Tranh luận từ chuyện xử phạt tài xế dừng xe, trải chiếu ăn cơm ven cao tốc

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Việc dừng xe, trải chiếu trên cao tốc có thể là hình ảnh phản cảm, đáng lên án, song việc áp dụng chế tài xử lý ra sao cũng cần được cân nhắc một cách thận trọng, tỉ mỉ", độc giả Dân trí bình luận.

Như Dân trí thông tin, Đội 1 Cục Cảnh sát Giao thông đã lập biên bản xử phạt tài xế V.A.T. (45 tuổi, ở Hà Nội) số tiền 13 triệu đồng về hành vi dừng đỗ xe sai quy định trên cao tốc. Anh T. là người cho ô tô dừng đỗ ven cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) sáng 3/2 và cùng người nhà xuống trải chiếu ăn cơm ven đường. 

Sau khi được đăng tải, thông tin về sự việc gây ra nhiều luồng quan điểm trái chiều trên mạng xã hội. 

"Bữa tân niên đắt giá"

Trong số các ý kiến được đưa ra, phần đông đều ủng hộ việc xử phạt gia đình nam tài xế nhằm đảm bảo tính răn đe và ngăn chặn hành vi tương tự có thể xảy ra. Chủ tài khoản But viết: "Trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ít nhất 2 trạm dừng nghỉ, sao không vào đó mà ăn uống cho thoải mái? Không thể đợi thêm vài phút được hay sao mà phải dừng ở nơi không được phép như vậy, để rồi phải trả cái giá quá đắt". 

"Không hiểu tài xế nghĩ gì lại đặt bản thân và gia đình vào tình thế nguy hiểm tính mạng như vậy", chủ tài khoản Tenmienngon bình luận. 

"Từng có trường hợp tương tự và đã bị phạt rất nặng, không rõ tài xế này có biết không hay đã quên, để rồi phải dùng một bữa ăn ven đường với cái giá phải trả còn đắt hơn trong nhà hàng", anh Nguyen Minh Tri tiếp lời. 

Có chung quan điểm, song bạn đọc có nickname LOLBiz bình luận: "Được trải chiếu, ăn bữa cơm tại nhà hàng ngàn sao, view núi rừng thoáng mát, độc lạ. Cái giá 13 triệu còn quá rẻ". 

Tranh luận từ chuyện xử phạt tài xế dừng xe, trải chiếu ăn cơm ven cao tốc - 1

Hình ảnh gia đình anh T. dừng xe ăn uống trên cao tốc (Ảnh: Cục CSGT).

Phân tích dưới góc độ kỹ thuật, độc giả Minh Anh cho rằng đây là hành vi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các phương tiện khác lưu thông trên đường. Do đó, việc xử phạt là cần thiết, kịp thời. 

"Dù phương tiện đã đỗ gần như ra hẳn ngoài làn đường, tôi cho rằng đây vẫn là hành vi nguy hiểm. Sự nguy hiểm không nằm ở hành vi đỗ xe, mà tới từ thời điểm xe chuyển làn, ra vào khu vực này. Các cao tốc đã thiết kế trạm dừng nghỉ, lối ra riêng biệt rất rõ ràng để hạn chế tối đa rủi ro tai nạn, không thể để xảy ra tình trạng ra vào, dừng đỗ bừa bãi, tùy tiện như trên được. 

Tôi hoàn toàn ủng hộ và đề nghị xử lý nghiêm hành vi dừng đỗ trên cao tốc mà không phải vì lý do thực sự cần thiết như xe hỏng hay có người bị tai nạn", bạn đọc này phân tích. 

Dẫu vậy, không ít người cũng đặt ra những câu hỏi với việc xử lý tài xế trong tình huống như trên. Độc giả Minh Do viết: "Nên sửa lại tên gọi đoạn đường này. Nếu đúng cao tốc, có hộ lan và làn dừng khẩn cấp thì phạt vậy là đúng nhưng nhìn hình ảnh thì tôi thấy giống đường liên xã hơn. Phạt lỗi theo tên gọi cao tốc nặng quá". 

"Theo tôi, cao tốc chuẩn bao gồm làn xe chạy, làn khẩn cấp và trạm dừng nghỉ. Hai bên đường cần phải có hộ lan, không thể có chuyện để xe vào khu đất trống đó được. Để như vậy không chỉ nguy hiểm từ việc phương tiện chuyển làn mà còn nguy hiểm khi gia súc có thể vào cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tai nạn khủng khiếp", bạn đọc Nguyễn Hà chia sẻ. 

"Theo tôi, có một số vấn đề cần nhìn nhận như sau: Thứ nhất, đoạn đường này có thực sự được coi là cao tốc hay không khi chỉ có 2 làn đường xe chạy, không có dải phân cách cứng? Tôi thấy nó giống đoạn đường liên xã, liên huyện hơn đường cao tốc. Thứ hai, khu vực tài xế dừng đỗ có được coi là làn dừng khẩn cấp không, và việc tài xế đỗ gần như toàn bộ thân xe ra khỏi phần đường xe chạy có gây nguy hiểm cho các phương tiện khác hay không? 

Đây có thể là một hình ảnh phản cảm, đáng lên án, song với các cơ quan quản lý, việc áp dụng chế tài xử lý ra sao cũng cần được cân nhắc một cách thận trọng, tỉ mỉ", độc giả Jacky Tran bình luận. 

Nếu đỗ toàn bộ thân xe ra khỏi cao tốc có bị xử phạt không?

Theo Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người điều khiển phương tiện không được dừng, đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất; gầm cầu vượt (trừ những nơi cho phép dừng đỗ xe); song song cùng chiều với một xe khác đang dừng đỗ trên đường; trên phần đường dành cho người đi bộ hay tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới... 

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện chỉ được dừng, đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy. Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì chỉ được dừng xe, đỗ xe sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.

Tranh luận từ chuyện xử phạt tài xế dừng xe, trải chiếu ăn cơm ven cao tốc - 2

Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai không có dải phân cách cứng (Ảnh: Đỗ Quân).

Còn theo khoản 2, Điều 25 Luật này, người điều khiển phương tiện chỉ được dừng đỗ ở nơi quy định. Trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác thì được dừng đỗ ở làn dừng khẩn cấp cùng chiều xe chạy và phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp. Trường hợp xe không thể di chuyển được vào làn dừng khẩn cấp, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét, đồng thời nhanh chóng báo cho Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.

Như vậy, việc dừng đỗ xe trên cao tốc chỉ được thực hiện tại nơi có quy định được dừng đỗ và phải tuân thủ việc phát các tín hiệu bằng đèn khẩn cấp để phương tiện khác thấy được. Trường hợp vi phạm, tài xế sẽ bị áp dụng mức phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định. 

Tuy nhiên, với trường hợp ven đường có khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy như trên, nếu tài xế dừng, đỗ toàn bộ thân xe tại khu đất, không lấn chiếm phần đường sử dụng cao tốc, đây là hành động phù hợp theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.