Chuyện bát bún 400.000 đồng đêm giao thừa: Làm gì có ai đùa như thế!

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Chủ quán chỉ bao biện cho hành động "chặt chém" dã man của mình thôi. Làm gì có bát bún nào như hình có giá 40.000 đồng vào rạng sáng mùng 1 Tết?", độc giả Dân trí bình luận.

Liên quan tới vụ việc quán bún riêu tại địa chỉ 54 Bạch Mai (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bán 3 bát bún riêu cho khách hàng đêm giao thừa với giá 1,2 triệu đồng, UBND phường Bách Khoa đã tạm đình chỉ hoạt động của quán để tiến hành kiểm tra. Làm việc với chính quyền, bước đầu chủ quán cho biết chỉ nói đùa, báo giá 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu. Do khách tưởng thật nên đã chuyển khoản để thanh toán đủ số tiền trên. 

Không thể xoa dịu tình hình mà ngược lại, lời giải thích từ chủ quán bún càng khiến nhiều người phẫn nộ và cho rằng đây chỉ là lời bao biện vụng về cho hành vi "chặt chém" của mình. 

Chuyện bát bún 400.000 đồng đêm giao thừa: Làm gì có ai đùa như thế! - 1

3 bát bún riêu của nhóm khách ăn lúc 1h sáng ngày mồng 1 Tết bị thu giá 1,2 triệu đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Độc giả Nguyen Kim Oanh viết: "Chủ quán chỉ bao biện cho hành động "chặt chém" dã man của mình thôi. Làm gì có bát bún nào như hình có giá 40.000 đồng vào rạng sáng mùng 1 Tết?". 

"Làm gì có chuyện nói đùa, ngày thường bán 40.000 đồng mà sớm mùng 1 Tết cũng 40.000 đồng thì ai nghe được. Chặt chém quá rõ ràng", chủ tài khoản Ktschull.arc tiếp lời. 

Chung quan điểm, anh Trinh Van The bình luận: "Sáng mùng 1 Tết, không ai muốn phiền phức đôi co trả giá. Chủ quán có thể đã lợi dụng tâm lý này để hét giá 400.000 đồng/bát bún. Còn việc chủ quán bảo nói đùa thì chỉ là ngụy biện khi vụ việc bị vỡ lở. Nếu đùa sao không đùa vào ngày khác, đùa với giá rẻ hơn, và khi nhận tiền thật thì sao không trả lại? Khách sao biết chủ quán đùa hay thật?". 

Tiếp tục phân tích về những lời ngụy biện vụng về của chủ cơ sở này, chủ tài khoản LOLBiz viết: "Tôi đi cắt tóc, tiệm tóc cũng đùa báo giá 70 triệu nhưng vì là khách quen nên tôi thừa hiểu là 70.000 đồng. Quán nhận được 1,2 triệu rồi im luôn thì chắc chắn không phải đùa rồi". 

"Nuốt không trôi thì lại bao biện là đùa. Khách cũng thử đùa chuyển có 120.000 đồng xem có ra khỏi quán được không? Nên phạt thêm cái tội lươn lẹo", bạn đọc Tran Marcus bất bình. 

"Các quán ăn giờ đa số đều có ứng dụng nhắc số tiền bằng giọng nói khi thanh toán, đồng thời khi khách chuyển khoản mà chủ quán hay nhân viên không xem hóa đơn thanh toán thì cũng hiếm, chỉ trừ trường hợp khách quen thân. Đùa kiểu này chỉ là thuật ngữ, là lời bao biện vụng về của chủ quán mà thôi", bạn đọc có nickname Mr.Dam bình luận. 

"Nói đùa nhưng khi người ta chuyển khoản 1,2 triệu thật thì cũng im luôn, đến khi dư luận ầm ĩ, tới tai chính quyền thì mới xin số tài khoản để trả lại tiền cho khách. Em gái chủ quán thì tưởng không có bằng chứng nên rất hùng hồn, còn thách thức thực khách Tốt nhất nên tẩy chay quán ăn này", chủ tài khoản Chumap viết. 

Theo luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá phải bảo đảm rõ ràng, không gây nhầm lẫn về mức giá mua bán hàng hóa, dịch vụ, thể hiện rõ ràng qua các hình thức như in, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy; in trực tiếp trên bao bì hoặc các hình thức phù hợp khác để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được bán cao hơn giá niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể hoặc ban hành biên độ định giá thì phải bán theo giá phù hợp và tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. 

Chủ thể cố tình vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 87/2024/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: 

Đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng hoặc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định, mức phạt là phạt tiền 500.000 đến 1 triệu đồng. 

Đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ, mức phạt tiền là 5-10 triệu đồng. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, mức phạt là 20-30 triệu đồng. 

Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn có thể bị buộc phải niêm yết giá theo quy định và buộc phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết (đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ).