Góc nhìn chuyên gia:

Trẻ học gì ở trường mầm non

(Dân trí) - Để trả lời câu hỏi đó, xin đưa ra hai tiền đề về giáo dục mầm non và vấn đề đào tạo giáo viên mầm non.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

+ Thứ nhất, giáo dục mầm non là phần giáo dục quan trọng nhất vì đó là cơ sở cho tất cả việc học sau này; vì trẻ ở vào thời điểm có thể hấp thụ nhanh, tốt và nhớ lâu; vì trường mầm non sử dụng các phương pháp vừa là kỹ thuật dạy vừa thuộc xã hội hóa – Đào tạo các công dân tốt cái chính là đào tạo ở trường mầm non.

 

+ Tiền đề thứ nhì thuộc về vấn đề đào tạo giáo viên mầm non. Tại nhiều nước Âu Mỹ, đào tạo giáo viên mầm non cần 5 năm. Trò càng nhỏ, giáo viên càng cần “vạn năng”. Các giáo viên mầm non lý tưởng không cần phải là những nhà sư phạm uyên bác, nhưng cần là những chuyên viên biết dùng đúng lúc, đúng thời điểm những kỹ thuật “tinh vi” hay hợp lý, giúp trẻ phát triển một các tự nhiên nhất. Cần thật tự nhiên sao cho các cháu chỉ … chơi chứ không bị gò bó … học. Cô và trò như thế thoải mái vui sống cùng nhau.

 

Xin nhắc lại: trường mầm non dạy trẻ từ ba đến năm tuổi.

 

Trở về chương trình mầm non, bài này cũng đã bàn về trường mẫu giáo (http://huynhmai.org/2013/12/20/tre-co-the-hoc-gi-o-truong-mam-non)  thế nên hôm nay tôi chỉ xin từ từ khai thác câu hỏi “trẻ có thể học gì ở trường mầm non?” bằng vài cụm từ chính: Chơi, Bút chì, Bạn, Môi trường, Toán, Thời gian…

 

Chơi để lớn, chơi để phát triển tâm sinh lý; chơi để khám phá; chơi để mở mang trí tuệ, rèn luyện cơ bắp; chơi để sống cùng với người khác… Ở trường mầm non, chơi được tổ chức “ngầm” - tức là tổ chức một cách  khéo léo đến mức sự việc có vẻ như … tự nhiên và vô tình nhưng thật ra đã được xếp đặt bởi cô giáo và tuần tự diễn tiến theo những kịch bản, dĩ nhiên kịch bản trong số nhiều mà cô giáo đã dự trù trước.

 

Thật vậy, đối với trẻ chơi là một sinh hoạt tùy hứng, không có mục đích, không vụ lợi… Khi chơi, trẻ thực nghiệm những tình huống của cuộc sống: có bắt đầu, có diễn tiến, có thành công, có thất bại, có kết luận hay có khởi đầu lại. Cuộc đời cũng là những chuỗi như thế mà. Tùy tình huống chơi cho trẻ cơ hội để mó tay vào việc, để mừng khi thấy tiến triển, để thất vọng vì diễn biến không tốt, trải nghiệm “hỉ nộ ái ố” để chuẩn bị cho trẻ đương đầu với các tình huống trên đường đời sau này.

 

Cô giáo ở trường mầm non để cho các cháu chơi tự do, nhưng khéo léo “hùa” vào ở mỗi tình huống khác nhau để giúp các cháu định nghĩa tình huống, bật ra những cảm nhận và dùng lời để phát biểu phản ứng trước các tình huống. Cô giáo cũng ở đó để khi cần, gợi ý vài cách giải quyết vấn đề khi có vấn đề, và như thế giúp trò tiếp tục …chơi. Nếu không nhiều khi trẻ quá nóng tính, thiếu kiên nhẫn nên bỏ cuộc.

 

Cứ như thế, có những lúc trong lớp cô giáo có thể tuần tự theo dõi ba bốn nhóm chơi như vậy trong lớp và “dạy” học trò mình - giúp chúng học nói, học định nghĩa tình thế, học phân công trong các trò chơi và trăm ngàn điều mới lạ nữa.

 

Hát cũng là chơi. Hát để đi vào thế giới của âm thanh? Nói thế có vẻ hàn lâm vì ở trường mầm non, hát không là xướng âm các tác phẩm của Mozart hay của Schubert, hát chỉ để chơi với các khí quản và khả năng của buồng phổi. Hát khi vui, hát khi buồn, hát để tránh bực tức. Cô giáo mầm non thành công khi trẻ trong lúc buồn nản thay vì khóc, lại bật lên tiếng hát!

 

Sách cũng là một… đồ chơi. Tiếp cận  sách là khám phá  một thế giới mới, thế giới của biểu tượng. Chữ viết, nói cho cùng, cũng chỉ là những biểu tượng. Ở tuổi này không cần phải biết đọc mới tiếp cận  sách. Chỉ cần làm quen thôi, để sách thành thân thuộc.

 

Bút chì và bút cọ màu

 

Bút chì trước hết là một món đồ chơi lạ vì bút chì có thể dùng để vẽ, nhưng cũng có thể được trẻ dùng để … “chọc” bạn, hay để cho vào miệng ngậm….Nhưng rất nhanh, trẻ sẽ khám phá ra rằng bút chì là một công cụ hữu hiệu để vẽ đủ thứ, để làm thành những tác phẩm nói lên cảm nhận, góc nhìn của chúng về những vật thể và sự việc xung quanh chúng.

 

Với bút chì, chúng không những có thể vẽ chân dung mẹ (với tua tủa tóc mọc… dựng đứng trên đầu), mà còn có thể vẽ tranh để làm quà tặng mẹ hay tặng bất cứ ai mà chúng thương yêu. Chúng bắt đầu biết vị trí của mình (ta cứ thử nhìn các bức tranh của trẻ, chúng thường vẽ hình một ông bố to lớn, một bà mẹ thanh mảnh nắm tay một đứa trẻ bé tí xíu –  tác giả của bức tranh), tự định nghĩa mình và cụ thể hóa trên giấy những liên hệ xã hội. Chẳng những biết nói bằng lời, với bút, trẻ tập ngôn ngữ bằng hình để chuẩn bị cho giai đoạn sau (trong vài năm tới): tiếp cận với cái đẹp của hội họa.

 

Cô giáo ở trường mầm non khuyến khích trò vẽ, giúp trò vài “kỹ thuật” nếu cần. Nhưng nhiệm vụ chính của cô là khích lệ, khen và biểu dương trò bằng cách treo các bức tranh lên tường của lớp học chẳng hạn…

 

Chưa biết viết, chưa dùng bút cho chủ đích đó, nhưng bút chì là bạn đồng hành của trẻ mầm non mỗi ngày. Đó cũng là một cách để đi vào thế giới của trường học - thế giới mà cây bút là một công cụ không thể thiếu.

 

Bạn

 

Các gia đình hiện nay thường chỉ có một hay hai con. Tức là trẻ trong gia đình sống với người lớn nhiều hơn là sống với trẻ cùng trang lứa. Trường mầm non là một cơ hội vàng cho trẻ tiếp xúc với bạn.

 

Sống với bạn, có người đồng hành nhưng cái chính là những người đồng hành không biết nhân nhượng. Tức là trẻ tự nhiên phải học cách sống với người khác. Trước hết là học nói vì ở nhà nhiều khi không cần nói, mẹ đã hiểu rồi. Học nghe nữa để biết người đối diện muốn gì. Học những nguyên tắc tối thiểu để tự bảo vệ mình và tôn trọng người khác.

 

Nhân cách bắt đầu từ những trải nghiệm ấy. Biết phân biệt cái “tôi” với “người khác”. Sau đó biết về sở hữu, cái nào của mình và cái nào của bạn để từ đó học chia sẻ nữa: trước hết là chia sẻ đồ chơi, biết cho, cho mượn, trả … Đó là những luật lệ đầu tiên của cuộc sống.

 

Khám phá môi trường

 

“Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Đến trường, môi trường khác với những luật lệ, cách sinh hoạt khác. Cô giáo còn dẫn dắt học trò từng bước đi khám phá môi trường xung quanh.

 

Những đồ vật có thể trẻ đã có ở nhà - thế giới gia đình – chỉ giới hạn. Trẻ ở trường khám phá được nhiều hơn những đồ vật khác nhau do các bạn mang tới để minh họa, rồi cô giáo từ đó giới thiệu với trẻ những vật khác qua sách báo, qua tra cứu internet, qua tranh ảnh. Nhất là qua các cuộc dã ngoại như đi thăm trang trại, đi dạo trong rừng, … Những kinh nghiệm này đồng thời “dạy” các cháu về ý thức bảo vệ môi trường, hay những nguy cơ có thể có từ các đồ vật, hoặc từ trong môi trường.

 

Sự sống nữa. Các cháu tập quan sát, học từ sự sống của con giun trong vườn tới … em bé trong bụng mẹ. Trẻ ở trường mầm non đã được dạy về sinh học và về giới tính như thế, từ những khái niệm căn bản đó các cháu có thể bắt đầu suy nghĩ về nhân sinh quan và vũ trụ quan …

 

Học toán

 

Các khái niệm lớn, nhỏ, hình tròn, vuông, tam giác… Các số nhiều, ít, đông, thưa… Thông thường các cô giáo mầm non định giới hạn của các cháu theo số tuổi của các cháu. Lên bốn thì có thể “học” đến số 4 chẳng hạn. Mà biết tới nơi tới chốn, tức là biết cộng, trừ và nhân đến 4.

 

Học giá trị của tiền bạc nữa. Năm tuổi, “tốt nghiệp” trường mầm non xong là các cháu có thể đối thoại được với người bán hàng, trả tiền cho cô thu ngân và hơn thế nữa, có thể giải thích với nhân viên ngân hàng rằng cháu muốn mở một trương mục tiết kiệm….

 

Thời gian

 

Biết xem giờ là kỹ năng cụ thể của trẻ ở lớp 3 trường mầm non. Nhưng ngoài kỹ năng đó ra, bốn mùa trong năm, bảy ngày trong tuần, tuổi trẻ - tuổi già là những khái niệm về thời gian  khác mà trẻ học được ở trường. Biết thương các em bé “mong manh” lúc mới chào đời, biết kính trọng ông bà tuổi hạc đã cao … là những ứng dụng mà trẻ học được cùng lúc với khái niệm thời gian…

 

Nguyễn Huỳnh Mai

(từ Liège, Bỉ)