Bán 3 bát bún giá 1,2 triệu, chủ quán có phải trả lại tiền cho khách?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu hành vi của chủ quán bún thuộc nhóm bán hàng cao hơn giá niêm yết hàng hóa, chủ quán có thể bị xử phạt và phải trả lại số tiền đã thu cao hơn so với giá niêm yết.

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao với bài đăng về việc thực khách tới ăn tại quán bún riêu địa chỉ 54 Bạch Mai (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào đêm mồng 1 Tết bị "chặt chém" với giá 400.000 đồng/bát. 

Theo nội dung bài đăng, vị khách cùng bố và anh trai ăn bún riêu tại quán trên và không hỏi giá trước khi ăn. Khi thanh toán, nhóm khách bị báo giá 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu và buộc phải chuyển khoản cho chủ quán. Sau trải nghiệm kém vui, người này đã đăng tải bài viết và thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. 

Tiếp nhận thông tin, UBND phường Bách Khoa đã chỉ đạo công an kiểm tra thông tin, yêu cầu chủ cơ sở làm cam kết; đồng thời giao các cơ quan chuyên môn của phường đình chỉ, dừng hoạt động của quán. 

Với hành vi trên, chủ quán ăn có thể bị xử phạt ra sao? Theo quy định pháp luật, thực khách có thể được hoàn tiền hay không?. 

Bán 3 bát bún giá 1,2 triệu, chủ quán có phải trả lại tiền cho khách? - 1

3 bát bún riêu của nhóm khách ăn lúc 1h sáng ngày mồng 1 Tết bị thu giá 1,2 triệu đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trả lời

Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định tại Điều 29 Luật Giá 2023, giá niêm yết là giá mua bán hàng hóa, dịch vụ (đã bao gồm các loại thuế, phí) do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định. Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp và các thông tin khác (nếu có) về đặc điểm của hàng hóa. 

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá phải bảo đảm rõ ràng, không gây nhầm lẫn về mức giá mua bán hàng hóa, dịch vụ, thể hiện rõ ràng qua các hình thức như in, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy; in trực tiếp trên bao bì hoặc các hình thức phù hợp khác để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được bán cao hơn giá niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể hoặc ban hành biên độ định giá thì phải bán theo giá phù hợp và tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. 

Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh dù ở quy mô nào đều phải thực hiện niêm yết giá theo hình thức thích hợp và rõ ràng để tránh hiểu lầm. Đối với hành vi có dấu hiệu lợi dụng dịp Tết, khan hiếm cửa hàng để "chặt chém", trục lợi, chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 87/2024/NĐ-CP của Chính phủ. 

Cụ thể, theo Điều 13 Nghị định này, tổ chức, cá nhân có hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng hoặc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định có thể bị xử phạt cao nhất lên tới 1 triệu đồng. 

Đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ, mức phạt tiền là 5-10 triệu đồng. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, mức phạt là 20-30 triệu đồng. 

Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn có thể bị buộc phải niêm yết giá theo quy định và buộc phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết (đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ). 

Như vậy, đối với hành vi có dấu hiệu "chặt chém" giá để trục lợi, người dân có quyền trình báo sự việc tới cơ quan quản lý tại địa phương. Nếu bị xác định vi phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể bị xử phạt tùy thuộc tính chất hành vi và có thể phải trả lại số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết (áp dụng trong trường hợp bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ).