DMagazine

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết

(Dân trí) - Sớm hơn mọi năm, năm nay anh Giàng A Pao (42 tuổi), người dân tộc Mông ở xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La đi xe máy gần 200km xuống Hà Nội để bán đào từ ngày 18 tháng Chạp.

Chuyện chàng trai người Mông đi xe máy vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết

Sớm hơn mọi năm, năm nay anh Giàng A Pao (42 tuổi), người dân tộc Mông ở xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La đi xe máy gần 200 km xuống Hà Nội để bán đào từ ngày 18 tháng Chạp.

Chuyện chàng trai người Mông đi xe máy vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết

Quanh năm suốt tháng chăm bẵm cho từng gốc đào nên những ngày thu thành quả, anh Pao đành dựng chiếc lều tạm trên vỉa hè, chịu cảnh "màn trời chiếu đất" để trông đào, thường xuyên ăn vội những suất cơm bụi, chỉ với hi vọng năm nay bán đắt hàng để được đoàn tụ cùng gia đình sớm.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 1

Những bữa cơm ăn vội, không đúng giờ giấc là thực trạng chung của những người bán đào, quất… những ngày cận Tết.

Ăn không đúng bữa, mất ngủ vì tiếng xe cộ

Hai giờ chiều ngày 23 Tết, anh Pao cùng hai người anh em vẫn đang tất bật tiếp khách đến xem đào. Nhóm khách chỉ đến hỏi giá thăm dò rồi đi, anh Pao trao đổi với những người cùng bán bằng tiếng Mông, rồi quay ra nhìn phóng viên thở dài: "Năm nay bán chậm lắm em ạ"!

Gia đình anh Pao trồng đào, mận lâu năm. Khoảng 10 năm trở lại đây, cứ ngoài rằm tháng Chạp gia đình anh và người dân trong bản lại chọn những cành đào to, già, nhiều nụ, dáng đẹp để chặt bán. Năm nay anh mang xuống Thủ đô 80 cành, trong 6 ngày đầu, anh mới bán được hơn 20 cành, giảm một nửa so với năm ngoái.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 2

Ngày thường, anh Pao chỉ đi làm nương, chăm sóc đào, mận, trồng ngô.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 3

Đào Vân Hồ chủ yếu là loại đào phai, trên thân xuất hiện những lớp địa y, rêu xanh...

Hướng mắt về dãy đào của mình trên vỉa hè, anh Pao nói: "Để có được những cành đào này, chúng tôi phải trồng mất vài năm đến hàng chục năm. Đào Vân Hồ có vỏ xù xì, mốc meo, nụ và chồi mọc chi chít, còn hoa đào phớt hồng nên được người dân Thủ đô rất thích".

Vừa dứt lời, nhìn đồng hồ đã điểm ba giờ chiều, anh Pao mới vội mượn xe máy của phóng viên đi mua 3 suất cơm bình dân về cho anh và hai người bán đào cùng. Trong chiếc lều dựng tạm trên vỉa hè, anh Giàng A Cháy - người bạn của anh Pao đang gấp lại chăn, xếp gọn đồ đạc, trải chiếc bao dứa xuống làm mâm để cơm về cả ba ngồi ăn.

"Xuống đến đây xác định ăn ngủ ở vỉa hè rồi, sáng chúng tôi ăn bún phở hoặc bánh mì, còn trưa với tối thì ăn cơm bụi. Ăn cho no thôi chứ cũng chẳng mấy khi được đúng bữa, hoặc ăn vội phải đứng lên để tiếp khách, rồi đang ăn bỏ dở cũng có, nghề làm dâu trăm họ mà", anh Giàng A Cháy (37 tuổi), ở xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La tâm sự.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 4

Ba giờ chiều, anh Pao và hai người bán đào cùng mới ăn cơm trưa.

Anh Cháy chia sẻ thêm, nắng ráo thì không nói, còn mưa thì lều ướt hết, rét cũng phải ngủ, có bao nhiêu chăn rồi quần áo là đắp hết. Công sức chăm sóc cả năm trời, bắt buộc phải ngủ tại đây để trông tài sản.

Tuy nhiên, ăn lề ngủ đường, thời tiết về đêm mưa rét không phải là trở ngại duy nhất của anh Cháy và những người bán đào, điều khiến họ mất ngủ nhất đó là tiếng xe cộ, nhiều đêm không thể chợp mắt hoặc giấc ngủ liên tục bị đánh thức. Một số người bật nhạc hoặc mở đài cả đêm để hòng làm dịu đi mớ âm thanh tạp nham ngoài kia.

Cách lều của anh Pao, anh Cháy không xa, nhóm thợ bán đào do anh Hoàng Văn Hoan (Phú Thượng, Tây Hồ) quản lý cũng đang ăn vội những suất cơm bụi để tiếp tục lên đường chở "sắc xuân" đến mọi nhà, có người vẫn mặc nguyên bộ quần áo mưa lấm đất.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 5

Anh Hoan tranh thủ ăn vội hộp cơm bụi.

"Vất vả nhưng cũng phải làm vì là miếng cơm manh áo của cả nhà, của nhiều anh em nên chúng tôi cố gắng thôi. Nhà tôi lúc nào cũng có từ 15-20 công nhân trông coi, vận chuyển tại 3 điểm bán ở Hà Nội", anh Hoan nói.

Sinh ra ở đất trồng đào nổi tiếng Hà Nội, nhưng nhiều năm nay, anh Hoan có cách làm khác so với đại đa số người dân ở làng. Nhận thấy Sơn La và Sa Pa có khí hậu thích hợp. Anh thuê đất ở các vùng núi này, sau đó chở hàng nghìn cây đào từ Phú Thượng lên đó trồng. Khí hậu thích hợp, đào cho nhiều nụ, hoa nở to gấp hai gấp ba đào trồng ở Phú Thượng, Nhật Tân.

Tết Nhâm Dần năm nay, anh Hoan mang xuống Thủ đô gần 1000 cây, đến thời điểm này anh bán được 700-800 cây, bán lâu năm nên cũng có nhiều khách quen.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 6

Những giây phút nghỉ ngơi lúc trưa, cũng là lúc mọi người ăn cơm.

Có lợi thế nhà ở gần điểm bán nên hầu hết công nhân làm đào của anh Hoan đều được ngủ tại nhà, chỉ một vài người ngủ tại lều để trông đào. Hàng sáng, có một người nấu ăn sáng cho toàn bộ công nhân, trưa và tối bận hơn nên tất cả tranh thủ ăn cơm bụi để tiết kiệm thời gian.

Đêm xuống, sương muối đặc quánh táp vào những túp lều tạm làm cho cái lạnh của Hà Nội càng thêm tê tái. Thỉnh thoảng có một số người đốt lửa để sưởi, pha ấm trà nhâm nhi hoặc xem điện thoại giết thời gian.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 7

Người bán đào thức đêm trông hàng trong cái giá lạnh của Hà Nội.

"Không ấm cũng phải ấm thôi, vì bọn tôi không có sự lựa chọn. Làm việc quần quật cả năm, còn mấy ngày cuối cùng, chẳng nhẽ lại bỏ cuộc", một người bán đào trên đường Lạc Long Quân tâm sự.

Như "ngồi trên đống lửa" vì đào ế ẩm, giá giảm

Anh Pao, anh Cháy và những công nhân của anh Hoan ai cũng muốn bán "đắt hàng" để được về quê đoàn tụ với gia đình thật sớm, nhưng không phải cứ "muốn" là sẽ "được".

Cuộc trò chuyện với phóng viên ngắt quãng để anh Pao nghe điện thoại của vợ, cả hai trao đổi với nhau bằng tiếng Mông chưa đầy một phút rồi dừng lại, anh Pao trầm ngâm: "Vợ tôi lại hỏi tình hình bán được không để cắt đào mang xuống đợt hai, nhưng năm nay buôn bán chán, 10 người đến xem chỉ có 1 người mua".

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 8

Trong 80 cành đào tuyển chọn mang xuống Thủ đô, anh Pao chỉ dám mang vài cành giá hơn chục triệu, còn lại đều ở phân khúc 1-3 triệu đồng. Giá cả cũng giảm 1/3 đến một nửa so với năm ngoái.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 9

Người tới xem đào đông nhưng lượng mua giảm so với mọi năm.

Kinh tế khó khăn, anh Pao cũng dự đoán người chơi hoa chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn so với mọi năm. Nhưng chăm bẵm cả năm nên anh đành phải đem xuống Hà Nội bán gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó.

Sự lo lắng hằn rõ trên khuôn mặt người đàn ông quanh năm suốt tháng gắn bó với nương rẫy, anh tâm sự thêm: "Quanh năm chăm bẵm cho từng gốc đào nên những ngày thu thành quả không chỉ tôi mà vợ con đều thấp thỏm lo lắng. Không biết thành quả lao động cả năm có bù lại công sức, thời gian, tiền vốn bỏ ra hay không, hay lại không có công như năm ngoái.

Nghề trồng hoa mùa vụ như chúng tôi chẳng khác nào đánh canh bạc với thời tiết. Có thể đào nhiều nụ, dáng đẹp nhưng mang xuống Thủ đô chỉ cần nắng to vài hôm hoa bung ra hết hoặc giá rét hoa không nở, không có khách mua là lỗ chổng vó".

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 10

Những cành đào đã được khách chọn và xe chở đào chuyên dụng vận chuyển đến tận nhà người mua.

Chưa kể, nếu năm nay, lặp lại tình trạng người dân đợi đến 29, 30 Tết mới đi mua hoa để ép giá thì những người bán đào như anh Pao có lẽ lại mất Tết. Nông dân trồng đào chỉ trông mong vào chục ngày cuối năm. Nhưng nhiều khách hàng lại chỉ tìm đến mua vào những giờ phút cuối cùng với tâm lý mua được giá rẻ, thậm chí cho không.

Chuyện chàng trai người Mông vượt 200 km mang đào xuống Thủ đô bán Tết - 11

Ánh mắt lo lắng của anh Pao khi cận Tết mà đào vẫn còn nhiều.

Năm ngoái, anh Pao phải chi thêm tiền cho công nhân vệ sinh môi trường để họ dọn giúp vì bán ế. Chiều 30 Tết năm ấy, trên chiếc xe máy về quê mà lòng anh nặng như đeo đá.

 Toàn Vũ - Hà Hiền