn đọc còn "nghi ngờ" niên đại mặt trống đồng Đông Sơn, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp cho biết, khi phát hiện một cổ vật "quá sức" với Hội đồng khoa học Bảo tàng, đơn vị sẽ đề xuất với Sở VH-TT&DL Đồng Tháp thành lập Hội đồng cấp sở để thẩm định.

Trong trường hợp này, Hội đồng khoa học Bảo tàng Đồng Tháp đã thống nhất nhận định về niên đại, lịch sử và giá trị kinh tế. Nếu Sở VH-TT&DL Đồng Tháp thấy cần thiết thành lập Hội đồng cấp Sở để thẩm định lại thì Sở sẽ tiến hành.

Người dân cào lưới trên sông nhặt được mặt trống đồng hơn 2.000 năm tuổi - 5

Mặt trống đồng có trọng lượng 7,6 kg, đường kính 63 cm (Ảnh: Nguyễn Hành).

Người dân cào lưới trên sông nhặt được mặt trống đồng hơn 2.000 năm tuổi - 6

Nhiều hoa văn trên mặt trống còn rõ nét (Ảnh: Nguyễn Hành).

Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp còn thông tin, Hội đồng khoa học Bảo tàng Đồng Tháp giả định, sự xuất hiện của mặt trống đồng tại Đồng Tháp có thể là do chiến tranh hoặc sự thông hiếu giữa cư dân Đông Sơn với một quốc gia nào đó và trong quá trình vận chuyển trống trên sông Mê Kông đi ra biển vì lý do gì đó bị đắm tàu, rơi trống. Tuy nhiên, cần có một Hội nghị khoa học để tìm ra những giả thuyết xác đáng khi cổ vật mặt trống đồng Đông Sơn được tìm thấy tại Đồng Tháp.

Hiện Bảo tàng Đồng Tháp đề xuất lãnh đạo Sở VH-TTDL tỉnh Đồng Tháp tặng thưởng 14 triệu đồng (tương đương 7% của giá trị mặt trống đồng) cho anh Trác đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen với ngư dân này.