Cuộc gặp khiến con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bật khóc ở Việt Nam
(Dân trí) - Nghe bà Hồng kể về anh hùng Bảy Đen, ông Craig nghẹn ngào rơi nước mắt. Bà Hồng cảm nhận được "tiếng nói chung" của người đàn ông Mỹ, những dằn vặt của ông về sai lầm người cha đã gây ra ở Việt Nam.

62 năm trước, tại Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), anh hùng Bảy Đen đã cùng các đồng đội giành chiến thắng vang dội, làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét đầy tham vọng của địch, tạo nên cú sốc với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara khi tiến hành chiến lược "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam.
62 năm sau, con trai và con gái của hai con người ở hai bên chiến tuyến đã có cuộc gặp gỡ đầy xúc động tại nơi đã diễn ra cuộc đối đầu nảy lửa. Hai người con tóc đã điểm bạc cùng nhớ đến cha của mình với những nỗi niềm riêng.
"Ông ấy đã khóc khi nghe chuyện về cha tôi"
Trong không gian tại nhà trưng bày Di tích Chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), ông Craig McNamara (75 tuổi) lặng người khi nghe bà Đặng Thị Nguyệt Hồng đọc những dòng nhật ký người cha đã viết cho chị em bà hơn 60 năm trước.
Ánh mắt rưng rưng, ông Craig nắm chặt đôi bàn tay nhỏ nhắn của bà Nguyệt Hồng: "Tôi rất muốn nghe câu chuyện về anh hùng Bảy Đen. Cha của các chị có hi sinh khi đang làm nhiệm vụ không?".
Một khoảng lặng khiến không gian trùng xuống sau câu hỏi chất chứa những dằn vặt ấy.
Bà Đặng Thị Nguyệt Hồng là con của anh hùng Đặng Minh Nhuận (ông còn có tên là Đoàn Triết Minh, Nguyễn Bảy hay Bảy Đen), còn ông Craig McNamara là con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, người được coi là "kiến trúc sư trưởng" của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Dù cha là người chỉ đạo cuộc chiến tại Việt Nam, ông Craig luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm phần nào trong việc sửa chữa sai lầm mà người cha đã gây ra. Ông chưa bao giờ được nghe cha kể về câu chuyện ở Việt Nam. Bởi vậy, trong ông luôn tồn tại những câu hỏi bỏ ngỏ chưa được giải đáp.

Ông Craig xúc động khi nghe bà Hồng (áo đỏ) và người em gái kể về anh hùng Bảy Đen (Ảnh: VTV).
Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy, người đàn ông này nhận lời tham gia một bộ phim tài liệu và tìm đến nhiều vùng đất lịch sử tại Việt Nam.
Một trong những địa điểm đó là Di tích Chiến thắng Ấp Bắc - nơi lưu giữ những hiện vật trong trận đánh lịch sử và các tư liệu quý về anh hùng Bảy Đen.
Cha bà Nguyệt Hồng, anh hùng Bảy Đen - Đặng Minh Nhuận - là một trong những chỉ huy chủ chốt tại trận địa. Chiến thắng Ấp Bắc là trận đầu đánh bại chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của Mỹ và quân đội Sài Gòn, mở đường cho cao trào tiêu diệt sinh lực địch trong càn quét, bắn máy bay, đánh thiết giáp và đưa phong trào phá ấp chiến lược lên đỉnh cao.
Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh dấu sự phát triển về thế và lực của cuộc chiến tranh cách mạng, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân miền Nam đẩy mạnh phong trào "thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công".
Ở phía bên kia chiến tuyến, thất bại của Mỹ ở trận Ấp Bắc khiến dư luận nước này xôn xao, hoài nghi trước những phát biểu khác xa thực tế của Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.
Ông Robert McNamara thậm chí còn phải điều trần trước quốc hội thông tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Năm ấy, ông Craig 13 tuổi, vẫn tin vào sự chính trực của cha. Nhưng sau này, ông nhận ra, cha mình đã nói dối và việc cha ông chỉ đạo cuộc chiến ở Việt Nam là một sai lầm khủng khiếp.
Qua kết nối của ê-kíp sản xuất bộ phim của VTV, bà Nguyệt Hồng và em gái của mình lần đầu gặp gỡ con trai của người chỉ đạo cuộc chiến tại Việt Nam - người khiến cha bà phải xa nhà biền biệt - để giành lại "bầu trời xanh cho các con".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Nguyệt Hồng cho hay, bà biết được ông Craig là người phản đối cha mình rất dữ dội khi thực hiện cuộc chiến phi nghĩa.
"Vì vậy, tôi không hề có cảm giác căm thù. Tôi thấy ông có chung tiếng nói với mình", bà Nguyệt Hồng cho hay.
Nghe bà Hồng kể về anh hùng Bảy Đen, những dòng nhật ký chứa chan tình cảm mà cha viết cho chị em bà để gửi nỗi nhớ thương, gắn kết tình cảm dù cha con phải biệt ly vì cuộc chiến, ông Craig không khỏi nghẹn ngào.
Người đàn ông Mỹ cảm thấy tiếc nuối khi không bao giờ có được cơ hội giao tiếp với cha mình để hiểu tại sao ông lại là "kiến trúc sư" của cuộc chiến tranh cách xa nơi mình sống nửa vòng trái đất.
"Ông ấy kể cho tôi nghe về cha của mình và nói bản thân đã "mất" cha từ năm 13 tuổi (theo nghĩa bóng), tức là từ lúc hiểu được những việc cha mình làm, ông đã phản đối và coi như không còn cha nữa. Nghe vậy, tôi lại càng thông cảm với ông ấy", bà Nguyệt Hồng bộc bạch.

Ông Craig xem lại tư liệu cùng bà Nguyệt Ánh - con gái của anh hùng Bảy Đen (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Khi biết khoảng 8 tháng sau chiến thắng Ấp Bắc, anh hùng Bảy Đen đã hi sinh trong một trận chiến đấu, ông Craig nghẹn ngào: "Cảm ơn các chị đã chia sẻ câu chuyện về người cha thân yêu của các chị. Tôi buồn biết bao khi các chị bị mất cha khi còn quá nhỏ. Còn với tôi, cha tôi đã đưa ra những quyết định thay đổi mãi mãi tiến trình lịch sử. Và tôi cũng "mất" cha nhưng theo một cách khác".
Cuộc gặp gỡ không quá dài nhưng phần nào giúp ông Craig hiểu hơn về bi kịch của cha mình và lý do người cha thất bại dù được ngợi ca là một người "xuất sắc, thông minh, chiến lược".
Ý chí quật cường, sự kiên gan của người Việt Nam, tình cảm yêu thương mãnh liệt trong mỗi gia đình như gia đình của anh hùng Bảy Đen… là một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng trước những người Mỹ phi lý.
Về phần bà Nguyệt Hồng, bà cho biết, trước khi đến cuộc gặp đặc biệt này, bà đã suy nghĩ và bàn bạc với gia đình rất nhiều lần mới nhận lời.
Ban đầu chị em bà đồng ý gặp ông Craig bởi hướng tới sự hòa hợp, hòa giải với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Sau này, khi trò chuyện cùng ông Craig, bà càng thêm xúc động, nhất là khi chứng kiến những giọt nước mắt của người đàn ông Mỹ khi nghe câu chuyện về cha của bà.
Bà Hồng nghẹn ngào: "Tôi vừa tự hào, vừa đau xót. Xót xa cho sự mất mát của gia đình, cũng thấy buồn khi ở phía bên kia người ta cũng mất mát.
Tôi tự hào vì cha mình đã chiến đấu, hy sinh cho đất nước, nhưng cũng đau xót vì đến bây giờ, những nỗi đau của gia đình vẫn chưa thể nguôi ngoai. Song, gác lại tất cả, tôi thấy mừng vì thế hệ của chúng tôi đã biết hiểu và thông cảm cho nhau".
"Nguyệt Hồng, Ba đã làm tròn nhiệm vụ đối với con"
Khi đặt chân đến Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, nỗi nhớ người cha anh hùng càng dâng trào trong lòng bà Hồng.
Cha bà - anh Hùng Bảy Đen Đặng Minh Nhuận - sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia lực lượng vũ trang chống Pháp tại địa phương từ khi mới 16 tuổi. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau đó được cấp trên bố trí vào học trường sĩ quan lục quân. Sau khi hoàn thành khóa học với loại xuất sắc, năm 1958, ông làm công tác biên phòng tại vùng biên giới Việt - Trung.

Anh hùng Bảy Đen là một điển hình về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan dạ, mưu trí (Ảnh: baoapbac).
Năm 1962, ông từ biệt vợ con, vượt Trường Sơn, trở về miền Nam chiến đấu. Cuối năm 1962, ông nhận nhiệm vụ tại chiến trường Khu Trung Nam bộ (Khu 8) với quân hàm trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 chủ lực Quân khu 8, sau đó tham gia chỉ huy chiến dịch Ấp Bắc ngày 2/1/1963 giành thắng lợi.
Tám tháng sau chiến dịch Ấp Bắc, ông anh dũng hi sinh trong một trận tiến công. Nhiều đồng đội nhận định, anh hùng Bảy Đen là một điển hình về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan dạ, mưu trí. Ngày 20/12/1994, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Có một điều đặc biệt là hiện tại ở Nghĩa trang Liệt sĩ Tiền Giang có ba ngôi mộ của ông, nhưng vẫn chưa xác định được ngôi nào là gốc. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết, gia đình bà tin rằng ngôi mộ được đưa về từ năm 1987 đúng là ngôi mộ của cha bà.

Ba người con gái Nguyệt Mai, Nguyệt Hồng, Nguyệt Ánh bên bức tượng của cha mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Năm 1992, gia đình tôi nhận được cuốn nhật ký của ba, trong đó ghi chính xác nơi an táng trùng với vị trí gia đình đã tìm. Trong cuốn nhật ký đó, chú chính trị viên tên Tám Thư còn ghi chú thêm về vị trí an táng, nên gia đình tôi càng thêm tin tưởng về phần mộ đó", bà Hồng nói.
Cha hi sinh khi chị em bà còn quá nhỏ. Bà Hồng cùng các em của mình chỉ có thể cảm nhận hơi ấm và tình cảm của cha qua những dòng nhật ký.
Bà Hồng cho biết, cha của mình thường viết nhật ký để bày tỏ sự căm thù quân địch, quyết tâm "hi sinh đến giọt máu cuối cùng" vì Tổ quốc.
Nhật ký cũng là nơi ông gửi những nhớ thương sâu đậm tới vợ con. Ông nhắn nhủ rằng, bản thân lên đường chiến đấu vì muốn "giành lại bầu trời xanh cho các con".
Trong nhật ký, có đoạn ông viết: "Bên ngoài thì nói cười cho khuây khỏa để chiến đấu, chớ nhiều đêm nhớ các con, ba rơi nước mắt! Ba hứa với các con sẽ làm tròn nhiệm vụ Đảng viên, một cán bộ quân đội, không bao giờ để các con phải nhục vì có một người cha không xứng đáng. Ba mong sau này các con khôn lớn, nếu ba có hi sinh rồi, các con nhớ làm tròn nghĩa vụ của mình đối với đất nước quê hương. Gởi các con nhiều cái hôn!".
Một trang khác có đoạn: "8h rời trận địa, đi suốt đêm qua cánh đồng sình lầy, 6h sáng về vị trí an toàn. Nguyệt Hồng, Ba đã làm tròn nhiệm vụ đối với con".

Bà Nguyệt Ánh (giữa) và bà Nguyệt Hồng (thứ hai từ phải sang) check-in tại bến Bạch Đằng trong dịp chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh: Cẩm Tiên).
Những ngày này, bà Nguyệt Hồng cùng em gái Nguyệt Ánh thường hòa vào dòng người trên những con phố ở TPHCM để chiêm ngưỡng các màn tập luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Khi nhìn thấy các lực lượng diễu binh, người phụ nữ tưởng tượng ra hình bóng của cha mình trong những dòng người tiến quân năm xưa. Với bà, suốt nhiều năm qua, người cha vẫn hiện diện trong cuộc sống, âm thầm theo dõi và cổ vũ cho gia đình bà.