Bạn đọc viết:

Từ vụ án oan 10 năm, ước mơ chỉ một đạo luật

(Dân trí) - Tôi chợt nghĩ, giá như ở VN chỉ có một đạo luật duy nhất thực hiện nhiệm vụ định ra các quy tắc xử sự áp dụng cho cho tất thảy 90 triệu dân trên đất VN. Một người đọc hay 90 triệu người đọc cũng cầm trên tay chỉ một đạo luật như vậy.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

“Trước đây khi chưa có luật thì người dân sống bằng luật rừng, còn bây giờ có nhiều luật thì người dân đang sống trong rừng luật”- Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đã từng phát biểu như vậy và hơn ai hết, chắc hẳn khi thốt ra câu này, ông đã phải cân nhắc rất nhiều và đau đáu nhiều hơn về nỗi thống khổ của nhân dân, nhất là đối với tầng lớp những người cùng khổ.

 

Và tôi chợt nghĩ, giá mà  ở VN chỉ có một đạo luật, một đạo luật duy nhất thực hiện cái nhiệm vụ định ra các quy tắc xử sự áp dụng cho cho tất thảy 90 triệu dân trên đất Việt. Một người đọc hay 90 triệu người đọc cũng cầm trên tay chỉ một đạo luật như vậy.

 

Một đạo luật mà mỗi quan hệ giữa người với người được điều chỉnh bởi chỉ một quy định.

 

Một đạo luật mà dẫu thẩm phán hay luật sư, kiểm sát viên hay công an và quan trọng hơn, người dân đều có thể cùng chung một cách hiểu, một cách giải thích thống nhất với nhau.

 

Một đạo luật phủ nhận những lập luận của người đời về nhận thức rằng: tuỳ theo giai tầng, vị trí khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, quyền lợi khác nhau mà cùng mỗi một vấn đề, những người khác nhau sẽ có những cách hiểu khác nhau.

 

Một đạo luật được ban hành tuân thủ đúng với nguyên lý làm luật, cái nguyên lý về tính tường minh, đơn giản, dễ hiểu và đơn nghĩa.

 

Một đạo luật không được phép hiểu như một áng văn chương, ai cũng có thể đưa ra bình luận, diễn giải và phân tích và hiểu theo cách riêng của mình (?)

 

Cái thực tế “rừng luật” mà  ông Nguyễn Đình Lộc nói không hẳn bởi vì số  lượng các văn bản quá nhiều, mà thật ra hệ thống văn bản pháp luật của VN, theo tôi thấy, vẫn còn mỏng và còn để hổng nhiều lĩnh vực chưa điều chỉnh. Trong ý thức chủ quan của tôi, ông Nguyễn Đình Lộc đang nói đến cái hiện trạng rắc rối, chồng lấn và mâu thuẫn của hệ thống pháp luật VN.

 

Dường như đâu đó dễ gặp ngay trong bản thân mỗi văn bản đã tồn tại những quy định mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau, khó hiểu hoặc đa nghĩa. Trong hệ thống các văn bản thì ôi thôi, trống đánh ngược, kèn thổi xuôi, trên bảo dưới không nghe. Nghị định lách luật, thông tư lách nghị định, quyết định cá biệt trái luôn cả văn bản quy phạm.
 
Rắc rối là thế, nói là “rừng luật” thật “đắt” bởi nếu Luật là cây, thì đã có Nghị định, thông tư, chỉ thị, quyết định làm cành, làm rễ. Và đâu đó có cả những văn bản cá biệt khác làm thân tầm gửi, bám rễ vào cây mà vươn mình ra hút khí trời. Nên có ai đó trót lạc vào rừng luật đó, không khó thoát cảnh ngẩng đầu vướng cành, cúi xuống vướng rễ và quan trọng hơn - rình rập đâu đó rất có thể là thú dữ.

 

Trong cái mớ bòng bong đó, hẳn vẫn là giống với luật rừng, kẻ mạnh chiến thắng, kẻ yếu bỏ mạng. Dẫu có những vụ như với ông Chấn thì cũng… đã đụng được đến ai? Kẻ “ăn thịt” vẫn nhởn nhơ ngồi uống ánh trăng vàng, chỉ thương thay những “chú nai tơ” chẳng may lạc lối vào rừng để rồi bị ăn thịt mà vẫn chẳng hiểu tại sao!!!

 

Nói cái nguy hiểm rình rập là bởi tính khó đoán định của nó. Và chính cái tính khó đoán định đó sẽ tạo vô số các nguy cơ khác như một hệ luỵ tất yếu. Do khó đoán định lại bị vướng trên vướng dưới, nên không ai đủ dũng cảm để tạo ra những hành động có tính bứt phá.

 

Trên đầu công chức có vô số các quy định. Trên đầu doanh nghiệp có vô số các quy định. Trên đầu người nông dân có vô số các quy định. Quan trọng hơn cả, vô số các quy định ấy không chỉ không thống nhất mà còn mâu thuẫn với nhau, tạo nên một thứ như thể “lưới trời” mà những người ở dưới đó biết chắc là… không thể thoát được!!! Vậy thì thôi, tốt nhất là đành ngồi im cho an toàn, chứ đứng dậy kiểu gì cũng đụng đầu.

 

Vậy là mọi khả năng sáng tạo bị mất đi, sự mạnh dạn bị mất đi và những lối mòn đã có trước đó vẫn được coi là bảo bối vàng để người ta đi lại trong đó. Theo tôi nghĩ, sẽ chẳng có sự cải cách nào thật sự được triển khai, sẽ chẳng có cách làm mới nào được đưa ra và sẽ chẳng có những nhân tài nào thật sự đủ dũng cảm xuất hiện để cống hiến. Lưới ấy che cho những kẻ tay cầm ô nách cắp cặp, đỡ cho những kẻ lạc đường và dẫn lối cho những… con voi chui qua lỗ kim.

 

Những người cầm cân nảy mực có một quyền năng lớn lao, ấy là giải thích luật và vận dụng cái việc giải thích đó để thực thi pháp luật. Khi mà nhà nào cũng có thể tự hiểu và vận dụng, áp dụng luật theo cắt nghĩa riêng của mình bởi không có một tiêu chuẩn chung trong bối cảnh quy định đa nghĩa hoặc khác nhau, thì cũng chẳng thể trách được ai. Bởi ai cũng cho là mình đã cố gắng hết sức để làm tròn trách nhiệm, hết khả năng rồi (!?)

 

Nhưng làm trọn trách nhiệm với ai, có khách quan hay không thì không ai kiểm chứng được, song dễ hình dung ra hệ quả của việc đó là tình trạng lạm quyền. Ranh giới đúng - sai khó sáng tỏ, thì vấn đề chỉ là làm sao dùng cái quyền để phán nó theo ý mình là được. Và quan trọng hơn, khi cái sai bị phanh phui thì lại có vô số các quy định làm cơ sở để trốn tránh và đùn đẩy trách nhiệm.

 

Quy định pháp luật cho phép thế, tội gì không làm??? Vậy là “rừng luật” đã cho ai có quyền một sức mạnh có thể nói là của “luật rừng”, đe doạ thô bạo đến danh dự, nhân phẩm và tính mạng của người khác mà vẫn có thể dễ dàng thoát tội. Có quyền phán theo ý mình thì cũng phải tìm cách lo lót sao cho bề trên không phật ý để còn được yên vị mà phán tiếp… Dễ hiểu vì sao vấn nạn tham nhũng vẫn hoành hành.

 

“Rừng luật” hiển nhiên tạo cho người ta một tâm lý  đề phòng, nghi ngờ và mất niềm tin. Nhân dân mất niềm tin vào hệ thống pháp luật, vào cơ chế thực thi pháp luật và vào cơ quan công quyền.

 

Mất niềm tin mới dẫn đến tình trạng tự xử. Tự xử nhìn chung về thực chất chỉ là một phản ứng tự nhiên khi không thể viện tới một quyền lực trung gian khác. Tự xử không chỉ nói lên sự kiệt cùng của một cá nhân, mà còn nói lên cái có thể nói là sự bất lực của hệ thống các cơ quan tư pháp trước nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

 

Và tôi vẫn đang ngồi mơ, mơ sao chỉ có một đạo luật thôi. Dài cỡ ….triệu trang cũng được, chia ra trăm nghìn phần, nghìn chương cũng được, miễn sao là một. Một tôn ti trật tự, một chuẩn mực và một sợi chỉ đỏ xuyên suốt đi tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Và cái một ấy sẽ như Bác Hồ thân yêu của chúng ta đã truyền dạy: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể ṃòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

 

Luật sư Hà Huy Phong
(Nhóm nghiên cứu pháp luật và chính sách – Công ty Luật TNHH Inteco)
Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau