"Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa"

PV

(Dân trí) - Thật sự mình đã phải khóc vì cuộc đời chắc là không chỉ đo bằng số hơi thở dặm dài trăm năm hay ngót trăm năm đâu. Mà đo bằng cả những khoảnh khắc làm người ta nín thở vì cảm thán và rơi lệ.

"Đi nhiều hơn nghĩa là hiểu biết hơn, là trở nên bao dung và khiêm tốn hơn", tôi đã "trích" câu này trong bài giới thiệu in ở bìa cuốn sách mới xuất bản của Nhà báo, nhà bình luận thể thao nổi tiếng Trương Anh Ngọc, "Đi khi người ta trẻ".

Khi ở tuổi chập chững vào đời, tôi thích đọc cụ Nguyễn Tuân với niềm đam mê sưu tập va-li để lúc nào cũng tấp tểnh đi tìm những khung trời lạ. Đến mức, chính cụ hay là ai đó đã nói, đi nhiều thế thì sau này phải có trách nhiệm vá lại đường xá mà bước chân mình đã "phá" quá nhiều đấy nhé.

Tôi thích những câu thơ như là định mệnh của những người thích xê dịch, bất biết ý nghĩa ban đầu của nó chẳng phải để cho những người như tôi và "công dân toàn cầu" Trương Anh Ngọc "tự trào" trong thế kỷ 21: "Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm / Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa / Mái đầu xanh thề mãi đến khi già /Phơi nắng gió / Và hoa ngàn cỏ dại" (thơ Chính Hữu).

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa - 1

Vẻ đẹp của những vịnh hẹp lừng danh ở Na Uy (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng).

Nghĩ về lòng mộ đạo vô biên

Tôi bước sang tuổi 50 và thấy mình quả là đã "phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại" cái mái đầu từ lúc non tơ xanh mướt đến khi già đến thế này. Mỗi lần bỏ lại một đôi giày rách (theo đúng nghĩa đen) ở một châu lục xa xôi, một xứ người thắm tình hoặc quạnh quẽ, tôi đều nhớ đến câu rưng rưng "bõ công bác mẹ sinh thành ra ta".

Lắm lúc, dốc cạn sức mình, đeo bình ô xy để gặn chắt thở cố lấy từng hơi ngắn và yếu, cứ nghĩ đây có phải là hơi thở cuối cùng của đời mình chăng. Bởi vì chúng tôi lên đến độ cao bốn, năm nghìn mét so với mực nước biển, không khí thì loãng mà tôi thì chia trăm năm đời người ra, tôi đã leo đến đỉnh dốc và đang tụt sang bên kia mất rồi. Lúc ấy tôi tỉnh ngộ: những chuyến đi làm cho người ta khiêm tốn hơn. Mỗi ban mai thấy một khung trời lạ, cảm giác đó thật hạnh phúc và hạnh phúc nhất là được lột xác trong suy nghĩ mỗi ngày.

14 năm trước, tôi tới Tây Tạng lần đầu. Trục thứ ba của thế giới, xứ sở của Thánh Mẫu Vũ Trụ đẹp đến tê người, tôi đã viết trên Dân trí: "Giọt nước mắt giữa lưng trời tuyết trắng".

Thật sự mình đã phải khóc vì cuộc đời chắc là không chỉ đo bằng số hơi thở dặm dài trăm năm hay ngót trăm năm đâu. Mà đo bằng cả những khoảnh khắc làm người ta nín thở vì cảm thán và rơi lệ.

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa - 2

Vịnh hẹp lừng danh ở Na Uy (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng).

Những hồ xanh thiên đường, tôi dò dẫm đi trong cái lạnh như tùng xẻo từng lọn thịt da của mình ấy, mà xuống vở nước, thả rông trí tưởng tượng của mình lên những đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu, nước ở đây có thật là nước không. Hay hồ xanh là một miếng ngọc lục bảo thượng giới đánh rơi. Sao hồ nước trong lục địa mà có thể rộng như biển thế kia. Sao lông bò yak có thể dài tới một mét được để mà chống giá lạnh, hả giời?

Và "ôi chu choa" (bạn tôi hào hển) sao nước hồ từ núi tuyết băng trinh triệu triệu năm băng đăng vĩnh cửu, không hề giáp một đại dương nào, mà lại mặn chát như biển? Hóa ra, người ta thấy đủ thứ của Long Cung, của "vua Thủy Tề" dưới ngọn núi khổng lồ của dãy núi cao nhất thế giới Hymalaya, từ nghêu sò ốc hến đến các "quái vật" lạ lùng từng sống dưới biển sâu.

Bởi vì những biến thiên trồi sụt của vỏ trái đất, đã "đội" đại dương lên đỉnh trời, đã nhấn nhiều ngọn núi xuống biển, đã tách các siêu lục địa. Bỗng dưng, mới thấy thuyết lục địa trôi dạt là rất thuyết phục: ở hai bên bờ của Đại Tây dương, hai lục địa châu Phi và Nam Mỹ, bây giờ, nếu di ngón tay trên ipad chơi trò xếp hình thì có thể thấy chúng di đến gần rồi từ từ trùng khít vào nhau; khả năng rất cao là chúng vốn là một miếng vỡ làm đôi, rồi trôi ra xa nhau!.

Trước, biển trồi lên thành núi quá nhiều. Và giờ muối mỏ có sẵn trong núi đá ở Nam Mỹ, cứ đào ra đen đi bán, thế nên các mỏ muối cổ ở Peru trở thành điểm đến "di sản thế giới". Ở Tây Tạng, thì băng tan ra thành hồ nước mặn, vì băng kia và núi kia chứa trong bụng nó toàn là… đại dương.

Hồ nước mặn Namsto, các thủ phủ Lhasa của Tây Tạng khoảng 240km, diện tích khổng lồ 1.900 km2, chiều dài của hồ đã 70km!

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa - 3

Vẻ đẹp của Cửu Trại Câu, thiên đường nơi hạ giới, trong hành trình khám phá của tôi (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng và Anh Hà).

Tôi chứng kiến họ đi thành đoàn, không quan sát người nào đang tò mò chụp ảnh. Chẳng diễn trò cho họ chụp; mà cũng chẳng khó chịu khi họ hiếu kỳ "check in" khá vô duyên. Hơi thở của họ "bốc khói" mù mịt ngay trước mắt tôi, nhưng dường như tôi múa tay ra hiệu hãy nhìn tôi, đừng nhìn vào xa xăm nữa, họ vẫn trân trân hướng tới phía trước, phía có ngọn núi Kailash (Ngân Sơn), cao hơn 6.700m, một trong những đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu được sùng bái bậc nhất thế giới. Hoặc họ hướng tới cung điện Potala, cung điện cao nhất thế giới ở thủ đô cao nhất thế giới Lhasa, gồm 1.000 phòng và hơn 10.000 đền thờ.

Họ "hành hương" về với cõi thiêng với lòng mộ đạo vô biên. Thành kính, tín tâm, chứ không có chuyện tự cho mình là "đạo sư" mà bói toán cuồng xiên, xây tòa ngang dãy dọc để mưu sinh bằng cách dạy nhau cách moi tiền cúng kiếng của Phật tử, hoặc dùng bao tải giăng ra như vợt bắt cá để gạt vô thiên lủng phong bì của "con nhang đệ tử". Họ đi theo lối mòn đen thẫm trên tuyết trắng, ở đỉnh đèo mà tôi ngồi trong ô tô vẫn phải đeo bình thở ô xy vì không khí quá loãng.

Họ đi theo lối "tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa". Đi ba bước lại nằm sụp xuống, duỗi thẳng cẳng chân tay, đập bộp xuống mặt đường một lần (tam bộ nhất bái), khi "đập mình" xuống thì phải đủ tiêu chuẩn 5 bộ phận cơ thể chạm đất (ngũ thể nhập địa).

Thắm tình với các kỳ quan "nên đến trước khi chết"

Có lúc, tôi giác ngộ ở những miền đất đẹp não nùng như Na Uy, Thụy Sỹ hay Bhutan, Peru, Cửu Trại Câu giữa sắc thu lộng lẫy… Loài người sinh ra một khái niệm của cái đẹp, ấy là những vịnh hẹp di sản thế giới - Fjord. Hàng chục nghìn năm trước, trong giai đoạn cuối của kỷ băng hà, biển ăn sâu vào đất liền, qua thời gian.

Nước biển, sóng biển, như lưỡi kiếm xanh thẳm êm sắc cứ cắt lìa các trái núi. Có khi cắt gần hai trăm cây số chiều dài tính từ bờ biển. Vịnh hẹp như con rắn xanh khổng lồ trườn mãi vào trong bán đảo Scandinavia (dài gần hai nghìn cây số): hai bên, sừng sững các vách đá cao dựng trời. Tất cả, sẽ khiến bạn hiểu rằng "thiên đường trên mặt đất" là thứ có thật.

Tôi luôn có cảm giác giật mình, ngưỡng mộ, rồi thấy cảm thấy cái mênh mang của lịch sử trái đất và lịch sử loài người, khi gặp những công trình độ sộ và bí ẩn: như đường mòn Inca, các công trình đồ sộ của nền văn minh Inca rực rỡ trùm phủ nhiều quốc gia Nam Mỹ suốt nhiều thế kỷ; rồi kinh thành quên lãng ngủ trong rừng rậm cao 2,5 nghìn mét so với mực nước biển: Machupicchu ở Peru (Một trong Bảy kỳ quan thế giới mới).

Như "giọt lệ nồng vương trên gò má thời gian" lâu đài Taj Mahal ở Ấn Độ. Tôi chui xuống các thành phố ngầm khổng lồ trong lòng đất ở vùng Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ (thành phố ngầm dầu tiên ra đời từ thế kỷ 4 Trước Công nguyên, có tới 200 thành phố như vậy đã được khám phá ở Cappadocia, dưới lòng đất có đủ hầm rượu, bệnh viện, nhà xác, khu rèn đúc vũ khí), mà khâm phục sức người giữa các khúc quanh bi tráng của lịch sử loài người.

Đặc biệt là sông Nile, con sông vĩ đại dài nhất thế giới (6.650km), chảy qua 11 quốc gia trước khi đổ vào biển Địa Trung Hải, lưu vực của "ngài" gồm vô số đền đài lăng tẩm toàn ba bốn nghìn năm tuổi. Nhưng có lẽ phù sa kết tinh màu nhiệm nhất của nó chính là nền văn minh Ai Cập, với hơn 60 mộ táng đã khai quật nghiên cứu ở Thung lũng các vị Vua.

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa - 4

Vẻ đẹp của Ai Cập, nền văn minh cổ xưa hàng đầu thé giới, qua ống kính của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng).

Tôi vào tham quan chỉ 2 trong số đó, mà thật không sao lý giải được niềm tin tâm linh về một thế giới sau khi chết của người xưa nó có sức mạnh tới ngần ấy. Các bức tượng, các phù điêu, tranh vẽ, các đường hầm chui vào mộ táng được trang hoàng từ mấy nghìn năm trước. Chúng là di sản văn hóa lịch sử, là bước chân kỳ vĩ và kiêu hùng của loài người thuở sơ khai. Cả loài người nên tự hào về các di sản "ẩn tàng" trong hầm mộ đó.

… Và thế là, não người chiêm bái như được mở ra các biên độ vô cùng vô tận, một khi bạn được trực tiếp "mắt thấy tay sờ" các di sản mà nhiều thế hệ tổ tiên loài người đã chắt chiu xây dựng nên kia. Làm sao để Kim tự tháp Giza với số lượng 2,3 triệu khối đá (mỗi khối nặng từ 2,5 đến 15 tấn) được ra đời? Xin nhấn mạnh: số vật liệu này to, nặng, nhiều gấp 12 lần tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai của loài người thế kỷ 21.

Càng đi, tôi càng thấy cuộc đời đáng sống xiết bao, mới càng biết ơn sự hoài thai của mẹ. Dạ con của tình mẫu tử, tinh cha huyết mẹ đã biến tôi (chúng ta) từ hạt bụi chắc chắn là vô tri, vốn vạn kiếp lưu lạc trong vũ trụ vô thủy vô chung; bỗng ngày đẹp trời nào đó, đã trở thành một điệu hồn có những sợi dây rung thiêng quý. Có Chúa Trời hay không có Chúa Trời? Thần linh nào đã đưa ra chiếc tay nôi đón nhận chúng ta trên trần thế? Và: trí tuệ nhân loại bây giờ và nghìn đời trước, luôn chứa rất nhiều thứ siêu thực, trong khi sự hiểu biết của mình thật quá bé nhỏ.

Ai, những thiên tài mấy nghìn năm trước hay người ngoài hành tinh đã tính toán các chi tiết vừa kể? Hay các giá trị trác tuyệt của những nền văn minh 4 đến 7 nghìn năm trước đã biến mất vĩnh viễn khỏi sự hiểu biết của tất cả chúng ta?

Gầm trời thật nhỏ bé; kiếp sinh diệt chỗ nào cũng giống nhau

Trong những ngày lênh đênh trên vài chục hòn đảo tết bằng cỏ, nổi nênh trên hồ Titicaca giáp ranh Peru và Bolivia ở Nam Mỹ, tôi mới hiểu thế nào là vẻ đẹp của con hồ khổng lồ ở nơi cao nhất thế giới mà thuyền bè có thể đi lại được (ý là không tính đến vài hồ nước đóng băng quanh năm có thể cao hơn hồ này). Các cư dân xưa cũ, vì sợ bị tấn công, mà luôn trong trạng thái tấp tểnh trên mặt hồ bịt bùng sương khói. Bị đe dọa là chèo chống hòn đảo làm bằng cỏ ra xa, biến nó thành con thuyền chạy loạn.

Họ làm tôi nhớ tới cộng đồng người Đan Lai ở miền Tây xứ Nghệ, với tục lệ chống một cái cắng gỗ vào cằm để ngủ ngồi bên bếp lửa, hễ có quân quân đến bắt, thú dữ rình rập là… vùng té chạy.

Đêm ấy, Casto, anh bạn chắc là hậu duệ của các tù trưởng kiêu dũng thời Đế chế Inca (thế kỷ 13 đến 16) còn tại thế mới bèn đốt lửa nướng khoai tây đãi khách. Peru là nơi có tới hơn 3.000 loài khoai tây khác nhau. Nổi tiếng thế giới về khoai tây trên toàn thế giới. Bởi các ruộng bậc thang tròn xoe như miệng bát khổng lồ của đế chế này có hệ thống dẫn thủy nhập điền, có tầng cao thấp đủ cho sự ra đời đủ các vùng tiểu khí hậu bên dưới; và là nơi thử nghiệm cho ra đời hàng nghìn giống khoai tây cổ xưa.

Casto bảo: tôi vừa bỏ Lima (thủ đô của Peru, cách đó… một chặng bay và nhiều chặng xe cộ khác) về lại vùng đảo nổi này. Vì ở nơi khói bụi, tranh giành nhau, tôi sống không thể phù hợp được. Và tôi làm homs-tay đón khách du lịch, anh về nhớ viết cho tôi một cái tút trên mạng xã hội để quảng bá nhé.

"Anh dùng mạng gì? Ơ, thế bên kia bán cầu, ở Việt Nam cũng hay dùng cái mạng xã hội như bên này bán cầu à? Thế ở đó người ta có sống thành làng và có đi ô tô xe máy không?". Anh bạn cứ nhẩn nha hỏi, rồi đội phom mũ truyền thống, màu đỏ, chóp nhọn, cao vút một cách rất hài hước.

Anh mời tôi ăn lá cocacola mỗi ngày để chống lại hội chứng độ cao, rồi dẫn tôi thảy ba cái lá "ma túy" ấy xuống cảm tạ Mẹ Trái đất (ở Việt Nam, lá này bị coi là có chất ma túy và bị cấm sử dụng theo điều 247, Bộ Luật Hình sự). Cất tiếng hát vang, tự tay anh đệm đàn. Ngoài thung lũng, đền thờ bằng đá, bốn bề xếp đá như ngời Mông ở Hà Giang vẫn làm, họ thờ Mẹ Trái đất. Bên cạnh có ban thờ theo phong cách Tây Ban Nha.

Casto nói về thân phận con người, thân phận tình yêu. Và anh tỏ ra thông thái trên nhiều lĩnh vực, dẫu ít học, dẫu đi làm thuê trên thành phố khổ sở rồi về đây dựng nhà tạm bợ, cài thêm vài cành hoa lãng mạn trước hiên nhà. Ngoài Lima ra, anh chưa từng đi chơi, chưa từng đi làm việc ở bất cứ đâu khác. Nhưng anh bảo: "Tôi giống anh, vì chúng ta cùng một kiếp con người.

Cứ sống hết kiếp người, là các cái suy nghĩ, triết lý kia nó tự khắc sẽ hiện ra, ngấm vào mỗi chúng ta. Ở đây, nhiều người không biết chữ, chưa từng đi ra khỏi làng, họ cũng nghĩ như tôi với anh. Họ thông thái hơn những người ở Lima mà tôi đã gặp".

Người ta sinh ra, cất tiếng khóc chào đời, lớn lên, thành hay bại thì cũng là một kiếp người, "nồi nào úp vung nấy", yêu đương, lấy vợ gả chồng, già yếu, phát dục rồi tắt dục. Có niềm vui sinh con đẻ cái rồi có nỗi đau chứng kiến cha già mẹ héo. Và tự cuộc sống dạy người ta rất nhiều điều. Cũng đến điều, cũng chì chiết, cũng hoang vu. Casto nói rất dài, rồi lại hát và uống rượu.

Bỗng dưng, tôi ngộ ra một điều thật giản dị. Trái đất này quá rộng lớn nhưng cũng thật nhỏ bé, khi nghĩ về các cư dân với sự sinh diệt, với những cái làng và các điệu hồn đi ít hoặc đi nhiều, giàu có hoặc nghèo khó. "Ngày xưa xanh tóc, tôi như bạn / Đến thưở bạc đầu, bạn giống tôi". 

Tản mạn của Đỗ Doãn Hoàng